Chuyên đề “Những điều cần biết về bệnh đột quỵ” Bài 1: Đột quỵ - “sát thủ” thầm lặng
Bệnh người già 15/12/2020 07:58
Sự nguy hiểm của đột quỵ
Thông tin từ quản lý cũ của nghệ sĩ Chí Tài cho biết, nam nghệ sĩ qua đời vào khoảng 15h20, ngày 9/12, tại bệnh viện, sau khi bị đột quỵ tại chung cư ông đang sống. Sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Chí Tài không khỏi khiến đồng nghiệp và công chúng bàng hoàng, đau xót. Đồng thời, được biết nguyên nhân nghệ sĩ qua đời cũng là lúc chúng ta cần cảnh giác hơn với căn bệnh đột quỵ được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” này.
Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là bệnh lí cấp tính, xảy ra đột ngột do mạch máu não (động mạch, mao mạch và hiếm hơn là tĩnh mạch) bị vỡ hoặc tắc mà không do chấn thương sọ não, khiến cho các tế bào thần kinh bị tổn thương và rối loạn hoạt động chức năng, biểu hiện là triệu chứng: đau đầu đột ngôt, liệt nửa người, méo miệng, nói khó, …thậm chí hôn mê, tử vong. Theo Tổ chức Đột qụy não Thế giới, đột qụy não có tỷ lệ tử vong cao, chỉ đứng thứ ba sau bệnh ung thư và tim mạch.
Nghệ sĩ Chí Tài bất ngờ qua đời ở tuổi 62 vì đột quỵ |
Đột quỵ xảy ra khi mạch máu cung cấp ôxy và các chất dinh dưỡng cho phần mô não đó bị tắc nghẽn hay bị vỡ ra. Khi điều này xảy ra thì các tế bào thần kinh trong phần não trên sẽ bị tê liệt, không làm việc được nữa. Do đó, phần cơ thể do chúng điều khiển cũng không còn chức năng như cũ.
Đột quỵ thường được xác định là một trong hai dạng sau: Thứ nhất là đột quỵ thiếu máu não (nguyên nhân do tắc nghẽn một động mạch). Thứ hai là đột quỵ chảy máu não (nguyên nhân do rách thành động mạch gây ra máu chảy vào trong nhu mô não hay não thất, khoang dưới nhện xung quanh não – chảy máu màng não). Bệnh nhân sau khi bị đột quỵ sẽ gây ảnh hưởng đến các vùng chức năng có liên quan và độ nặng phụ thuộc vào vị trí mạch máu bị tắc cũng như độ rộng của vùng não bị tổn thương.
Hiện nay, đột quỵ thiếu máu não là dạng thường gặp nhất, chiếm 75 - 85% tất cả các trường hợp đột quỵ. Thiếu máu não cục bộ là quá trình bệnh lý, trong đó động mạch não bị hẹp hoặc bị tắc, lưu lượng tuần hoàn tại vùng não do động mạch đó phân bố giảm trầm trọng gây hoại tử, rối loạn chức năng, biểu hiện các hộ chứng và triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não bị tổn thương. Hai cơ chế cơ bản tham gia vào quá trình gây thiếu máu não đó là cơ chế nghẽn mạch (thường do huyết khối, cục tắc) và cơ chế huyết động học.
Dạng thứ hai là đột quỵ chảy máu não chiếm khoảng 10% - 20% các trường hợp đột quỵ do xuất huyết (chảy máu đột ngột) vào trong hay xung quanh não. Đột quỵ xuất huyết ít gặp hơn đột quỵ thiếu máu não nhưng lại có xu hướng tử vong cao hơn.
Đối với thể xuất huyết nhu mô hay trong não thường là hậu quả từ tăng huyết áp gây tăng áp lực quá mức lên những thành mạch đã bị tổn thương do xơ vữa động mạch hoặc những bệnh nhân dùng thuốc kháng đông hay thuốc làm mỏng mạch máu có tăng nguy cơ một ít ở nhóm đột quỵ xuất huyết.
Còn đối với thể xuất huyết khoang dưới nhện là dạng đột quỵ xảy ra khi mạch máu trên bề mặt của não vỡ, dẫn đến máu chảy vào khoang dưới nhện và vùng nền sọ. Hoặc do vỡ phình mạch gây ra yếu thành động mạch hoặc do vỡ dị dạng động tĩnh mạch (AVM) là một thông nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch.
