Người cao tuổi bị tăng huyết áp nên và không nên ăn gì?
Bệnh người già 07/08/2020 07:33
Dấu hiệu cảnh báo bệnh tăng huyết áp 6 loại rau quả giúp giảm huyết áp hiệu quả |
Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người bị tăng huyết áp khi chỉ số đo huyết áp từ trên 140/90mmHg. Đồng thời, WHO và Hội đồng Huyết áp thế giới đã phân độ THA như sau: Tăng độ I (huyết áp từ 140 - 159/90 - 99mmHg), tăng độ II (huyết áp từ 160 - 179/100 - 109mmHg) và tăng độ III (huyết áp từ 180/110mmHg trở lên).
Bệnh tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa |
Bệnh tăng huyết áp nếu không được điều trị và kiểm soát tốt có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ,... Do đó, để ngăn chặn “kẻ giết người thầm lặng”, ngoài việc điều trị sớm thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tăng huyết áp
Theo bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bệnh tăng huyết áp cần có chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất, giàu kali và chất xơ, ít natri, đồng thời giảm lượng acid béo bão hòa và tổng lượng chất béo.
- Nhu cầu năng lượng hàng ngày từ 30 - 35 Kcal/kg cân nặng.
- Chất đạm (Protein) khoảng 0,8 - 1 g/kg cân nặng/ngày.
- Chất béo (Lipid) chiếm 20 - 25% tổng năng lượng.
- Lượng chất xơ cung cấp từ khẩu phần ăn khoảng 14g/1000kcal.
- Chất bột đường (glucid) là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, cần ăn đủ theo nhu cầu lao động và sinh hoạt.
- Lượng natri dưới 5g/ngày bao gồm cả lượng muối được nêm trong thức ăn và nước chấm.
- Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất, đặc biệt là acid folic, vitamin B12, vitamin B6, vitamin D.
Thực phẩm người bị tăng huyết áp nên dùng
- Ngũ cốc và các loại hạt: Gạo lứt, gạo tẻ, yến mạch, các loại đậu đỗ, lạc, vừng…
- Rau xanh, củ quả: Diếp cá, xà lách, cải xoăn, củ cải xanh, súp lơ, rau chân vịt, rau ngót, củ dền… đều rất giàu các vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe.
- Trái cây mọng nước: Cam, quýt, thanh long, cà chua, dưa chuột, đặc biệt là việt quất có chứa flavonoids - có tác dụng ngăn ngừa huyết áp cao hiệu quả.
- Sữa: Sữa đậu nành, sữa tươi hoặc sữa chua không đường, sữa bột tách bơ, sữa gạo đều rất tốt cho người tăng huyết áp.
Người bị tăng huyết áp nên tăng cường rau xanh, trái cây mọng nước. Ảnh minh họa |
- Dầu thực vật: Dầu đậu nành, đậu phộng, mè, ô liu, hướng dương.
- Thịt ít mỡ: Người bị tăng huyết áp nên ăn thịt lợn nạc hoặc thịt gia cầm bỏ da.
Thực phẩm người bệnh tăng huyết áp không nên ăn
- Thực phẩm chứa hàm lượng muối cao: cà, dưa, hành muối... vì hàm lượng natri trong muối làm tiết ra nhiều dịch tế bào khiến tim đập nhanh hơn và tăng huyết áp.
- Thực phẩm giàu năng lượng: như chocolate, thức ăn chứa nhiều đường glucose, đường mía… vì có thẻ gây béo phì. Trên thực tế, người béo phì có nguy cơ cao bị cao huyết áp hơn người bình thường.
- Mỡ, nội tạng động vật: Mỡ và nội tạng động vật đều chứa nhiều cholesterol không có lợi cho tim mạch và huyết áp. Ngoài ra, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn các nguy cơ gây bệnh ung thư, não, giun sán, viêm cơ tim, viêm phổi,…
- Thức ăn nhanh, chế biến sẵn: Giăm bông, thịt xông khói, xúc xích,…đều chứa rất nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, các chất bảo quản và có hàm lượng muối cao. Tiêu thụ những thực phẩm này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp.
- Mì ăn liền: Thực phẩm này chứa khá nhiều natri không tốt cho người tăng huyết áp.
- Tránh xa rượu, bia, chất kích thích: Trong thuốc lá có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm co mạch và gây tăng huyết áp. Trong khi, uống nhiều rượu, bia cũng làm gia tăng nguy cơ xơ gan, cao huyết áp và các tổn thương khác cho hệ thần kinh.
Để có thể phòng chống bệnh tăng huyết áp, mỗi người nên duy trì lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khoa học và thường xuyên luyện tập thể thao với cường độ phù hợp.