Câu chuyện về những người cao tuổi xã Hua Păng
Phóng sự 22/06/2022 13:39
Ông Đặng Văn Toàn |
Trên địa bàn xã Hua Păng còn rất nhiều tấm gương NCT. Người thì nêu gương giáo dục con cháu học tập, phấn đấu, trở thành cán bộ, công nhân, công dân tốt, góp phần xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới. Người còn sức khỏe thì tiếp tục cùng con cháu lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất, tạo thu nhập cho bản thân, làm giàu cho gia đình và đóng góp cho cộng đồng. Chi hội trưởng Chi hội NCT bản Suối Ngõa Đặng Văn Toàn không chỉ làm trụ cột kinh tế cho gia đình, mà còn là hình mẫu cho bà con dân bản và hội viên học tập, làm theo.
Ông Toàn cũng bắt đầu lập nghiệp khi tuổi đời đã cao và kinh nghiệm cuộc sống đã vào “độ chín”. Ông cho biết: Ở tuổi còn công tác thì bận việc Nhà nước, không có thời gian chăm chút cho kinh tế gia đình nên cuộc sống chỉ tàm tạm. Nghỉ hưu rồi, ông mới có thời gian để tìm tòi, nghiên cứu và có không gian để mày mò đưa khoa học kĩ thuật và áp dụng cách làm kinh tế hay của những người đi trước vào sản xuất. Ông chia sẻ: Ở tuổi này rồi, có muốn theo thanh niên cũng khó. Ông chỉ có 200 gốc mận, 200 gốc nhãn, vài trăm gốc cây ăn trái khác. Dưới tán cây cao, ông trồng 5.000m2 chè, ngô, đỗ, lạc, nuôi thêm vài chục con gà, lợn và ít cá… vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình 3 nhân khẩu, vừa lấy ngắn nuôi dài.
Ông Đặng Văn Toàn (ngoài cùng bên phải) chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Hội NCT và làm kinh tế |
Nhiều năm qua, ông được hội viên NCT tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ hội viên và cấp ủy, chính quyền giao phó. Ông thường xuyên tuyên truyền hội viên và bà con trong bản chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động. Hằng năm, ông theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của hội viên, kịp thời rà soát, lập danh sách những NCT đến tuổi được chúc thọ mừng thọ mừng thọ, được bảo trợ xã hội để đề xuất cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ chính chính, bảo đảm quyền lợi cho hội viên. Ngoài nghĩa vụ với thôn bản, ông còn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với những người quanh mình cùng làm kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Chia sẻ với phóng viên, ông Toàn cho biết: Bản Suối Ngõa không có ruộng nước mà mọi hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đều thực hiện ở trên những triền đồi dốc và hầu như phụ thuộc vào thời tiết, NCT lại không được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất nên rất vất vả. Chúng tôi mong sao các cơ quan chức năng tạo điều kiện và quan tâm hơn nữa đến NCT, nhất là NCT vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như chúng tôi.
Ông Đặng Văn Toàn tại trang trại của mình |
Ở bản Nà Sài, nơi cách trung tâm thị trấn huyện Mộc Châu đến 40km, có gia đình già làng Đinh Văn Khoa, 75 tuổi vẫn tích cực lao động, trồng 2ha nhãn và nuôi trên trăm đàn ong mật, tạo thu nhập ổn định, vững chắc cho gia đình và hỗ trợ con cháu. Ông Khoa kể: Cách đây vài năm, ông học được nghề nuôi ong từ mấy người bạn có kinh nghiệm. Qua tìm hiểu, ông nhanh chóng nắm bắt và áp dụng đúng kĩ thuật nên đàn ong phát triển tốt. Từ đó, ông tiếp tục nhân đàn bán giống. Đến nay, ông có trên 120 đàn ong, mỗi năm thu 6 tấn mật, 1,5 tấn phấn hoa, trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng. Ông Khoa còn rất tích cực tham gia công tác xã hội, từng là Chi hội phó Chi hội NCT, Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau của bản. Ông được công nhận danh hiệu “Tuổi cao - Gương sáng” xuất sắc nhiều năm liền.
