Cần xem xét toàn bộ hồ sơ công minh, khách quan để bảo vệ pháp luật và quyền lợi của các công dân
Pháp luật - Bạn đọc 02/06/2021 11:40
Ông Đỗ Việt Cường, đại diện cho 28 hộ dân bị cưỡng chế thu hồi đất tại phường 10, TP Vũng Tàu phản ánh, nguồn gốc đất trước đây là của ông Vũ Quang Ánh khai phá và sử dụng từ năm 1975 đến nay. Lô đất có diện tích 5.075m2, được UBND phường 10, TP Vũng Tàu xác nhận nguồn gốc sử dụng đất.
Ngày 3/4/1996, ông Vũ Quang Ánh có chuyển nhượng toàn bộ lô đất này cho ông Trần Văn Hùng (làm việc tại Công ty TNHH Phương Nghị), có địa chỉ tại 124A, Quốc lộ 51, phường 9, TP Vũng Tàu (Công ty TNHH Phương Nghị là công ty con của Công ty Minh Phụng tại thời điểm năm 1996 - PV).
Cụ thể, trong “Biên bản hợp đồng sang nhượng đất” (viết tay) giữa ông Vũ Quang Ánh và ông Trần Văn Hùng ghi rõ: “Nay tôi, Vũ Quang Ánh đồng ý bán với giá 13 lượng vàng (mười ba lượng vàng/1.000m2. Sau khi đo đạc tổng diện tích thực tế, sẽ nhân thành giá 13 lượng/1.000m2 x tổng diện tích), bên mua sẽ cọc trước số vàng 20 lượng, khi thủ tục đo đạc đến UBND TP Vũng Tàu thì đưa thêm 40% giá trị còn lại. Sau khi hoàn tất thủ tục mua bán, thì bên mua trả hết số vàng còn lại cho bên bán, bên bán sẽ giao chứng từ gốc. Nếu quá 3 tháng (đến ngày 3/7/1996), nếu bên mua không hoàn thành thủ tục thanh toán sẽ mất số vàng đặt cọc là 20 lượng, số còn lại bên bán sẽ hoàn trả lại cho bên mua”.
Ông Nguyễn Hồng Sơn đang chỉ cho phóng viên khu đất bị “cưỡng chế” thu hồi. |
Tuy nhiên, quá ngày 3/7/1996, ông Hùng không hoàn thành thủ tục thanh toán, nên việc mua bán giữa ông Ánh với ông Hùng, theo Biên bản hợp đồng sang nhượng đất ngày 3/4/1996, không được thực hiện. Ông Ánh tiếp tục ở lại sinh sống và canh tác trên mảnh đất này. Sau đó, ông Ánh đã bán những phần diện tích đất này cho 28 hộ dân khác.
Bất ngờ, sau này ông Cường mới biết có một văn bản “trên trời rơi xuống”, đó là ngày 4/4/1996, lại có “văn bản chuyển nhượng đất”, được UBND phường 10 xác nhận việc chuyển nhượng toàn bộ lô đất, giữa ông Ánh và ông Lê Anh Tuấn, thường trú tại số 308 đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, sau đó nhóm thuộc Công ty Minh Phụng - EPCO đã thế chấp toàn bộ lô đất này cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.
Nhiều năm sau, các tranh chấp giữa Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam với nhóm Công ty Minh Phụng - EPCO. Trong Quyết định thi hành án (THA) ngày 11/5/2001 của Phòng THA tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã giao tài sản thế chấp của nhóm Công ty Minh Phụng - EPCO (trong đó bao gồm lô đất của ông Ánh bán cho ông Tuấn, theo “văn bản chuyển nhượng đất” kí ngày 4/4/1996) cho Ngân hàng Công Thương - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh quản lí, khai thác, phát mãi thu hồi nợ.
Đến ngày 8/10/2014, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quyết định số 7399/QĐ-UB, về việc thu hồi 573.131,2m2 đất tại khu Chí Linh, phường 10, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi, bồi thường và lập dự án xây dựng Khu tái định cư TP Vũng Tàu, trong đó bao gồm 3.138m2 đất còn lại của ông Ánh.
Ông Đỗ Việt Cường và 28 hộ dân đang sinh sống trên diện tích đất bị thu hồi không đồng ý với Quyết định số 7399/QĐ-UB, nên đã nhiều lần gửi đơn đến UBND TP Vũng Tàu và các cơ quan chức năng, yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất. Nhưng đến nay, chính quyền UBND TP Vũng Tàu chưa giải quyết hợp lí cho các hộ dân.
