Cựu chiến binh bị bệnh tâm thần và nỗi niềm chẳng biết kêu ai!
Pháp luật - Bạn đọc 12/04/2021 08:46
Hoàn cảnh thương tâm
Cổng vào nhà không có, bờ rào, bờ dậu cũng không, căn nhà lụp xụp nằm giữa mảnh đất cỏ mọc um tùm là chỗ “chui vào, chui ra” của gia đình ông Huê. Chỗ nấu ăn được chụm bằng cọc tre lợp tranh dùng che nắng, chứ không che được mưa vì quá dột nát. Thấy cảnh “vườn không, nhà trống” như nhà hoang, tôi hỏi ông Huê: “Vợ con anh đi đâu?” Ông Huê trả lời: “Bà ấy đi viện, con trai tật nguyền đang đi chăm mẹ. Mình tôi ở nhà”. Biết tôi từng làm cán bộ xã, ông Huê nói: ‘’Nhờ chú viết hộ tôi cái đơn kêu khổ. Đời tôi khổ lắm, bị bệnh tâm thần từ năm 1984 đến nay; chế độ hưu mất sức cũng bị cắt; chế độ chất độc da cam cũng không được; chế độ hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng không… khổ lắm chú ơi!?.
Vì ông bị bệnh tâm thần lúc tỉnh, lúc mê nên tôi chờ vợ con ông đi viện về mới quay lại nhà ông. Trong nhà ẩm thấp chỉ có hai chiếc gường cáu bẩn được chất đủ thứ, không có chỗ tiếp khách. Qua lời kể của ông cũng như sự hỗ trợ của vợ con, cuộc đời ông Huê như sau: Ông Trần Văn Huê, sinh năm 1954, ở xã Thanh Lĩnh, cha mất khi ông được 3 tháng tuổi. Mấy năm sau, mẹ ông lấy chồng ở xã Thanh Hương, sinh thêm được 3 người con. Năm 1972, ông xung phong đi bộ đội, được biên chế vào Đại đội 51, Quân khu 4, chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Hòa bình, ông ra Bắc đóng quân ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sau đó, ông được cử đi học Trường lái máy kéo nông nghiệp Nghệ Tĩnh. Ra trường, ông làm công nhân Trạm máy kéo Anh Sơn, sau chuyển vào Nông trường Mỹ Lâm tỉnh Long An. Năm 1983, ông phát bệnh tâm thần, điều trị tại Bệnh viện Rạch Giá hơn 1 năm nhưng không khỏi. Tháng 7/1984, ông Huê được Nông trường Quốc doanh Mỹ Lâm cho nghỉ chế độ hưu mất sức. Thời gian tính mất sức là 12 năm 4 tháng (chưa quy đổi), mức trợ cấp 65 đồng/tháng.
Cựu chiến binh Trần Văn Huê. |
Sau hơn 12 năm công tác, ông trở về với hai bàn tay trắng. Không biết nương tựa vào đâu, ông phải ở nhờ nhà cụ Trần Thị Dớp (cô ruột), ở xã Thanh Hưng (nay là xã Đại Đồng). Cuối năm 1984, ông lấy bà Nguyễn Thị Tư, người cùng xã. Vợ chồng ông được xã Thanh Hưng cấp cho miếng đất ở Rú Hội làm nhà ở cho đến ngay nay. Vợ chồng ông sinh được 5 người con. Người con đầu, Trần Văn Nhâm bị dị dạng, dị tật mất khi 5 tuổi; người con thứ hai, Trần Thị Thúy, hiện lấy chồng ở Ninh Thuận; người con trai thứ ba đang đi làm thuê. Xót xa nhất là người con thứ tư, Trần Văn Thành (sinh 1992), bị tật khi còn nhỏ, Thành đi làm thuê cho một Công ty xây dựng ở Hà Nội, để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình. Thế nhưng vụ ‘’cố ý gây thương tích” của một lái xe trong công ty làm 1 chân Thành bị nát xương, phải đi cà nhắc suốt đời.
Thực hiện Thông tư 05/LĐTBXH-TT ngày 24/4/1990 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), ông Huê bị Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nghệ An cắt chế độ mất sức. Là người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, ở những nơi Mỹ rải chất độc hóa học, ông Huê đã lập hồ sơ xin hưởng chế độ cho con đẻ và bản thân, theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Hồ sơ lập đã được Hội đồng xác nhận Người có công huyện và Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương thẩm định đủ điều kiện đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An xem xét. Quyết định hưởng chế độ đã có kí “nháy” của Trưởng phòng Người có công trình Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An kí thì bị trả về. Hiện tại ông Huê và Thành đang hưởng chế độ Bảo trợ xã hội đối với người bị bệnh tâm thần, mức trợ cấp 540.000 đồng/tháng và 405.000 đồng/tháng.
Đi tìm sự thật
Do ông Huê bị bệnh tâm thần, để kiểm chứng lại những trình bày của ông, chúng tôi phải xác minh từng nội dung. Việc đầu tiên là tìm trong mớ giấy tờ lộn xộn được ông cất trong bao tải có các giấy gốc sau:
- Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba, cấp ngày 30/5/1976, do Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ kí tặng ông Huê.
- Quyết định hưởng chế độ mất sức lao động của Nông trường Quốc doanh Mỹ Lâm ngày 20/7/1984.
- Quyết định hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 142 của Thủ tướng Chính phủ.
- Sổ điều trị ngoại trú tâm thần.
- Công văn trả lời số 2637 ngày 3/12/2020 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An với nội dung: ‘’Ông Huê đề nghị cho ông tiếp tục hưởng chế độ hưu mất sức lao động là không có cơ sở”.
- Bộ hồ sơ đề nghị hưởng chế độ Chất độc da cam được lập năm 2007 theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP bị Sở LĐ-TB&XH Nghệ An trả về.
Người thứ hai mà tôi tìm đến là ông Nguyễn Đình Bình, Bí thư Chi bộ xóm Thanh Sơn. Ông Bình cho biết: Ông Huê bị bệnh tâm thần là đúng. Bản thân ông có đi bộ đội nhưng chiến đấu ở mặt trận nào thì ông không biết. Từ năm 2000 trở về trước, gia đình ông Huê liên tục là hộ nghèo. Năm nay, do gia đình ông Huê có con trai và con dâu đi xuất khẩu lao động nên xóm xét cho ra khỏi hộ nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Hữu Tùng, cán bộ chính sách xã Đại Đồng cho biết: Ông Huê là người “giở tính”, từ năm 2011 đến nay, ông liên tục lên UBND xã để kêu chế độ. Xã luôn động viên ông rằng, xã đã làm hết trách nhiệm còn việc được hay không là thuộc thẩm quyền của cấp trên. Tuy nhiên, ông Huê không nghe, và lại ra Hà Nội kêu khắp các cơ quan Trung ương.
Bà Trần Thị Thanh Huyền, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng, người gọi ông Huê bằng dượng cho biết thêm: “Ông Huê bị bệnh thần kinh, con trai bị dị tật, vợ bị bệnh đang điều trị ở bệnh viện. Ông thường xuyên “khăn gói” ra gặp Bộ Quốc phòng; Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH để kêu chế độ, trông tội lắm nhưng chẳng biết làm sao”.