Chưa thoả mãn mặt chủ quan, khách quan trong cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”
Pháp luật - Bạn đọc 03/07/2024 09:59
Nội dung vụ án
Tại bản Cáo trạng số: 146/CT-VKSBD-P1 ngày 29/8/2023, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Dương truy tố các bị cáo: Mai Văn Đạt và Lê Quang Dũng về các tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo điểm a, Khoản 4, Điều 170 và Khoản 1, Điều 157 của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); truy tố các bị cáo Lê Văn Giáp, Phạm Đức Hoàng, Đỗ Thị Kim Ngọc và Nguyễn Duy Huế về các tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo điểm a, Khoản 4, Điều 170 và điểm d, Khoản 2 Điều 157 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); truy tố bị cáo Trần Hữu Thái về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo Khoản 1, Điều 157 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); truy tố bị cáo Phạm Trọng Hòa về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm a, Khoản 4, Điều 170 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa trình bày lời luận tội trong đó có nội dung vẫn giữ nguyên quyết định cáo trạng đã truy tố đối với các bị cáo. Đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo gây ra và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử: Xử phạt bị cáo Mai Văn Đạt từ 1 năm 6 tháng tù đến 2 năm tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”; từ 13 năm đến 14 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt từ 14 năm 6 tháng đến 16 năm tù.
Đơn kháng cáo ngày 31/5/2024 của bị cáo Đỗ Thị Kim Ngọc. |
Xử phạt bị cáo Trần Hữu Thái thời hạn tù bằng thời hạn đã tạm giam từ 25/10/2020 đến ngày 21/6/2022 về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”.
Xử phạt bị cáo Lê Văn Giáp từ 2 năm đến 3 năm tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”; từ 12 đến 13 năm về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt từ 14 năm đến 16 năm tù.
Xử phạt bị cáo Phạm Đức Hoàng từ 2 năm đến 3 năm tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”; từ 12 đến 13 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt từ 14 đến 16 năm tù.
Xử phạt bị cáo Đỗ Thị Kim Ngọc mức hình phạt từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”; từ 8 năm đến 10 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, tổng hợp từ 9 năm đến 11 năm 6 tháng tù.
Xử phạt Nguyễn Duy Huế mức hình phạt từ 2 đến 3 năm tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”; từ 8 năm dển 10 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” Tổng hình phạt từ 10 năm đến 13 năm tù.
Xử phạt bị cáo Lê Văn Dũng mức hình phạt từ1 năm đến 1 năm 6 tháng về tộì “Bắt, giữ trái pháp luật”; từ 8 năm đền 10 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt từ 9 năm đến 11 năm 6 tháng tù.
Xử phạt Phạm Trọng Hòa từ 12 đến 13 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt với Bản án hình sự sơ thẩm số: 196/2015/HS-ST ngày 30/10/2015 của TAND thị xã Bến Cát (2 năm 6 tháng tù) buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án.
Tại Bản án số: 150/2023/HS-ST ngày 12/12/2023 của TAND tỉnh Bình Dương, Hội đồng xét xử tuyên các bị cáo Mai Văn Đạt, Lê Quang Dũng, Lê Văn Giáp, Phạm Đức Hoàng, Đỗ Thị Kim Ngọc và Nguyễn Duy Huế phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Bắt, giữ người trái pháp luật”; bị cáo Trần Hữu Thái phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”; bị cáo Phạm Trọng Hòa phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Có dấu hiệu chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”
Đây là quan điểm của luật sư Mai Lưu Phúc, Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH HQC tại TP Hồ Chí Minh, người bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Kim Ngọc, vì hồ sơ vụ án có nhiều dấu hiệu thể hiện Viện KSND tỉnh Bình Dương và TAND tỉnh Bình Dương chưa xem xét đầy đủ các yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Luật sư Mai Lưu Phúc, đại diện cho bị đơn |
Thứ nhất, tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Về mặt chủ quan của tội phạm phải chứng minh được tội phạm thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp và mục đích chiếm đoạt tài sản là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, mục đích của Giáp, Ngọc là “đòi nợ” không phải là chiếm đoạt tài sản của Phan Thị Thủy.