Người dân rơi vào cảnh... cùng cực
Đơn khiếu nại của ông Đỗ Việt Cường gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 3/9/2020 ghi rõ: “Văn bản chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Vũ Quang Ánh và ông Lê Anh Tuấn lập ngày 4/4/1996, là văn bản giả mạo chữ kí của ông Vũ Quang Ánh. Trong văn bản này không ghi rõ chuyển nhượng lô đất, thửa đất nào; không có diện tích hay giáp ranh tứ cận... cũng không mô tả nguồn gốc, giấy tờ của đất. Tất cả các nội dung này đều do UBND phường 10 tự ghi vào và xác nhận. Đặc biệt, văn bản này cố tình bỏ qua phần xác thực của cơ quan Công chứng Nhà nước (là nơi khi kí giấy tờ bắt buộc phải có mặt trực tiếp của đương sự và được công chứng viên kiểm tra xác định chính xác)”. Ông Cường cho biết thêm: “Lúc còn sống, khi có thông tin về văn bản này, ông Ánh đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng khẳng định, ông chưa bao giờ gặp và chưa bao giờ kí chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ai tên Lê Anh Tuấn”. Bức xúc, các hộ dân tìm hiều và cho rằng, có sự làm sai lệch hồ sơ cũng như không minh bạch trong báo cáo của UBND TP Vũng Tàu gửi UBND tỉnh, dẫn đến việc người dân bị thu hồi đất mà không được bồ thường.
Ông Cường cùng 28 hộ dân đã làm đơn gửi UBND TP Vũng Tàu và các cơ quan chức năng, yêu cầu giám định chữ kí mà ông Ánh (đã chết) kí bán cho ông Tuấn, khiến phần đất của họ trở thành tài sản bị thế chấp ở ngân hàng. Các hộ dân đã đưa ra 5 mẫu chữ kí của ông Ánh, nhưng điều khó hiểu là chỉ có 2 chữ kí của ông Ánh (không được công chứng), lại được chọn để đem đi giám định so sánh, còn 3 mẫu chữ kí còn lại (có công chứng) thì lại không được chọn đem đi giám định so sánh.
Nghi ngờ có dấu hiệu sai phạm trong việc giải quyết khiếu nại của người dân, trong đơn khiếu nại ngày 3/9/2020 của ông Đỗ Việt Cường, gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có nội dung: “Khi có kết quả giám định, tôi và các hộ dân hoàn toàn phản đối, yêu cầu UBND TP Vũng Tàu cho giám định lại, với chữ kí thật của ông Vũ Quang Ánh (tại văn bản do phòng công chứng xác nhận), nhưng ông Hoàng Vũ Thảnh, sử dụng quyền hạn là Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu không chấp nhận, bác bỏ yêu cầu đúng pháp luật của người dân, ngay tại cuộc họp ngày 7/11/2019 và Thông báo số 6381/TB-UBND ngày 8/11/2019 của UBND TP Vũng Tàu. Sau đó tiến hành cưỡng chế gia đình tôi và các hộ dân khác, không thực hiện bồi thường, bố trí tái định cư… Nay tôi và các hộ dân cùng kí tên dưới đây gửi đơn này đến Quý ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tha thiết đề nghị Quý ông chỉ đạo cho thực hiện lại việc giám định lại theo hồ sơ giấy tờ gốc, có lưu tại Phòng Công chứng, để làm rõ đúng, sai…”.
Cùng lúc gửi đơn khiếu nại đến UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các hộ dân đã tự thu thập tài liệu có chữ kí của ông Ánh, đưa đi giám định tại Trung tâm Giám định dân sự, thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, kết quả cho thấy, chữ kí của ông Ánh trong văn bản chuyển nhượng với ông Tuấn không giống với chữ kí trong các giấy tờ đã được cơ quan chức năng kiểm định, công chứng.
Ông Đỗ Việt Cường, đại diện cho 28 hộ dân cho biết: Trong quá trình thực hiện Quyết định THA ngày 11/5/2001, của Phòng THA tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thì cơ quan chức năng không tổ chức bàn giao đất trên thực địa, mà chỉ bàn giao trên giấy tờ. Biên bản THA lập ngày 27 - 29/5/2003 (Biên bản đánh máy sẵn), chỉ có Phòng THA, UBND phường 10, Viện KSND tỉnh và Ngân hàng Công Thương. Tại biên bản ghi rõ: “Do đặc điểm các lô đất đã bị UBND tỉnh thu hồi để giao cho các đơn vị khác (theo các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt). Do vậy, cơ quan THA không tổ chức cắm mốc tại thực địa các lô đất này, mà tổ chức giao đất để Công ty Quản lí nợ và Khai thác tài sản có cơ sở pháp lí, để liên hệ với Hội đồng đền bù TP Vũng Tàu nhận tiền đền bù đối với các lô đất này”. Chính việc không rõ ràng trong công tác thực hiện Quyết định THA, dẫn đến tình trạng dù không có giấy tờ hợp pháp về đất đai, nhưng nhiều năm qua, các hộ dân đã sinh sống ổn định, mà không bị chính quyền địa phương, cũng như phía ngân hàng nhắc nhở hay yêu cầu không được xây dựng, di dời.
Thiết nghĩ, những bức xúc của người dân là có căn cứ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND TP Vũng Tàu cần xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân. Nhằm không biến người dân thành… vô sản, vô gia cư, khi chính quyền thu hồi nhà đất mà các hộ dân đã chắt chiu để mua được và sinh sống tại đó gần 20 năm qua.