Chưa ra khỏi “làng”!
Trong mắt người già 14/08/2021 13:04
Olympic Rio 2016 được coi thành công nhất của Thể thao Việt Nam khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành 1 HCV nội dung 10m súng ngắn hơi và 1 HCB nội dung 50m súng ngắn. Những tưởng, Olympic Tokyo 2020 lần này niềm hi vọng gửi gắm vào cử tạ, bắn súng thành hiện thực, nhưng rồi… trắng tay. Ngó sang “hàng xóm”, Indonesia giành 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ; Thái Lan 1 HCV; Malaysia 1 HCĐ. Đặc biệt, với 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ, thể thao Philippines làm các nước khu vực Đông Nam Á... ngỡ ngàng.
Trước khi Olympic Tokyo 2020 hát câu “giã bạn”, người Việt đã thấy... ngậm ngùi. Đấu trường Olympic chỉ dành cho thể thao đỉnh cao, trong khi Thể thao Việt Nam bị... lép vế. Theo dõi suốt những ngày Olympic Tokyo diễn ra các nội dung thi đấu, thấy hầu hết các vận động viên (VĐV) Việt Nam đều thi đấu dưới cơ của... chính mình. Rõ ràng sự thất bại này được báo trước vì mấy năm qua ta không có sự chuẩn bị căn cơ, bài bản, khoa học. Thế thì đây có phải thuộc trách nhiệm của lãnh đạo ngành Thể thao, nhất là vấn đề định hướng, quản lí, đầu tư cho Olympic? Cũng vì thế mà những VĐV tài năng như Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn rồi Nguyễn Huy Hoàng... sớm “bỏ cuộc chơi”.
Ánh Viên về cuối lượt bơi 800m tự do nữ |
Nhiều người còn nhớ, hơn 10 năm trước,“viên ngọc” thô Ánh Viên được phát hiện, ngành thể thao mừng như bắt được vàng, đưa vào diện “đầu tư trọng điểm”, tập huấn nước ngoài mỗi năm từ 4-5 tỉ đồng nhưng lại thiếu sự định hướng rõ ràng cho mục tiêu ASIAD hay Olympic. Cũng vì tâm lí “ăn xổi” nên “bắt” Ánh Viên phải “gánh” chỉ tiêu Huy chương Vàng quá nặng ở mấy kì SEA Games, có phải là sự lãng phí tài năng không?
Sau mỗi “chiến dịch” dù thành công hay thất bại đều rất cần sự “mổ xẻ” thấu đáo. Thế thì “trận đánh” không thắng tại Olympic Tokyo 2020 ai phải chịu trách nhiệm? Chỉ có cách nhìn thật khách quan mới thấy Thể thao Việt Nam đang ở đâu trong mặt bằng chung của thể thao Đông Nam Á, xa hơn là thế giới.
Đảng ta có nhiều Nghị quyết, định hướng để thể thao phát triển rất rõ ràng nhưng ngành thể thao lại “bày binh bố trận” chưa tốt cho một kì thế vận hội. Nói gì, trách gì bây giờ cũng đã muộn. Chỉ còn cách ngành Thể thao phải nghiêm túc nhìn nhận, từ đó điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với thực tiễn; đặt ra các mục tiêu cho từng đại hội. Song song với đó là xác định quan điểm đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện rốt ráo. Có như thế, hi vọng sau 1-2 chu kì Olympic nữa, Thể thao Việt Nam đến với thế vận hội với tư thế ngẩng cao đầu.
Việt Nam không thiếu nhân tài, quan trọng là có con mắt phát hiện, tuyển chọn, đào tạo. Cạnh đó, sử dụng chuyên gia giỏi hiệu quả; đáp ứng các chế độ dinh dưỡng, y tế, đãi ngộ...Đồng thời, kêu gọi nguồn lực xã hội hoá đầu tư cho các môn Olympic.
Bài học tại Olympic Tokyo 2020 phải được ngành Thể thao Việt Nam coi như liều “thuốc đắng” để từ đó “thức giấc” một cách mạnh mẽ. Có như thế mới sớm “nâng tầm” VĐV người Việt, mới hi vọng kì Olympic Pari 2024, thể thao nước nhà “mở mày mở mặt”, mang vinh quang về cho Tổ quốc.