Do đó, mục đích của Giáp, Ngọc là chiếm đoạt tài sản nào của bị hại Thủy hay chỉ đơn giản là đòi lại tài sản của chính mình đã bị Thủy chiếm đoạt?
Tại Bản án số: 46/2022/HS-ST ngày 24/3/2022 của TAND tỉnh Bình Dương ở phần Nhận định của Tòa án:“[3] Tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, phù hợp chứng cứ thu giữ được trong vụ án, các kết luận giám định... Tổng số tiền Phan Thị Thủy chiếm đoạt của các bị hại là 14.917.000.000 đồng. Trong đó, Phan Thị Thủy chiếm đoạt của Mai Văn Đạt số tiền 2.944.000.000 đồng; chiếm đoạt của Lê Văn Giáp số tiền 4.000.000.000 đồng; chiếm đoạt của Đỗ Thị Kim Ngọc số tiền 660.000.000 đồng”.
[10] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho các bị hại: Mai Văn Đạt 2.944.000.000 đồng; Lê Văn Giáp 4.000.000.000 đồng; Đỗ Thị Kim Ngọc 660.000.000 đồng”.
Biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 5/12/2023. |
Có thể thấy, Bản án số: 46/2022/HS-ST ngày 24/3/2022 của TAND tỉnh Bình Dương, thể hiện Phan Thị Thủy đã chiếm đoạt của Lê Văn Giáp số tiền 4 tỉ đồng và Đỗ Thị Kim Ngọc 660 triệu đồng. Giáp và Ngọc đang đòi lại tài sản của chính mình đã bị Phan Thị Thủy chiếm đoạt.
Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Bình Dương và TAND tỉnh Bình Dương chỉ căn cứ vào hình thức biểu hiện của hành vi, mà chưa xem xét về bản chất của sự việc, nên quá trình định tội danh có dấu hiệu sai sót.
Về tính chất, mức độ của hành vi đòi nợ có sử dụng vũ lực trái quy định pháp luật và hành vi cưỡng đoạt tài sản trên thực tế là khác nhau; nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội cũng khác nhau.
Xét về nguyên nhân, động cơ và mục đích phạm tội thì tội “Cưỡng đoạt tài sản” là mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác trái pháp luật, trong khi đó Giáp, Ngọc là người đi đòi nợ có lí do chính đáng vì tài sản đang bị con nợ chiếm giữ. Giáp, Ngọc cũng đòi đúng số nợ mà Thuỷ đã chiếm đoạt. Giáp, Ngọc không yêu cầu Thủy phải trả nhiều hơn số tiền mà Thủy đã chiếm đoạt.
Giáp dùng vũ lực để đòi nợ, buộc Thủy trả lại đúng số tiền đã lừa đảo là sai quy định của pháp luật. Nên khẳng định mục đích của Giáp, Ngọc là đòi lại tài sản của mình chứ không phải mục đích chiếm đoạt tài sản của Thủy. Vì Giáp, Ngọc đang “đòi nợ” lại đúng số tiền mà mình đã bị Thủy chiếm đoạt do lừa đảo, nên không thể xem số tiền nợ Giáp, Ngọc đòi Thủy làm căn cứ để định khung hình phạt về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, không thể xác định Giáp cưỡng đoạt số tiền 4.750.000.000 đồng (4 tỉ đồng theo bản án trên và 750 triệu đồng của 6 khoản tiền thể hiện bằng 6 tờ giấy viết nợ mà Thủy đang nợ Giáp) của chính mình đang bị Thủy lừa đảo, chiếm đoạt và Ngọc cưỡng đoạt số tiền 660 triệu đồng đang bị Thủy lừa đảo, chiếm đoạt.
Thực tế, giữa bị hại và bị cáo có tồn tại mối quan hệ vay mượn và sau đó Tòa án cũng đã có bản án tuyên Phan Thị Thủy phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Giáp, Ngọc.
