Có dấu hiệu xác định sai di sản chia thừa kế
Pháp luật - Bạn đọc 15/11/2022 08:33
Theo hồ sơ nguồn gốc thửa đất đang xảy ra tranh chấp cho thấy: Năm 1968, vợ chồng cụ Lan nhận chuyển nhượng 400m2 đất thổ cư của cụ Hoàng Nhiên. Năm 1973, vợ chồng cụ Lan xây dựng nhà ở và cho vợ chồng ông Vỹ 65,6m2 để xây dựng nhà riêng. Các thửa đất phân chia nói trên đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2016, TP Thái Bình thực hiện Dự án nối dài đại lộ Kỳ Đồng, thu hồi một phần diện tích đất thổ cư của cụ Mọi, cụ Lan và ông Vỹ. Đồng thời Nhà nước đã bồi thường giải phóng mặt bằng 2 lô đất tái định cư, với tổng diện tích 126m2 và 263,3 triệu đồng cho cụ Lan. Có thể thấy, tài sản chung của vợ chồng cụ Mọi và cụ Lan hiện tại đang sở hữu bao gồm: Thửa đất đang ở sau khi thu hồi với diện tích còn lại 213,5m2, 2 thửa đất tái định cư với tổng diện tích 126m2 và 263,3 triệu đồng.
Bản án dân sự sơ thẩm số: 22/2022/DSST; Sơ đồ, phân nền đất để chia di sản thừa kế; Quyết định kháng nghị số: 02/QĐKNPT-VKS-DS. |
Theo quy định của pháp luật, sau khi phân chia kỉ phần tài sản cho cụ Lan, di sản thừa kế của cụ Mọi được chia theo pháp luật chỉ còn 1/2 khối tài sản trên. Lẽ ra, án cấp sơ thẩm phải xác định rõ di sản thừa kế của cụ Mọi được xác lập bằng giá trị 1/2 diện tích đang ở sau khi Nhà nước thu hồi là 106,75m2 1 lô đất tái định cư có diện tích 63m2 và 132 triệu đồng tiền mặt để chia di sản thừa kế mới đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thẩm phán, chủ toạ phiên toà sơ thẩm phán quyết biến 407,1m2 đất vườn và 213,3m2 đất ao thuộc đất sản xuất nông nghiệp giao có thời hạn của Nhà nước thành di sản thừa kế của cụ Mọi để phân lô đất nền nhà ở chia đều cho 7 người con của cụ Mọi, cụ Lan(!?). Tại phiên toà, Thẩm phán Chu Thị Tuyết cho rằng, việc UBND xã Phú Xuân thực hiện Quyết định số: 948/2000QĐ-UB của UBND tỉnh Thái Bình quy đổi đất vườn tạp, đất ao của cụ Mọi, cụ Lan đang sử dụng là trái với quy định của Luật Đất đai nên không công nhận việc quy đổi. Trên thực tế, diện tích 407,1m2 vườn và 213,3m2 ao là đất nông nghiệp đang do vợ chồng ông Vỹ quản lí canh tác từ năm 2000 đến nay và sắp hết thời hạn giao đất, không phải di sản thừa kế của cụ Mọi để lại.
Trước vi phạm trong đánh giá chứng cứ dẫn đến xác định sai di sản chia thừa kế của Bản án dân sự sơ thẩm số: 22/2022DSST, ngày 12/9/2022 của TAND TP Thái Bình xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; ngày 17/9 2022, Viện trưởng Viện KSND TP Thái Bình đã ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số: 02/QĐKNT-VKS-DS Bản án số 22/2022 DSST ngày 12/9/2022 của TAND TP Thái Bình.
Quyết định kháng nghị đã nêu rõ: Quyết định số: 652/1993 và Quyết định số: 948/2000 của UBND tỉnh Thái Bình đã thực hiện đúng quy định tại Luật Đất đai năm 1993 trong việc thực hiện giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Tuy nhiên, Bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP Thái Bình lại nhận định việc quy đổi diện tích đất ruộng vào diện tích vườn và đất ao theo Quyết định số: 948/2000/QĐ-UB của UBND tỉnh Thái Bình là không đúng với Luật Đất đai 1993 nên không công nhận quy đổi này của UBND xã Phú Xuân? Từ đó đã xác định toàn bộ diện tích 407,1m2 đất vườn và 260m2 đất ao là đất của cụ Mọi, cụ Lan nhưng lại không xác định quyền sử dụng của vợ chồng ông Vỹ và 3 con của ông đã được UBND xã Phú Xuân giao quản lí sử dụng từ năm 2000 đến nay. Việc TAND TP Thái Bình không công nhận Quyết định số: 948/2000/QĐ-UB của UBND tỉnh Thái Bình là đánh giá không đúng tài liệu chứng cứ dẫn đến xác định sai di sản thừa kế, không những ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự mà còn ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của gần 2 triệu dân tỉnh Thái Bình, ảnh hưởng đến chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình an ninh chính trị của địa phương!
Quyết định kháng nghị còn khẳng định: Quyết định số: 652/QĐ-UB, ngày 17/11/1993 và Quyết định số: 948/2000/QĐ-UB, ngày 25/9/2000/QĐ-UB của UBND tỉnh Thái Bình là các Quyết định căn cứ vào Luật Đất đai năm 1993, Nghị định số: 64/1993 và Nghị định số: 85/2000 của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND tỉnh, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. Là các quyết định tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hợp pháp. Đến nay, chưa có văn bản nào của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hủy bỏ, bãi bỏ do trái pháp luật. Trong thực tế, là văn bản quy phạm pháp luật đã được triển khai và áp dụng trong thực tiễn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, được Nhân dân trong tỉnh chấp hành ổn định cho đến nay đã gần 30 năm. Bản thân hộ gia đình cụ Mọi, cụ Lan đồng ý chấp hành việc quy đổi ruộng giao cơ bản ngoài đồng vào đất vườn, ao trong thổ theo tỉ lệ UBND xã Phú Xuân thực hiện quy đổi trên địa bàn, đã sử dụng ổn định hơn 20 năm không có tranh chấp.
Các văn bản quy phạm nói trên đang có hiệu lực pháp luật, thế nhưng không hiểu vì sao HĐXX sơ thẩm vụ án trên lại phán quyết, đất giao nông nghiệp có thời hạn của Nhà nước thành đất thổ cư để chia di sản thừa kế? Chỉ nhìn vào sơ đồ phân lô đất nền chia di sản thừa kế được HĐXX hoạch định, dư luận nghi ngại liệu có sự thông đồng với các đương sự? Bởi với giá trị khu đất mặt tiền là đại lộ Kỳ Đồng này được định giá 40 triệu đồng/m2 liệu có hay không “lợi ích nhóm” từ phán quyết của HĐXX cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
Được biết, UBND xã Phú Xuân và gia đình ông Nguyễn Hùng Vỹ đã có đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm. Nội dung đều thể hiện giữ nguyên quan điểm và đề nghị Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Thái Bình cải sửa theo hướng tách diện tích 407,1m2 đất vườn và 213,5m2 đất ao thuộc đất nông nghiệp giao có thời hạn ra ngoài khối tài sản chia di sản thừa kế trong vụ án.
Dư luận xã hội đồng tình với quan điểm Quyết định kháng nghị của Viện KSND TP Thái Bình, đơn kháng cáo của UBND xã Phú Xuân và gia đình ông Nguyễn Hùng Vỹ cần có sự phán quyết công tâm, khách quan, đúng pháp luật của TAND tỉnh Thái Bình.