Từ hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình ông Khoa, bà con trong bản đã học và làm theo. Đến nay, diện tích cây ăn quả của bản đạt gần 100ha, chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bản đã tuyên truyền, vận động người chăn nuôi đầu tư, xây dựng chuồng chăn nuôi, đồng thời, xây dựng hầm biogas và sử dụng đệm lót sinh học để xử lí chất thải, gắn phát triển chăn nuôi với việc bảo vệ môi trường bền vững. Hiện nay, cả bản có hàng trăm đại gia súc, hàng nghìn con gia súc, gia cầm cung cấp cho thị trường trong huyện và một số địa phương khác trong tỉnh. Bà con đóng góp gần 400 triệu đồng mua vật liệu, hiến đất và hàng nghìn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn. Hộ nghèo giảm dần, số hộ có mức sống khá ngày càng tăng. Với sự chung sức, đồng lòng, NCT bản Nà Sài đã và đang cùng cấp ủy, chính quyền, Nhân dân vượt qua khó khăn, từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất để vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Ông Đinh Văn Khoa thu hoạch mật ong |
Theo ông Lường Văn Chức, Phó Chủ tịch Hội NCT xã Hua Păng, NCT trong xã còn sức khỏe đều không cam chịu đói nghèo mà vẫn tiếp tục tham gia lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm, vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Cả xã có trên 300 hội viên (chủ yếu là dân tộc Dao, Thái, Mường, Kinh), sinh hoạt tại 7 Chi hội. Năm 2021, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có đóng góp không nhỏ của NCT. Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, NCT đã cùng cấp ủy, chính quyền, động viên con cháu xã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nhân rộng các mô hình kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Toàn xã huy động được trên 91,7 tỉ đồng; trong đó, người dân đóng góp gần 24,9 tỉ đồng. Đến nay, các tuyến đường từ xã tới 7 bản đều được bê tông hóa; 98% số đường trục bản, gần 80% số đường ngõ, xóm và hơn 10% số đường trục chính nội đồng được cứng hóa; tất cả các bản đều có nhà văn hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 36 triệu đồng/năm… Hiện NCT đang cùng hệ thống chính trị chung tay giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao; mở rộng các mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Ấn tượng nhất trong chương trình là NCT không chỉ hiến đất, hiến công, hiến kế mà còn sẵn sàng nhường 6.800m2 đất ở, 35ha đất sản xuất cho dân tái định cư cùng ổn định cuộc sống, tạo sự hòa quyện, gắn kết, làm nên khối đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới. NCT còn giúp ngày công, hỗ trợ vật liệu và góp tiền giúp người nghèo, NCT nghèo làm nhà mới, sửa sang, thay thế những ngôi nhà tạm đã cũ kĩ, dột nát.
Trên đường về huyện, chị Nguyễn Thị Tiện, Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Mộc Châu còn cung cấp cho tôi thêm nhiều thông tin về NCT xã Hua Păng, nhấn mạnh: Sở dĩ phong trào NCT xã duy trì và phát triển đều là tổ chức Hội NCT thường xuyên được kiện toàn. Đội ngũ cán bộ làm công tác Hội trước đây đều là cán bộ chủ chốt của xã rất gương mẫu, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với hội viên và phong trào NCT. Hiện xã có CLB Dưỡng sinh, văn nghệ NCT tại các bản và 1 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở bản Nà Sài.
Mỗi khi triển khai “Tháng hành động vì NCT Việt Nam”, toàn xã lại tập trung nguồn lực chăm lo cho NCT, nhất là NCT nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, lãnh đạo xã làm Trưởng đoàn đi thăm, tặng quà các cụ cao niên và tặng quà hội viên cần trợ giúp.
Trong khuôn khổ bài viết, tôi không thể hết các hoạt động của NCT xã nghèo Hua Păng, hòa vào thành tích chung của huyện, của tỉnh và cả nước. Qua đó, cũng thấy được tình cảm, tấm lòng và niềm tin của NCT với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Mà hơn hết là nghị lực vượt khó vươn lên của lớp người “Cây cao bóng cả” nơi đây, không chịu lùi bước trước bất cứ trở ngại nào…