Cơ sở pháp lí để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chiếm đoạt tài liệu mật
Pháp luật - Bạn đọc 03/10/2023 08:57
Theo đó, kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được xác định: Năm 2020, Ngô Thị Tố Nhiên biết Lê Quốc Anh và Dương Đức Việt là những người có quyền tiếp cận các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạch định chính sách, phát triển lưới điện của EVN, lưới điện 500KV, và 200KV. Do đó, Nhiên đã hợp thức hóa chiếm đoạt tài liệu bằng cách kí hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia với Quốc Anh và Việt theo hình thức bán thời gian, có trả lương. Hai đối tượng trên đã cung cấp tài liệu liên quan đến EVN cho Nhiên.
“Các hành vi vi phạm của Ngô Thị Tố Nhiên, Lê Quốc Anh, Dương Đức Việt đã phạm tội “Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức”. Cơ quan Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Sau khi khởi tố vụ án, một số cơ quan truyền thông nước ngoài, thế lực phản động lưu vong đã đưa tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bắt giam nhà hoạt động môi trường. Bộ Công an bác bỏ những luận điệu xuyên tạc kể trên và coi đó là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Hoàn toàn không có chuyện bắt các nhà hoạt động môi trường. Đây là việc chiếm đoạt thông tin, tài liệu của tổ chức, cơ quan, vì đây là các tài liệu nội bộ không được chia sẻ, không được công bố công khai, là tài liệu mật”, lãnh đạo Bộ Công an khẳng định.
Dưới góc độ pháp lí, TS. luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là khởi đầu của vụ án hình sự liên quan đến trật tự quản lí hành chính. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân động cơ phạm tội, làm rõ các sai phạm khác (nếu có) để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc mua bán, tiêu hủy hoặc chiếm đoạt những tài liệu này không những ảnh hưởng đến việc quản lí hành chính của cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp mà còn có thể là hành vi che giấu tội phạm, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lí tội phạm.
Bởi vậy, trên cơ sở đánh giá tính chất mức độ hành vi, xác định hậu quả xảy ra đến mức nguy hiểm cho xã hội, cơ quan điều tra sẽ xử lí đối với người vi phạm về tội danh này theo quy định tại Điều 342 BLHS năm 2015, với mức hình phạt thấp nhất là 3 tháng tù, mức cao nhất là 5 năm tù. Ngoài ra, đối với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
“Trong vụ án này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi phạm tội ở đây là chiếm đoạt hay tiêu hủy tài liệu của cơ quan tổ chức. Động cơ mục đích thực hiện hành vi này là gì? Hành vi có tổ chức hay không, có nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật hay không? Có thu lợi bất chính hay không?... để làm căn cứ xác định tính chất của vụ án, cũng như làm rõ bản chất của vụ án, xử lí đối với các tổ chức cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường phân tích.
Luật sư Cường cho biết thêm: Pháp luật Việt Nam không chỉ bảo vệ các tài liệu bí mật Nhà nước mà còn bảo vệ các tài liệu, con dấu liên quan đến quản lí hành chính Nhà nước để đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động của cơ quan tổ chức được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Không phải mọi hành vi tiêu hủy, mua bán, chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức đều bị xử lí hình sự mà chỉ có những hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc quản lí hành chính Nhà nước; việc tiêu hủy, mua bán các tài liệu đó là trái pháp luật.
Các tài liệu vẫn đang trong thời hạn pháp luật quy định phải bảo quản, lưu trữ nhưng đã vi phạm quy định này, gây ra khó khăn cho cơ quan quản lí Nhà nước trong việc quản lí hành chính hoặc để thực hiện hành vi che giấu tội phạm thì cơ quan chức năng mới xử lí bằng chế tài hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của các bị can, làm rõ động cơ mục đích, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lí theo quy định của pháp luật.