Đa sắc màu cơ quan đại diện của bộ, ngành
Cùng suy ngẫm 16/01/2022 15:01
Mỗi bộ, ngành một kiểu
Hiện nay, trong tổng số 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ thì có 2 bộ, gồm: Quốc phòng; Công an với đặc thù riêng là lực lượng vũ trang nên các đơn vị đại diện phía Nam là đơn vị đại diện của Tổng cục và Cục. Bộ Ngoại giao có Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh là đơn vị đại diện có cấp vụ, cục. 4/18 bộ có Cục Công tác phía Nam, gồm: Công thương; Tư pháp; Xây dựng; Khoa học – Công nghệ. 9/18 Bộ có đơn vị đại diện là Văn phòng Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị trực thuộc văn phòng bộ), gồm: Kế hoạch – Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông Vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế. Một bộ duy nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo có Trung tâm phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Văn phòng Bộ, thực hiện nhiệm vụ đại diện tại phía Nam. Bốn cơ quan ngang bộ đều có Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh, gồm: Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban Dân tộc. Cá biệt, Bộ Nội vụ không có đơn vị đại diện tại TP Hồ Chí Minh.
Bức tranh tổng thể về những đơn vị đại diện của các bộ tại TP Hồ Chí Minh đã thể hiện sự thiếu thống nhất rõ rệt. Và từ đó vai trò, chức năng và hiệu quả đầu mối của các đơn vị đại diện cũng có sự tương phản, trái ngược nhau, đơn cử:
Tiền thân là Cơ quan đại diện Bộ Xây dựng tại TP Hồ Chí Minh, tháng 10/2013, Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định đổi tên cơ quan này thành Cục Công tác phía Nam, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng với bộ máy tổ chức gồm: Văn phòng, Phòng Quản lý đô thị và Phòng Quản lý xây dựng và Trung tâm Tư vấn xây dựng và Phát triển đô thị phía Nam. Từ khi chuyển đổi và giữ vai trò là Cục công tác phía Nam, đơn vị đầu mối của Bộ Xây dựng tại TP Hồ Chí Minh đã không ngừng phát huy được vị thế, chức năng, quyền hạn của mình, thể hiện tốt vai trò cơ quan chuyên môn của bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bô Xây dựng, với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được Bộ trưởng giao, Cục công tác phía Nam đã thể hiện được vai trò là cánh tay nối dài, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong việc triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, đồng thời Cục là cầu nối quan trọng để Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khác trong việc phát triển kinh tế khu vực Nam.
Cục Công tác phía Nam, Bô Xây dựng luôn phát huy được vài trò đầu mối công việc trong khu vực |
Trong khi đó, cũng giữ vai trò là đơn vị đại diện tại phía Nam đặt tại TP Hồ Chí Minh nhưng Trung tâm Phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam trực thuộc Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tồn tại hạn chế trong phát huy chức năng, vai trò của mình là đầu mối của Bộ trong khu vực. Ông Nguyễn Xuân Trường, giám đốc Trung tâm Phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam, cho biết, từ khi chuyển đổi thành trung tâm vào năm 2017 thì đơn vị đã mất vai trò quản lý nhà nước, các đầu mối công việc cũng không thống nhất về cơ cấu tổ chức, chức vụ, phụ cấp, kinh phí hoạt động gặp nhiều khó khăn. “Nếu như trước đây khi nhắc đến Văn phòng 2 của Bộ là nhắc tới một đầu mối thân thuộc, luôn thể hiện được vai trò mật thiết trong quan hệ, hợp tác quốc tế, quan hệ với các địa phương, gắn kết các trường đại học, các sở Giáo dục và Đào tạo thì nay vị thế đã khác, quan hệ và triển khai công việc có những rào cản. Và từ đó hình ảnh của Bộ trong khu vực cũng xa dần….” , ông Trường chia sẻ.
Cần nhớ lại, trước khi chuyển đổi thành Trung tâm Phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam trực thuộc Văn phòng Bộ thì đã có thời kỳ đơn vị này là Cơ quan đại diện phía Nam (tương đương cấp cục,vụ). Nhưng cũng chính Cơ quan đại diện phía Nam này là đơn vị tiên phong và đến nay là duy nhất thực hiện chuyển đổi thành đơn vị sự nghiệp công lập.
Không chỉ khác nhau về chức năng, vai trò, mà tên gọi, phẩm hàm, phụ cấp chức vụ, vị trí việc làm giữa những người đừng đầu đơn vị đại diện cũng không có sự thống nhất. Đối với các cục, vụ người đứng đầu đương nhiên là cục trưởng, vụ trưởng; Trong khi đối với các bộ chỉ có đại diện văn phòng bộ, thì có bộ vị trí trưởng đại diện văn phòng được bổ nhiệm là phó chánh văn phòng bộ, có bộ vị trí trưởng đại diện chỉ có hàm trưởng phòng.
Cần có sự thống nhất chung
Sự thiếu thống nhất đang tạo ra những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, gây khó khăn cho các địa phương không chỉ trong các khâu phối hợp với các bộ, ngành, mà còn như lời bộc bạch của Trưởng đại diện của một bộ quản lý đa ngành: chúng tôi bị đặt ở chiếu dưới, khó quan hệ công tác với các địa phương đã đành, với các bộ, ngành với nhau cũng khó vì “danh không chính nên ngôn không thuận”. Thực tế, trong hoạt động công vụ, người có chức vụ cao hơn thì “thuận ngôn” và nhận được sự hợp tác tốt hơn là điều dễ thấy.
Các cơ quan đại diện phía Nam của bộ, ngành ngoài công tác chuyên môn thì về cơ bản chức năng và nhiệm vụ như nhau. Bên cạnh việc theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ của ngành, thì việc đảm bảo công tác văn phòng chiếm khối lượng công việc khá lớn. Ngoài ra còn có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị để chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, giải quyết kịp thời. Do đó sự vênh nhau giữa các cục, vụ công tác phía Nam và các văn phòng đại diện đang tồn tại nhiều hạn chế trong phối hợp công tác.
Đại diện Văn phòng Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh |
Theo Luật sư Đồng Văn Toàn, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty luật TVA, về mặt địa lý, nước ta có khoảng cách gần 3.000km kéo dài theo chiều Bắc – Nam, nên việc đặt các cơ quan đại diện của bộ, ngành tại khu vực là cần thiết. Tuy nhiên đây là vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, cụ thể là Luật Tổ chức Chính phủ, nên cần bảo đảm tính thống nhất và nguyên tắc pháp chế. Sự thiếu thống nhất đã phản ánh ít nhiều nhu cầu về danh vị, phẩm hàm, quyền lực. Bộ máy nhân sự, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cũng là vấn đề lớn trong bối cảnh tinh giản bộ máy và mô hình Chính phủ điện tử đang hướng đến. Chính phủ nên ban hành một Nghị định qui định về tổ chức cơ quan đại diện này. Tốt hơn nữa là gộp chung vào một trụ sở, tinh giảm nhân sự và ngân sách, tương tự trung tâm hành chính các tỉnh đang xây dựng.
Điều 23, Luật Tổ chức Chính phủ 2015 đã nêu: Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó gồm: Thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, công chức, viên chức. Quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) |