Từ đây có thể thấy, về mặt chủ quan là yếu tố bắt buộc cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” không thỏa mãn. Do đó, không đủ cơ sở để buộc tội Giáp, Ngọc phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Thứ hai, có dấu hiệu không xem xét đầy đủ mặt khách quan của tội “Cưỡng đoạt tài sản” đối với hành vi của bị cáo Ngọc.
Về mặt khách quan của tội phạm: Có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
+ Hành vi đe dọa dùng vũ lực: Người phạm tội thể hiện thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói làm cho người bị đe dọa cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản.
+ Hành vi dùng thủ đoạn khác: Là hành vi đe dọa sẽ làm một hoặc nhiều việc gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội.
Biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 7/6/2023 |
Vậy, thực tế của vụ án này đã xảy ra như thế nào?
Theo Biên bản ghi lời khai của Phan Thị Thủy ngày 24/3/2021 (Bút lục 1682) ghi nhận: “Ngọc dùng tay tát vào mặt tôi, chửi tôi yêu cầu tôi trả nợ”.
Và theo Biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 7/6/2023 thì chính bị hại Phan Thị Thủy xác nhận: Ngọc với Giáp đòi nợ riêng. Ngọc đòi số tiền là 660 triệu đồng. Bị cáo Ngọc không bao giờ đòi tiền giùm Giáp. Lúc bị hại Thủy kí giấy nợ cho Giáp thì Ngọc không có mặt. Bị cáo Ngọc đánh 1 lần. Bị cáo Ngọc cũng trình bày: Bị cáo có tát bị hại 1 cái do bị hại lừa bị cáo 1 tỉ đồng sau này.
Hồ sơ vụ án thể hiện có tình tiết đặc biệt là: Trong Biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 7/6/2023, chính bị hại Phan Thị Thủy xác nhận: “Ngọc không cưỡng đoạt tài sản của tôi”.
Ngoài ra, hồ sơ vụ án còn thể hiện: Viện KSND tỉnh Bình Dương, TAND tỉnh Bình Dương chưa xem xét đầy đủ hành vi của bị cáo Ngọc là khi tát bị hại một cái, chửi bị hại để đòi nợ có đủ cường độ, áp lực, sự nguy hiểm dẫn đến việc bị hại Thủy cảm giác sợ?
Trong trạng thái bức xúc trước hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị hại Thủy và tình trạng mẹ bị cáo Ngọc bị bệnh, cần tiền điều trị thì việc bị cáo Ngọc tát bị hại và có lời lẽ chửi bới bị hại là hành vi rất đời thường, phản ánh đúng tâm trạng bức xúc của bị cáo. Nhưng hành vi này không thỏa mãn mặt khách quan của cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm đã không chứng minh, làm rõ cụ thể hành vi nào của bị cáo Ngọc đối với bị hại Thủy dẫn đến việc bị hại Thủy phải lo sợ. Trong khi chính bị hại xác định: Ngọc không cưỡng đoạt tài sản của bị hại là lời khẳng định từ chính bị hại lại không được Tòa án xem xét một cách thỏa đáng. Hành vi bị cáo Ngọc tát bị hại, chửi bị hại để đòi nợ không làm cho bị hại cảm thấy bị đe dọa, bị sợ hãi, do đó, hành vi của bị cáo Ngọc không thỏa mãn mặt khách quan của tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Cần nói rõ thêm: Trong suốt quá trình điều tra, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ dựa vào lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng mà không thực nghiệm, điều tra hiện trường. Có các lời khai mâu thuẫn, nhưng cơ quan tố tụng chỉ sử dụng lời khai mang tính chất buộc tội mà không xem xét lời khai có lợi, áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” cho bị cáo Ngọc. Từ các lẽ trên, có cơ sở để cho rằng, hành vi của bị cáo Ngọc không thỏa mãn mặt chủ quan và khách quan của tội “Cưỡng đoạt tài sản”.