Bệnh nhân bị đột quỵ nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng vô cùng nặng nề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người bệnh sau này.
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Dù đột quỵ thuộc nhóm các bệnh không lây nhiễm nhưng có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến căn bệnh này. Trong đó phải kể đến những yếu tố nguy cơ không thể tác động được bao gồm: tuổi, gen, dân tộc, di truyền, trong đó, tuổi càng cao khiến nguy cơ mắc đột quỵ tăng lên. Mặc dù các yếu tố này không thể tác động đến nhưng sự xuất hiện của nó đặt những đối tượng này vào nhóm nguy cơ cao, do đó cần phát hiện sớm và giải quyết các yếu tố nguy cơ khác mà ta có thể tác động được nhằm giảm tỷ lệ xảy ra đột quỵ.
Nhóm nguyên nhân tiếp theo là những yếu tố nguy cơ có thể tác động được, gồm có:
Tăng huyết áp động mạch là yếu tố nguy cơ quan trọng đối với tất cả các loại đột quỵ. Khi huyết áp tăng cao, dễ gây tổn thương nội mạc thành mạch do áp lực dòng máu mạnh hơn, làm tăng tính thấm của thành mạch đối với các lipoprotein máu, do đó làm vữa xơ động mạch phát triển, từ đó dễ hình thành các tai biến. Kiểm soát tăng huyết áp tâm trương và tăng huyết áp tâm thu sẽ làm giảm tần suất đột quỵ nói chung và đột quỵ nhồi máu não nói riêng.
Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra đột quỵ |
Theo các nghiên cứu ở châu Âu và Bắc Mỹ, đái tháo đường là yếu tố nguy cơ của tai biến thiếu máu não cục bộ. Điều trị tốt đái tháo đường sẽ làm giảm khả năng đột quỵ thiếu máu não, dự phòng tăng đường huyết có thể làm giảm mức độ nặng của các tổn thương não trong giai đoạn cấp của đột quỵ thiếu máu não.
Các bệnh lý về tim mạch như rung nhĩ, viêm màng trong tim, hẹp van hai lá, nhồi máu cơ tim diện rộng, phình thành thất trái, bệnh cơ tim, can xi hoá vòng van hai lá, thông liên nhĩ, phình thành nhĩ trái cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Một số nghiên cứu gần đây nhận thấy rằng, những rối loạn nhịp tim khác như nhịp nhanh kịch phát trên thất cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ thiếu máu não. Trong các yếu tố trên, rung nhĩ là nguy cơ quan trọng nhất và là yếu tố có thể điều trị dự phòng đột quỵ thiếu máu não.
Yếu tố nguy cơ tiếp theo có thể gây ra đột quỵ là béo phì bởi nó là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch và như vậy có thể là nguyên nhân thứ phát của của đột quỵ thiếu máu não thông qua bệnh tim.
Ngoài ra, chế đột dinh dưỡng, sinh hoạt không hợp lý, trầm cảm, nghiện bia rượu, thường xuyên hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích cũng chính là các nguyên nhân có thể gây ra đột quỵ.
Đột quỵ có thể gây tử vong bất ngờ ở những người tưởng chừng đang có sức khỏe bình thường, không có các biểu hiện triệu chứng trong một thời gian dài, mặt khác, đa số người dân hiện nay chưa thực sự nhận thức đầy đủ về căn bệnh này nên không tránh khỏi tâm lý chủ quan, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe tốt cho bản thân và gia đình, người dân cần chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, loại bỏ dần các thói quen xấu trong sinh hoạt hằng ngày, nhằm giảm bớt các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đột quỵ.
Nghệ sĩ Chí Tài qua đời Danh hài Chí Tài đột ngột qua đời ngày 9/12, sau khi bị đột quỵ. |
Người cao tuổi bị tăng huyết áp nên và không nên ăn gì? Người bị tăng huyết áp nên tăng cường rau xanh, trái cây mọng nước, ăn thịt ít mỡ, các loại hạt...tránh xa thực phẩm giàu ... |
Dấu hiệu cảnh báo bệnh tăng huyết áp Mặc dù, tăng huyết áp gần như không có dấu hiệu đặc trưng nhưng nếu có những biểu hiện như đau đầu, choáng váng thường ... |