Căn nguyên câu chuyện rút bảo hiểm một lần
Trong mắt người già 01/08/2023 14:55
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2022 đã có 895.500 người lao động rút BHXH một lần, tăng 3,7% so với năm 2021.
Theo số liệu thống kê của BHXH trong giai đoạn 2016-2021, trên toàn quốc đã có hơn 4 triệu người được giải quyết để hưởng BHXH một lần (chưa tính lao động do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết).
Số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%, có chiều hướng tăng qua các năm. Đây chẳng khác nào “quả bom nổ chậm” của công tác an sinh xã hội trong tương lai không xa.
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân được cho là do các chính sách hưởng BHXH một lần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động; đời sống của người dân cũng như người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là mấy năm dịch bệnh nên chỉ còn trông chờ vào số tiền rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống...
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân chưa thấy được nhắc đến, đó là khi lao động đến một độ tuổi nhất định sẽ không còn việc làm để đóng BHXH.
Với đặc thù phần lớn người lao động (NLĐ) hiện nay là công nhân lao động phổ thông, ít hoặc không được đào tạo chuyên sâu nên các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, tận dụng “thời gian vàng” khi lao động còn trẻ, khỏe. Đến độ tuổi gần hoặc ngoài 40, chủ sử dụng sẽ tìm cách loại dần số lao động này để tuyển dụng lực lượng trẻ khác thay thế với mức lương thấp hơn. Rất nhiều lao động ở Bắc Giang, Bắc Ninh… trên 40 tuổi bị doanh nghiệp loại ra đã không thể tìm kiếm được việc làm ở doanh nghiệp khác.
Khi không còn công ăn việc làm thì liệu họ có nguồn nào để tiếp tục tham gia bảo hiểm? Trong khi đó, đây cũng là giai đoạn cuộc đời NLĐ cần chi tiêu những khoản lớn cho việc gia đình như nuôi con ăn học đại học, cưới xin, xây dựng nhà cửa… Trong tình thế ấy, rút BHXH một lần là giải pháp khả dĩ nhất để trang trải chi tiêu.
Lãnh đạo BHXH, đại biểu Quốc hội đã bàn thảo rất nhiều về giải pháp chính sách để hạn chế NLĐ rút BHXH một lần như giảm mức đóng, rút ngắn thời gian được hưởng… Tuy nhiên, giải pháp nào cũng có những bất cập, chưa nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”!
Rất cần một giải pháp căn cơ, chặt chẽ với chính chủ doanh nghiệp chứ không chỉ với NLĐ. Phải có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có trách nhiệm cả về pháp lí và đạo đức với những lao động đã có hàng chục năm đóng góp, mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp.