Có dấu hiệu nhận đất cấp "khống" vẫn được thắng kiện!
Pháp luật - Bạn đọc 24/07/2020 08:24
Vợ chồng ông Tấn, bà Bế trình bày cách xử án lạ lùng |
Theo hồ sơ, khoảng năm 1984 đến 1990, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) bàn giao khu vực đất hồ Vân Thủy cho UBND tỉnh quy hoạch hồ điều hòa và khu dân cư Trần Ngọc Hy. Đổi lại, UBND tỉnh có trách nhiệm bồi hoàn, giải phóng mặt bằng khoảng 2ha đất tại khóm 4, phường 6, thị xã Cà Mau (nay là TP. Cà Mau) giao cho Bộ CHQS tỉnh quy hoạch khu dân cư cấp cho cán bộ, sĩ quan.
Ngày 16/3/1986, Bộ CHQS tỉnh Minh Hải ban hành quyết định giao đất ở, nhà ở cho ông Tô Quang Khuynh, cán bộ Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Minh Hải. Đất đai và nhà ở thuộc khóm 4, phường 6, thị xã Cà Mau với diện tích 1.003m2. Quyết định này không có số, không nêu hình thái khu đất giao cho ông Khuynh và tứ cận như thế nào. Đây là dấu hiệu của việc cấp đất khống trên giấy tờ?
Năm 2005, vợ chồng ông Khuynh được UBND TP. Cà Mau cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tổng diện tích 1.071m2. Sau đó, vợ chồng ông Khuynh tách làm 3 thửa, chia đất cho các con và còn lại một phần.
Vợ chồng ông Khuynh cho rằng, vào năm 2013, họ phát hiện vợ chồng ông Nguyễn Công Tấn đã cắm trụ xi măng và rào lưới B40 lấn sang phần đất của vợ chồng và các con ông Khuynh, với tổng diện tích 376,4m2 (đo thực tế). Do vậy năm 2014, họ khởi kiện, yêu cầu vợ chồng ông Tấn tháo dỡ, di dời toàn bộ vật kiến trúc và tài sản gắn liền trên đất để trả lại cho các nguyên đơn 376,4m2 đất. Sau đó họ rút đơn khởi kiện và đến năm 2016 thì khởi kiện lại và được TAND TP. Cà Mau thụ lý.
Vợ chồng ông Tấn thì chứng minh bằng giấy tờ, thể hiện đất của họ có được do mua của bà Nguyễn Thị Đồng vào ngày 22/2/1983, tổng diện tích là 10.957,5m2, giá bán là 110.000 đồng và có chứng thực của UBND phường 6, thị xã Cà Mau. Đất của bà Đồng được chế độ cũ cấp quyền sở hữu vào năm 1971. Vợ chồng ông Tấn đã thanh toán, nhận bàn giao đất xong và quản lý, sử dụng từ năm 1983.
Đến năm 1987, vợ chồng ông Tấn đã cắm trụ bê tông, rào lưới B40 và dây chì gai bao quanh phần đất 10.957,5m2 mua của bà Đồng. Từ đó đến nay họ còn trồng cây ăn trái, cất nhà trọ cho thuê, xây nhà ở… trên mảnh đất này. Đến năm 1993, đất này của vợ chồng ông Tấn được UBND thị xã Cà Mau cấp GCNQSDĐ với diện tích 8.600m2. Phần diện tích chưa được cấp GCNQSDĐ còn lại, vợ chồng ông Tấn vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng và không xảy ra tranh chấp với ai.
Hồ sơ thể hiện, khu đất mà vợ chồng ông Tấn mua từ bà Đồng là 10.957,5m2 nhưng khi đo thực tế chỉ còn 10.553,1m2. Và từ khi được cấp GCNQSDĐ đến nay thì chưa có cơ quan thẩm quyền nào ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ, hay thu hồi diện tích đất nào của vợ chồng ông Tấn.
