Các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Phóng sự 01/09/2021 13:32
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 năm 2021, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra lời kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử chung tay cùng các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tuyệt đối thực hiện quy định 5K, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi tăng ni, phật tử trong và ngoài nước tích cực tham gia ủng hộ cho “Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19” và hỗ trợ cho đồng bào gặp khó khăn tại các vùng dịch.
Đại đức Thích Phổ Nguyện, Uỷ viên thường trực BTSPG tỉnh Gia Lai, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Chư Prông đến thăm và trao quà tặng Trung tâm cách ly tại trường THPT Trần Phú. |
Giáo hội đã vận động và mua 10 Máy thở đa năng với tổng trị giá 6.700.000.000 đồng (sáu tỉ bảy trăm triệu đồng) trao tặng 06 Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An. Tăng, Ni Phật tử cả nước đã và tiếp tục đóng góp tiền, nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân. Giáo hội cũng đã có văn bản gửi chính quyền đề nghị sử dụng một số cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho tăng ni như tại Trà Vinh, khu cách ly tập trung số 3 được đặt tại Trường Trung cấp Pali-Khmer để tiếp nhận cách ly y tế tập trung đối với chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, Chùa Ích Minh tỉnh Bắc Giang, Chùa Hội Khánh tỉnh Bình Dương…Tại TP Hồ Chí Minh đã có 690 tăng, ni, phật tử tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ cho lực lượng chức năng chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn Những đóng góp trên vừa là tấm lòng hảo tâm của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Phật giáo trong cả nước, nhưng cũng là trách nhiệm xã hội của Phật giáo với đất nước, dân tộc.
Đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của đại dịch lần thứ 4, ngày 2/6/2021 Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam đã ra “Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch”. Trong thư chỉ rõ “Nhân danh quý Đức Hồng Y và quý Đức Cha trong HĐGM Việt Nam, tôi kêu gọi giáo sỹ, tu sỹ, giáo dân, trong nước cũng như hải ngoại, hãy mau mắn vào cuộc, chung tay góp sức, san sẻ công việc với mọi thành phần xã hội và Giáo hội trong công cuộc phòng chống đại dịch”.
Cùng với đó HĐGM Việt Nam chỉ dẫn cho linh mục, tu sĩ và tín đồ về những việc làm cần thiết trong mối tương quan với chính quyền để phòng chống dịchnhư hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, tiếp sức cho các y bác sỹ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị, tử vong và những người đang lâm cơn túng quẫn kinh tế. HĐGM Việt Nam cũng kêu gọi các linh mục, tu sỹ, tín đồ tuân thủ triệt để quy định 5K và các quy định phòng chống dịch. Đồng thời, tất cả các giáo phận Công giáo, dù có ca lây nhiễm cộng đồng hay chưa, đều phải “tạm dừng mọi hoạt động và sinh hoạt tôn giáo”.
Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện quận 11 |
Đặc biệt, trước diễn biết hết sức phức tạp của dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, ngày 9.7.2021 HĐGM Việt Nam tiếp tục ra văn thư kêu gọi đồng bào Công giáo Việt Nam hướng về tâm dịch với chủ đề “Thương lắm Sài Gòn ơi”, trong đó nhấn mạnh: mỗi giáo phận hoặc mỗi cụm cộng đoàn, đặc biệt là các cấp Caritas, hãy khẩn trương lập một đường dây nóng, một địa chỉ để tập trung phẩm vật và tiền cứu trợ trong khu vực. Các nhu yếu phẩm Saigon đang cần là rau quả, nông phẩm, lương khô, thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, nước kháng khuẩn, máy thở, bình ôxy, bộ xét nghiệm nhanh). Ngoài lương thực, đồng bào thành phố cũng cần hổ trợ tài chánh cho người nghèo, vô gia cư, vỉa hè, khám chữa bệnh”.
Hưởng ứng Thư kêu gọi của HĐGM Việt Nam nhiều giáo phận đã tổ chức các hoạt động vận động, quyên góp ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: Tòa Giám mục giáo phận Vinh ủng hộ 3 tỉ đồng và 60 tấn lương thực, thực phẩm, rau quả cho thành phố Hồ Chí Minh; Tòa giám mục Phan Thiết đóng góp 10.000 lít nước mắm và 15 tấn Thanh Long vào vùng dịch; Ủy ban Bác ái Xã hội- Caritas Việt Nam tổ chức chương trình “Trao nhau yêu thương” hỗ trợ 2.000 phiếu mua hàng nhu yếu phẩm (mỗi phiếu trị giá 100 nghìn đồng) cho người nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… 181 tu sĩ đến hỗ trợ ở 3 bệnh viện trong Thành phố Hồ Chí Minh; Đồng Nai có 88 tu sĩ, 4 linh mục và 27 chủng sinh tình nguyện giúp đỡ các nhân viên y tế chống dịch trên địa bàn…
HĐGM Việt Nam cũng đã tặng 3 tỷ đồng vào quỹ vaccin phòng chống dịch của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Ngô Thanh Sơn tiếp nhận 1,1 tỷ đồng từ Hội thánh Tin Lành Việt Nam |
Bên cạnh đó, các tôn giáo khác trong cả nước đều tham gia vào công tác phòng chống dịch. Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam đã ủng hộ Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh 1,1 tỷ tiền mặt vào quỹ vacxin, 100 máy thở, 300 suất quà bằng tiền mặt trị giá 150 triệu đồng cho lực lượng công nhân vệ sinh môi trường quận Tân Bình, cử 9 tình nguyện đi hỗ trợ các ca nhiễm F0 tại TP Hồ Chí Minh. Số tiền mà các Hội thánh Cao đài đã ủng hộ phòng chống dịch đến hết năm 2020 khoảng 80 tỷ đồng. Ngay trong lễ phát động toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chiều ngày 13.4.2020 đã có 65 chức sắc, chức việc, tín hữu của 7 tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hiến 56 đơn vị máu để cứu, chữa những bệnh nhân mắc dịch bệnh Covid-19.
Hội thánh Cao Đài Tây Ninh thăm và tặng quà cho các chiến sĩ Đồn Biên phòng Lò Gò đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch |
Có thể nói, bên cạnh việc đóng góp bằng vật chất thì việc đóng góp nguồn nhân lực chất lượng của các tôn giáo đã góp phần cùng các tình nguyện viên cả nước giúp đỡ cho y, bác sĩ chăm sóc người bệnh được tốt hơn, san sẻ vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đây cũng chính là điểm mạnh của các tôn giáo, nhiều trong số họ không chỉ được đào tạo cơ bản về chuyên môn mà hơn hết là tinh thần phục vụ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành truyền thống, là tinh thần từ bi, bác ái, chân thiện mỹ trong giá trị của mỗi tôn giáo.