Chuyến đi kỉ niệm
Phóng sự 26/06/2019 07:35
Ấy là vào mùa ngâu năm 2005, khi tôi có chuyến công tác vào Thanh Hóa, cũng là quê nội yêu dấu mà tôi ít khi về thăm. Trước khi lên đường, tôi và đồng nghiệp đã chuẩn bị sẵn đề cương, câu hỏi, chương trình làm việc, dự kiến kịch bản và liên hệ với các địa phương để công việc được liên hoàn.
Hai giờ sáng, chúng tôi "cưỡi" con ngựa sắt lên đường. Mấy hôm nay, trời mưa rả rích, cái lạnh khiến không ai muốn ra đường vào giờ này. Nhưng kế hoạch đã sẵn sàng. Tôi nhẹ nhàng khóa cửa, dắt xe ra ngõ để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người thân và xóm giềng. Chúng tôi đi theo hướng Hà Đông, qua Ba La, xuôi Mỹ Đức rồi lên đường Hồ Chí Minh. Xe chạy bon bon. Những khu dân cư, những cánh đồng, khoảnh rừng lùi dần lại phía sau. Con đường trở nên quanh co, heo hút như nuốt lấy chúng tôi. Mưa vẫn táp vào mặt, vào người. Cái lạnh càng ngấm sâu, cô bạn phải ôm chặt lấy tôi như muốn giữ lấy hơi ấm trong người. Hơn 5 giờ đồng hồ vừa đổi lái, vừa dừng nghỉ, chúng tôi cũng đến huyện vùng cao Lang Chánh, nơi chúng tôi đặt lịch làm việc vào đầu giờ sáng. Tôi tạt vào quán nhỏ ven thị trấn, cùng cô bạn đồng nghiệp chỉnh lại trang phục, kiểm tra lần nữa tài liệu mang theo rồi lại lên xe đến thẳng cơ quan Huyện ủy như đã hẹn.
Tiếp chúng tôi là Chánh Văn phòng Hồ Văn Dần. Sau khi trao đổi nội dung và chương trình làm việc, ông Dần đưa chúng tôi lên gặp Bí thư Huyện ủy Lê Văn Tích. Ông Tích chân tình, cởi mở chia sẻ với chúng tôi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, các điều kiện thuận lợi và khó khăn mà huyện đang "sở hữu", kế hoạch của huyện trong thời gian tiếp theo. Đồng ý với đề xuất của chúng tôi là được giới thiệu đi thăm xã điển hình về phát triển và xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện, ông Tích giao cho ông Dần bố trí tạo điều kiện cho phóng viên nơi ăn ở và tác nghiệp. Bữa trưa ấm cúng có cả Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Chánh Văn phòng, Trưởng ban Tuyên giáo và một số cán bộ các phòng ban. Chúng tôi được bố trí nghỉ ở Nhà khách UBND huyện ngay gần đó cho tiện công việc.
Đầu giờ chiều, mưa càng nặng hạt hơn. Cơn mưa triền miên tưởng như không thể dứt kéo dài đã hàng tuần nay. Lãnh đạo và cán bộ huyện ai cũng lo lắng và ái ngại, khuyên chúng tôi nghỉ ngơi rồi mai ngớt mưa hãy đi, huyện sẽ cử cán bộ đi cùng. Chúng tôi cũng chia sẻ là muốn hoàn thành công việc đúng tiến độ và sẽ tự đi cơ sở. Thấy chúng tôi chuẩn bị xe đi xã, ông Dần nói: "Để tạnh mưa rồi đi em!". Tôi trả lời: "Anh ơi! Mưa ngâu mà chờ tạnh thì hết cả tháng rồi!". Chúng tôi dứt khoát lên xe, thẳng về hướng xã biên giới Yên Khương, không quên những lời nhắc nhở của Chánh Văn phòng: "Đường vào đó rất xa, khó đi, phải qua sông. Đến bến sông, em cứ gọi to, đò sẽ đưa em qua. Trong đó không có điện thoại nên anh chưa thông tin được cho lãnh đạo xã".
