Chống lãng phí từ cơ quan quyền lực cao nhất
Trong mắt người già 03/11/2019 08:05
Thảo luận tại tổ về ngày 29/10, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đã đến lúc xem xét lại về vấn đề đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Ảnh Ngọc Thắng
Qua truyền hình người dân dễ dàng nhận thấy nhiều ghế trống trong các phiên họp toàn thể của QH. Nhiều chuyên gia cho rằng, một người dù tài giỏi mấy cũng khó mà hoàn thành hai chức năng khác nhau, nặng nề và cần những kỹ năng khác nhau, chứ chưa nói đến thời gian để làm việc. Không phải các đại biểu QH và các cơ quan chức năng không thấy khó khăn, bất cập này, mà ít ai chịu lên tiếng mạnh mẽ. Cảm ơn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà mới đây đã kiến nghị cụ thể, các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh không nên là đại biểu QH. Đáng mừng đó cũng là kiến nghị chung của khá nhiều ý kiến khi thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ngoài các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thì các cán bộ, sở, ngành ở địa phương cũng không nên làm Đại biểu QH.
Lý do dễ thấy là với các chức danh lãnh đạo điều hành, công việc của họ thường rất bận rộn, hằng ngày, hằng giờ phải xử lý sự vụ, họp hành, phê duyệt công văn, giấy tờ. Báo chí có phản ánh một sự thật là, một đại biểu QH ngồi cạnh một đại biểu là Chủ tịch UBND một tỉnh xa, tâm sự, rất thương vị đồng nghiệp của mình, “vì hôm nào lên hội trường họp cũng phải mang theo cả lô tài liệu, giấy tờ, công văn để đọc, duyệt, cho ý kiến, ký. Vậy thì tâm trí đâu mà lắng nghe một “núi” nội dung từ diễn đàn quan trọng này. Chưa nói lãng phí là có nhiều việc gấp thì cán bộ văn phòng lại phải đi mấy trăm cây số mang văn bản ra Hà Nội để Chủ tịch ký”; và ngược lại có vị đại biểu QH phải tranh thủ khăn gói về địa phương giải quyết việc quan trọng trong thời gian có thể.
Thống kê cho thấy, đại biểu QH là các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương vắng họp nhiều nhất. Thật vậy với một kỳ họp dài hàng tháng, thật khó khăn để các đại biểu này tham dự đầy đủ các phiên họp.
Đó là chưa nói đến sự xung đột lợi ích và quyền lực có thể và đã xảy ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao giữ quyền lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, đồng thời là cơ quan hành pháp cao nhất.
Nguyên tắc kiểm soát quyền lực rất khó đảm bảo khi một chủ thể vừa thừa hành lại vừa giám sát chính mình. Thực tế đã cho thấy khó khăn và nghịch lý là nếu một vị đại biểu đứng đầu một ngành của địa phương chất vấn hoặc giám sát vị bộ trưởng trong ngành của mình, đồng thời cũng là đại biểu QH.
Dư luận mới đây cũng biết chuyện Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga thẳng thắn dẫn chứng là có đại biểu ở địa phương thực hiện quyền chất vấn Bộ trưởng thì bị Bí thư Tỉnh ủy gọi điện rầy la dữ dội.
Người dân rất mong muốn QH không ngừng đổi mới, hướng đến tính chuyên nghiệp và hiệu quả để chống lãng phí ngay trong hoạt động của mình. QH Việt Nam tỉ lệ chuyên trách hiện nay là hơn 30%. Nhiều ý kiến đề nghị cần nâng tỉ lệ này lên nữa, có thể đến 60-65% như kiến nghị của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Cần sớm thực thi việc này để là người làm gương cao nhất trong việc chống lãng phí như tinh thần, chủ trương quyết liệt của Đảng.