Bản án số 14/2018/DS-ST ngày 18/1/2018 của TAND TP. Cà Mau tuyên xử, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của các nguyên đơn; hủy một phần các GCNQSDĐ và điều chỉnh giảm lại diện tích các GCNQSDĐ của các nguyên đơn với tổng diện tích 376,4m2.
Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm nhận định cơ bản rằng, đất của vợ chồng ông Tấn có giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Còn về các nguyên đơn, theo đo đạc thực tế thì diện tích 376,4m2 có tứ cận không đúng với quyết định giao đất của Bộ CHQS tỉnh Minh Hải và GCNQSDĐ của các nguyên đơn, được cấp năm 2005, 2006, lại thừa 68m2. Trong 1.071m2 cấp cho ông Khuynh có 376,4m2 đất đang tranh chấp, đã được UBND thị xã Cà Mau cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Tấn vào năm 1993.
Theo HĐXX sơ thẩm, thời điểm cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Tấn trước thời điểm cấp GCNQSDĐ cho các nguyên đơn hơn 10 năm. Điều đó thể hiện, đất được cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Khuynh chồng lấn lên diện tích đất của vợ chồng ông Tấn, với diện tích theo bản vẽ hiện trạng là 376,4m2.
Mặt khác, tại các văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau và UBND TP. Cà Mau thể hiện, hiện nay không còn hồ sơ lưu nên không có cơ sở để xác định nguồn gốc đất mà Bộ CHQS tỉnh Minh Hải giao cho ông Khuynh. Như vậy vào năm 2005, UBND TP. Cà Mau cấp 2 GCNQSDĐ cho ông Khuynh có tổng diện tích 1.071m2 là chưa phù hợp, diện tích không đúng với quyết định giao đất của Bộ CHQS tỉnh Minh Hải.
Hơn nữa, tại hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của ông Khuynh về tứ cận không đúng với thực tế, những người giáp ranh và ông Tấn không ký tên (tại bản vẽ đo đạc thực tế phần đất phía hậu giáp ranh với ông Tấn 3 cạnh). Điều này thể hiện khi quyết định giao đất và cấp GCNQSDĐ cho ông Khuynh chỉ căn cứ vào giấy tờ chứ không xuống thực tế cắm mốc bàn giao ranh giới. Lần nữa thể hiện dấu hiệu của việc cấp đất khống?
Ông Nguyễn công Tấn tại khu đất tranh chấp |
Một đoạn nhận định của bản án phúc thẩm |
Mặc dù những điểm chính trong hồ sơ vụ án là vậy, nhưng ngày 22/2/2019, TAND tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm bằng Bản án số 27/2019/DS-PT, tuyên xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của các nguyên đơn; sửa bản án sơ thẩm; buộc vợ chồng ông Tấn tháo dỡ, di dời toàn bộ vật kiến trúc và tài sản gắn liền trên đất để trả lại cho các nguyên đơn 376,4m2 đất.
Ông Tấn cho rằng: “HĐXX bản án số 27/2019/DS-PT do bà Bùi Thị Phương Loan làm chủ tọa vẫn nhận định hồ sơ gốc của khu đất mà Bộ CHQS tỉnh Minh Hải giao cho ông Khuynh không có. Họ nói vợ tôi ký tên nhận tiền bồi hoàn chỗ miếng đất tranh chấp rồi nhưng cũng không còn giấy tờ bản gốc nên không thể giám định chữ ký. Vậy mà HĐXX này vẫn lập luận và tuyên buộc chúng tôi trả đất, thật vô lý!”.
Ông Tấn ngao ngán than: “Vợ chồng tôi từng là sĩ quan quân đội. Tôi là thương binh 2/4. Bây giờ tuổi chúng tôi đều đã cao, đi đứng khó khăn mà bị TAND tỉnh Cà Mau tuyên án như kiểu “trên trời rơi xuống” thế này thì biết đến bao giờ “kêu oan” cho xong. Chúng tôi chỉ cầu mong tòa án và Viện KSND Cấp cao như đèn trời soi xét, sớm kháng nghị hủy bản án phúc thẩm này, trả lại công bằng cho gia đình tôi!”.