Con đường quanh co dài hơn chục ki-lô-mét, như càng dài hơn khi hai chúng tôi đội mưa đi hun hút, chìm vào làn mưa dày đặc. Thỉnh thoảng, chúng tôi phải dừng lại vì đường quá trơn, làm bánh xe cứ bị níu chặt dưới bùn lầy như muốn quay vòng trở lại. Có lúc qua đoạn đập tràn ào ào nước chảy, chúng tôi phải nhanh chóng vượt qua. Khó khăn lắm chúng tôi mới tới được Đồn Biên phòng nằm ven đường. Nhìn phía trước vẫn không thấy bóng dáng trụ sở UBND xã, chúng tôi ghé vào Đồn hỏi thăm. Các chiến sĩ Biên phòng cho biết, đường từ đây vào UBND xã không đi xe máy được do quá lầy lội, toàn đất thịt. Họ khuyên chúng tôi để xe máy lại, đi bộ vào. Thấy có lí, chúng tôi đành gửi xe lại Đồn Biên phòng, rồi xin phép về Ủy ban cho kịp giờ. Chia tay chúng tôi, các anh bộ đội chỉ còn biết cảm thông bằng những ánh mắt ái ngại.
Lại đi. Chúng tôi không thể đi bằng giầy, phải cầm giầy lên tay và đi chân đất. Mặt đường trơn như đổ mỡ khiến chúng tôi phải bấm chặt chân xuống đất, khó nhọc nhích từng bước rất thận trọng. Vậy mà, cô bạn đi cùng vẫn bị ngã đánh oạch... Bến sông đã hiện ra trước mặt. Xung quanh vắng lặng không một bóng người. Nhớ lời Chánh Văn phòng dặn trước lúc đi, chúng tôi cất tiếng gọi. Tiếng người đáp lại, lẫn vào tiếng mưa. Một người lái chiếc bè làm bằng những cây luồng ghép lại về phía chúng tôi. Dù chưa qua sông kiểu này bao giờ và lo lắng về sự an toàn, song chúng tôi vẫn cố gắng trèo lên, hi vọng đến nơi làm việc càng sớm càng tốt. Mưa vẫn ràn rạt vào mặt, vào người. Mặc áo mưa mà cả hai chúng tôi gần như ướt sũng. Mặt sông mênh mông, sóng cuồn cuộn trào lên từng đợt. Người lái đò bình tĩnh điều kiển chiếc bè trước sự nín thở đến ngột ngạt của chúng tôi…
Rồi chúng tôi cũng đến được UBND xã Yên Khương. Thật không may là trực ở trụ sở chỉ có một cán bộ văn phòng. Đồng chí cán bộ sốt sắng mời chúng tôi vào phòng, nói: "Các chị chờ một lát. Mấy hôm nay mưa bão, lãnh đạo xã đều đi vắng cả. Để em vào xóm tìm xem có đồng chí nào ở gần đây không". Một lát sau, cả Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương có mặt. Ai nấy đều thân tình, trả lời chúng tôi bằng những chia sẻ mộc mạc, chân chất của người miền núi. Được biết: Yên Khương là xã biên giới duy nhất của huyện Lang Chánh, có chiều dài 7km đường biên giới với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Toàn bộ diện tích của xã nằm dọc theo hai bờ sông Thao, một nhánh của sông Âm. Điều kiện địa hình thì "hai chị đã mục sở thị" (lời đồng chí Chủ tịch), đời sống Nhân dân còn khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhiều hộ dân thiếu đói quanh năm…
Làm việc xong, chúng tôi lại loay hoay quay ra huyện. Hành trình có đỡ vất vả hơn. Trên đường đi đã thấp thoáng bóng người. Các chiến sĩ Đồn Biên phòng tranh thủ ngớt mưa ra sân đánh bóng chuyền. Một số đập tràn xuất hiện từng đoàn phụ nữ, trẻ em ra suối tắm, giặt. Về đến trụ sở huyện, thấy Chánh Văn phòng Hồ Văn Dần đang như ngồi trên đống lửa. Thì ra, do không liên lạc được với chúng tôi, ông lo chúng tôi lạ đường, sợ đi không an toàn đã đề nghị mượn chiếc xe u-oát của Công an huyện chuẩn bị vào đón. Chúng tôi cùng thở phào nhẹ nhõm.
…Kết thúc chuyến đi, chúng tôi có loạt bài về tình hình đời sống cư dân, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán và đặc biệt những tấm lòng hiếu khách, chân chất đến mộc mạc của cán bộ và Nhân dân ở huyện miền núi Lang Chánh. Sau này, có nhiều dịp trở lại nơi đây công tác, trải qua năm tháng, nhiều thế hệ cán bộ đã thay đổi, được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đoàn kết nhất trí của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện, bộ mặt quê hương Lang Chánh có nhiều khởi sắc. Cuộc sống đồng bào đã ấm no hơn, đường vào xã Yên Khương xưa đã trải nhựa và có cầu bắc qua sông. Song, tình người vẫn ấm áp, chân thành, đặc biệt tôi không thể quên chuyến đi đáng nhớ vào mùa mưa năm ấy.