Cuộc sống đời thường
Trong mắt người già 15/09/2022 11:52
Khi còn công tác trong quân đội tôi cũng chỉ đôi lần đến cửa thủ tục hành chính để giải quyết việc riêng, còn lại đa số phó thác cho vợ đi giải quyết. Đó là lần đi làm thủ tục tách công tơ điện khi gia đình có người tách hộ khẩu. Lần đầu tôi đến được nhân viên điện lực lướt nhanh qua hồ sơ rồi trả ngay vì chưa có giấy đề nghị mua điện. Lần thứ hai đến thì nhân viên điện lực lại chỉ ra là thiếu giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Lần thứ ba đến tiếp tục được nhân viên điện lực cho biết cần có một bản xác nhận của cảnh sát khu vực về lưu trú, đồng thời hẹn 2 tuần để nhân viên điện lực đi khảo sát hệ thống điện của gia đình xem có lắp được thêm công tơ hay không. “Quá tam ba bận” đi đi lại lại, tôi mới hoàn chỉnh được bộ hồ sơ để được tách công tơ. Nếu nhân viên điện lực kiểm tra kĩ càng ngay lần đầu, hướng dẫn cụ thể, chỉ ra các loại giấy tờ cần thiết thì tôi đã không phải đi lại mấy lần như vậy. Lần sau cùng mang bản xác nhận của cảnh sát khu vực đến tôi định bụng góp ý thẳng thắn về cách làm việc gây phiền hà cho dân của nhân viên này nhưng chợt nghĩ, chắc gì họ đã tiếp thu, thậm chí bực lên rồi “ngâm” hồ sơ, chưa biết khi nào mới xong nên đành thôi. Khi chia sẻ chuyện này với một người bạn, ông tỏ ra tiếc và bảo sao không nói trước vì ông có thể giúp làm đơn giản, nhanh chóng. Ông cho biết, có người bạn là cán bộ cấp phòng của quận này, khi ông nhờ tách công tơ, anh này chỉ cần nói trước với bên điện lực, ông chỉ việc nộp hồ sơ cơ bản, thiếu cái gì nhân viên điện lực gọi điện thoại để hoàn thiện chứ không cần đi lại nhiều lần. Vậy là khi phải trực tiếp giải quyết một số vấn đề cuộc sống đời thường tôi mới ngộ ra, cách phục vụ của cơ quan công quyền đôi khi cũng có sự khác nhau tùy vào đối tượng!
Gần đây nở rộ trào lưu người được nghỉ hưu song vẫn không muốn làm dân dù ai cũng biết “quan nhất thời, dân vạn đại”. Cứ nhìn vào một số tổ chức được tùy hứng lập ra như Hội tướng lĩnh của một huyện nọ, Câu lạc bộ giám đốc CDC miền Bắc rồi mới đây là Hội lãnh đạo Sở và các Trưởng phòng, ngành giáo dục của tỉnh kia… thì mới thấy nhiều quan chức dù “hết quan” nhưng vẫn chưa muốn “hoàn dân”. Dù lí do đưa ra là để đóng góp những điều tốt cho xã hội nhưng thực chất họ chỉ muốn giữ mãi cái danh bởi biết đâu từ cái danh cũng có thể sinh ra cái thực!
Quan chức khi nghỉ hưu muốn đóng góp cho xã hội không gì hơn hãy trở thành những dân thường thực thụ, lúc đó mới có thể nhận ra những điều mà khi đương chức dù có “vi hành” cũng khó biết được