Chữa vô cảm
Trong mắt người già 04/07/2019 10:18
Theo hình ảnh từ một camera gần khu vực xảy ra tai nạn, lái xe taxi mở cửa xuống xe nhưng vài giây sau thì lên xe bỏ trốn khỏi hiện trường.
Và trong vòng 11 phút sau khi xảy ra vụ tai nạn đã có 38 người đi qua đường nhưng không một ai dừng lại giúp đỡ đôi nam nữ.
Khi hình ảnh trên được chia sẻ trên mạng xã hội và các trang báo đã gây bức xúc và nhiều ý kiến bình luận trái chiều.
Lái xe bỏ đi có thể vì lo sợ trách nhiệm và đối diện với pháp luật nên đã trốn tránh. Còn những người qua đường biết mà không dừng lại liệu có thể quy kết họ vô cảm? Một vài ví dụ sau rất đáng suy nghĩ:
Chiều 23/6/2013, anh Nguyễn Hữu Diên đi xe máy va quệt với cháu Lý Minh Tâm (3 tuổi) đang đi bộ làm bé xây xát nhẹ. Anh Diên cùng 2 bạn đưa bé trai này vào Bệnh viện Triều An (Quận 6, TP Hồ Chí Minh) để điều trị. 5 thanh niên được cho là người thân của bé Tâm đến viện và xảy ra xô xát với nhóm của anh Diên. Anh Diên bị một thanh niên dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu ngất xỉu tại chỗ, đến ngày 25/6 thì tử vong. (Báo VnExpress)
Ngày 11/2/2017, anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi) đi trên đường thuộc địa phận xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh thì gặp một vụ tai nạn giao thông giữa xe máy và taxi, cô gái đã đâm vào đuôi xe taxi ngã ra đường bất tỉnh. Anh Sơn đưa cô gái tới Bệnh viện Đa khoa Thuận Thành cấp cứu. Trong lúc đang hoàn thiện thủ tục nhập viện cho cô gái, bất ngờ một thanh niên quen biết với nạn nhân tìm đến, cho rằng anh Sơn là người gây tai nạn nên đã dùng dao đâm một nhát vào lưng anh rồi bỏ trốn (Phapluatplus.vn).
Và còn không ít những chuyện “làm phúc phải tội” như trên đã xảy ra…
Một định kiến xã hội rất nguy hiểm lâu nay là khi thấy bất kì ai đưa một người bị tai nạn vào bệnh viện cấp cứu là người ta nghĩ ngay họ chính là thủ phạm hoặc chí ít liên quan trách nhiệm. Nhiều người tốt bỗng dưng như trở thành tội đồ. Đôi khi chính bệnh viện cũng can dự yêu cầu người đưa nạn nhân đến phải chờ để làm rõ sự việc. Thực trạng này là nguyên nhân khiến nhiều người e ngại khi giúp đỡ nạn nhân trên đường khi bắt gặp.
Nếu quy kết trường hợp 38 người đi qua trong vụ tai nạn sáng ngày 25/6 vừa qua là vô cảm cũng chưa thật thỏa đáng. Người quy kết hãy đặt chính mình vào những tình huống tương tự để suy luận.
Để khắc phục tình trạng trên thiết nghĩ, cần có quy định trách nhiệm của bệnh viện. Theo đó, các khoa cấp cứu bệnh viện có trách nhiệm tiếp nhận người bị nạn và không bắt buộc người đưa nạn nhân đến chịu trách nhiệm làm rõ sự việc. Họ có thể đi ngay sau khi bàn giao nạn nhân tại phòng cấp cứu.
Khi người ta còn quan tâm việc “không để thoát” kẻ chịu trách nhiệm hơn là tính mạng người bị nạn thì thực trạng vô cảm sẽ khó mà thay đổi