Dấu hiệu hình sự hóa trong vụ truy tố ông Phạm Thanh Hải tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Pháp luật - Bạn đọc 16/06/2020 09:49
Bà Hằng không tố cáo ông Hải lừa đảo chiếm đoạt tiền
Trong 2 ngày 9 và 10/5/2019, TAND Cấp cao đưa bị cáo Phạm Thanh Hải, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Đầu tư và Phát triển công nghệ quốc tế (IDT), chủ trang mạng “học làm giàu” ra xét xử phúc thẩm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ để quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can đối với ông Hải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là dựa vào đơn của bà Lê Thị Hằng (nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo đã bị khởi tố bắt tạm giam ngày 28/3/2017, vì đã tổ chức Chương trình “Trái tim Việt Nam” chiếm đoạt 8,8 tỉ đồng tiền của những người tham gia –PV), người có 8 tỉ đồng ủy thác cho ông Hải đầu tư vào dự án của Công ty IDT (hợp đồng chưa đến thời hạn thanh toán). Nhưng hồ sơ án sơ thẩm không có đơn tố cáo của bà Hằng. Tại phiên tòa phúc, bà Hằng được dẫn giải đến đối chất.
Bà Hằng làm rung động phiên tòa bởi lời khai: Do bà Loan chắp mối cho bà Hằng gặp ông Việt Anh, cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT). Ngay lần gặp đầu tiên ông Việt Anh đã đọc nội dung cho bà Hằng viết đơn tố cáo ông Hải. Bà Hằng thỏa thuận với nhóm bà Loan, nếu đòi được số tiền đầu tư cho ông Hải (chưa đến hạn) thì sẽ ăn chia 50%.”.
Ông Hải tại phiên tòa phúc thẩm ngày 10/5/2019 |
HĐXX đã công bố đơn của bà Hằng. Trước tòa, bà Hằng công nhận đây là đơn của bà, nhưng không có nội dung tố cáo ông Hải lừa đảo chiếm đoạt tiền, mà bà chỉ đề nghị Cơ quan CSĐT thu hồi hộ số tiền bà đã đầu tư.
Như vậy căn cứ để Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án theo đơn của bà Hằng tại phiên tòa phúc thẩm đã được làm rõ là không có căn cứ, vì bà Hằng không tố cáo ông Hải lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà (hợp đồng chưa đến hạn thanh toán).
Không có ai viết đơn tố cáo ông Hải lừa, chiếm đoạt tài sản.
Sau lời khai của bà Hằng, Chủ tọa phiên tòa nói: “Không cần có đơn của bà Hằng, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì Cơ quan CSĐT vẫn có thể có căn cứ khởi tố”. Tuy nhiên sau đơn của bà Hằng 1 ngày, Cơ quan CSĐT và Viện KSND TP Hà Nội có Quyết định khởi tố vụ án số 36 và Quyết định khởi tố bị can số 63 đối với ông Hải về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong khi Cơ quan CSĐT không nhận được bất cứ lá đơn nào tố cáo ông Hải lừa, chiếm đoạt tài sản làm căn cứ khởi tố vụ án. Việc Cơ quan CSĐT vội vã ra quyết định khởi tố khi chưa có thời gian điều tra xác minh theo khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, theo quy định trong thời hạn 20 ngày Cơ quan điều tra phải điều tra xác minh…” là chưa đúng quy định của pháp luật.
Ông Hải bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng tất cả các nhà đầu tư tham dự phiên tòa cũng như những người được tòa cho phép có ý kiến tại tòa, đều khẳng định họ không bị ông Hải lừa, họ tự nguyện hợp đồng ủy quyền dân sự cho ông Hải thay mặt sử dụng vốn góp của họ, để đầu tư các dự án mà ông Hải tham gia hợp tác. Đến trước khi bị bắt, ông Hải trả tiền cho các nhà đầu tư đầy đủ, không chiếm đoạt tài sản của ai. 508 người được Cơ quan CSĐT và Viện KS gọi là người bị hại đều không đồng ý để các cơ quan trên liệt họ vào danh sách người bị hại. Luật sư cho rằng, một số nhà đầu tư ở huyện Hoài Đức, trong danh sách người bị hại của Cơ quan CSĐT, nhưng khi luật sư về địa phương xác minh lại không có những người này, phải chẳng đây là những người bị hại theo danh sách “ma”?.
Chính Cơ quan CSĐT và Viện KS cũng mâu thuẫn với số liệu điều tra khi đưa ra con số theo Cáo trạng số 83/CT-VKS(P3) ghi nhận số tiền ông Hải huy động là 2.725 tỉ đồng, đã chi cả gốc và lãi cho các hợp đồng là 2.905 tỉ đồng, còn Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội trước ngày khởi tố vụ án 1 ngày, đã có Công văn số 6380/PC46-Đ10 ngày 28/10/2015 ghi nhận: “Sau khi huy động vốn của nhiều người, Hải dùng tiền để đầu tư nhiều dự án, đến kì hạn trả đầy đủ tiền cho khách theo hợp đồng, chưa có khách hàng nào thắc mắc hay khiếu kiện”. Đó là những minh chứng, những căn cứ pháp luật từ Viện KS và Cơ quan CSĐT cho thấy ông Hải không chiếm đoạt tài sản của ai và không có ai tố cáo ông Hải.
Theo Điều 100 BLTTHS năm 2003 quy định : Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định được 4 dấu hiệu tội phạm. Thế nhưng ở vụ án Phạm Thanh Hải, không ai bị lừa đảo, không ai bị chiếm đoạt tài sản, không ai tố cáo ông Hải, thì không thể kết tội Phạm Thanh Hải lừa đảo chiếm đoạt tài sản và không thể khởi tố vụ án.
Dấu hiệu vụ án bị hình sự hóa
Trong số trên 8000 hợp đồng các nhà đầu tư kí kết là giao dịch dân sự, chưa có một nhà đầu tư nào phàn nàn kêu ca gì về ông Hải, bởi ông Hải luôn thực hiện đầy đủ cam kết như nội dung hợp đồng đã thỏa thuận.
Đến ngày đưa ra xét xử, sau hơn 3 năm điều tra, Cơ quan CSĐT không tìm được một chứng cứ chứng minh ông Hải đã lừa dối các nhà đầu tư. Như vậy khởi tố ông Hải về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ.
Lật lại vụ án này, theo các luật sư và nhà đầu tư, ngay từ đầu tiên Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã phạm 2 sai lầm, đó là: Không có hành vi phạm tội nào, nhưng vẫn lập Biên bản phạm tội quả tang và đối tượng phạm tội quả tang nếu có thì là nhân viên đang nhận tiền, chứ không phải ông Hải.
Minh chứng là ngày 19/10/2015, trong lúc 2 nhà đầu tư đang kí hợp đồng và giao tiền cho nhân viên của Công ty IDT, thì Công an TP Hà Nội lập Biên bản phạm tội quả tang đối với ông Hải về hành vi Kinh doanh trái phép. Vậy ông Hải đã kinh doanh trái phép cái gì, mà lập biên bản phạm tội quả tang?
Phạm tội quả tang là người đang có hành vi phạm tội bị bắt quả tang, nhưng khi nhân viên của ông Hải là người đang thu tiền của khách hàng, lúc đó ông Hải có mặt ở đó đâu mà lập biên bản phạm tội quả tang đối với ông Hải?
Cùng ngày 19/10/2015, nơi ở và làm việc của ông Hải và bà Phạm Thị Mỹ Phúc, trợ lí của ông Hải bị khám xét khẩn cấp. Ông Hải bị bắt giữ từ 19/10 đến 27/10/2015
Ngày 27/10/2015, Viện KSND TP Hà Nội có quyết định hủy quyết định tạm giữ đối với ông Hải, vì không có căn cứ kết luận ông Hải phạm tội Kinh doanh trái phép.
Sau 1 ngày, ông Hải được trả tự do, ngày 28/10/2015, bà Lê Thị Hằng có đơn gửi đến Cơ quan CSĐT. Nội dung đơn của bà Hằng cũng chỉ nhờ Cơ quan CSĐT lấy lại số tiền mà bà Hằng kí 3 hợp đồng góp vốn với ông Hải, không có câu chữ nào nói ông Hải lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Hằng. Sau khi nhận được đơn của bà Hằng, ngày 29/10/2015, Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Hải, nhưng thay đổi từ tội kinh doanh trái phép sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này khi không đưa ra được các căn cứ pháp luật để buộc tội ông Hải lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì dấu hiệu hình sự hóa vụ án rất rõ ràng.