Bình Thuận: Đằng sau cái chết của một Giám đốc Công ty BĐS
Pháp luật - Bạn đọc 27/03/2020 11:13
Vẽ dự án “ma” thu hàng chục tỉ đồng
Nguồn gốc đất dự án của Công ty BĐS Bảo An do thu mua từ người dân địa phương, loại đất trồng cây lâu năm. Thời điểm năm 2018, thị trường BĐS tại TP Phan Thiết dần nóng lên, chớp thời cơ, Công ty BĐS Bảo An đã tự ý tiến hành san mặt bằng, làm đường bê tông kiên cố dẫn vào khu đất. Sau đó, đơn vị này tự ý vẽ dự án trên giấy, phân các lô, nền nhỏ quảng cáo bán, tự phát hành hợp đồng đặt cọc giữ chỗ thanh toán theo tiến độ tại 2 dự án: Dự án 1 và dự án 2.
Tại dự án 1, phía Công ty BĐS Bảo An đã huy động góp vốn từ người dân hơn 12 tỉ đồng và dự án 2 huy động là 16 tỉ đồng. Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ dự án 1, dự án 2 chưa được các cơ quan cấp giấy phép và dự án đứng tên riêng lẻ của 3 hộ dân sở hữu, gồm: bà Lê Thị Minh Uyên, tổng diện tích 2.682m2; Lê Thị Minh Như, tổng diện tích: 5.100m2; bà Hà Thị Lệ Thanh, diện tích: 6.752m2.
Giấy Chứng nhận đăng kí doanh nghiệp |
Tại các dự án này, phía Công ty BĐS Bảo An đã chia ra thành 120 lô đất và huy động được gần 30 tỉ đồng. Theo như Điều 6 của Hợp đồng thì trong vòng 40 ngày kể từ ngày bên B (Bên mua) thanh toán 50% giá trị hợp đồng thì bên A (Bên bán) phải bàn giao sổ đỏ và đất cho bên B (Bên mua). Nhưng sau đó bên A (Bên bán) hẹn đi, hẹn lại rất nhiều lần cho đến nay. Tuy nhiên, sau khi huy động số tiền lớn, phía Công ty BĐS Bảo An không lo được thủ tục pháp lý phân lô, tách thửa theo quy định pháp luật cho các hộ dân đứng ra mua. Nhiều lần người dân tìm chủ đầu tư để hỏi tiến độ dự án nhưng phía chủ đầu tư quanh co, hứa hẹn rất nhiều lần, thậm chí không liên lạc lại với người dân.
Đến ngày 19/8, Công ty BĐS Bảo An chuyển đổi hình thức từ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Bảo An thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Bảo An (trụ sở tại 352 Trần Quý Cáp, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận), với số vốn điều lệ 60 tỉ đồng, do ông Nguyễn Quang Phúc đại diện pháp luật, chức danh Tổng Giám đốc. Mục đích chuyển đổi hình thức công ty là để tiếp tục xin dự án khu dân cư tại 2 dự án 1 và dự án 2, địa chỉ tại xã Tiến Thành.
Giám đốc công ty trở thành nạn nhân bị lừa đảo?
Trong khi người dân tiếp tục chờ đợi với những lời hứa suông từ chủ đầu tư về việc cấp sổ chủ quyền sở hữu thì bất ngờ, ông Nguyễn Quang Phúc treo cổ tự tử.
Khách hàng góp vốn Dự án Bảo An thăm hương chia buồn căn nhà nơi ông Phúc tự sát |
Cái chết bí ẩn đột ngột của ông Phúc hé lộ thêm thông nhiều thông tin phía sau dự án này. Qua tìm hiểu của chúng tôi, khi chuyển đổi thành lập Công ty Cổ phần, ngoài ông Phúc còn có hai cổ đông Công ty khác là ông Nguyễn Ngọc Trung (Sn: 1984, ngụ ấp II, xã bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) và bà Vũ Thị Hạnh (địa chỉ E13/21A, xã Vĩnh lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh)
Nhiều người dân là nạn nhân của Công ty BĐS Bảo An đã đến thắp hương chia buồn cùng gia đình Phúc. Bà Võ Thị Hương (xã Tiến Thành)- người mua 1 lô đất tại dự án 1 cho biết: “Quá trình làm ăn chung với nhau, ông Phúc, ông Trung, bà Hạnh lập dự án “ma”, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Còn ông Nguyễn Quyền, thường trú tại KP5, P. Phan Chu Trinh (TP Phan Thiết), cho biết: “Gia đình ông mua 1 nền đất ở dự án 1, tổng số tiền gần 600 triệu, đã thanh toán trước là 280 triệu và mua thêm 2 lô ở dự án 2 ở xã Tiến Thành, số tiền 1.42 tỉ, đã đặt cọc 60 triệu. Công ty này có 2 thành viên là Phúc và Trung. Dư luận người dân địa phương cho rằng, quá trình làm ăn chung với nhau ông Nguyễn Ngọc Trung đã chiếm đoạt tiền góp vốn của Phúc và số tiền Công ty thu được từ đặt cọc, bán đất. Khi biết mình hết tiền và tài sản, ông Nguyễn Quang Phúc đã nghĩ quẩn và dẫn đến cái chết. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ việc liên quan tới ông Trung và bà Hạnh nhằm trả lại tiền cho khách hàng”.
Để làm rõ thông tin, phóng viên (PV) đã nhiều lần liên lạc với ông Nguyễn Ngọc Trung và bà Vũ Thị Hạnh. Tuy nhiên, nhiều lần PV nhắn tin, gọi điện, ông Trung đều không hồi đáp.
Trước cái chết đột ngột của ông Nguyễn Quang Phúc, PV đã liên lạc với ông Tống Duy Mạnh, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành thông tin, cách đó vài 3-4 tháng, Nguyễn Ngọc Trung có liên hệ mượn GCNQSDĐ của ông để cầm cố vay mượn tiền chạy việc Công ty. Ông Mạnh đã đứng ra bảo lãnh để ông Trung mượn GCNQSDĐ của người nhà ông Mạnh là ông Lê Hữu Cường. Ông Trung sau đó đem cầm cố GCNQSDĐ với số tiền 800 triệu đồng và có mượn một số tiền của gia đình ông Mạnh có ký giấy tờ. Cầm được tiền xong, ông Trung cũng mất liên lạc và ông Mạnh nhiều lần gọi điện không được. Ông Mạnh cho biết thêm, trong những ngày qua dân “giang hồ” liên tục đến nhà ông để đòi nợ số tiền.
Câu hỏi dư luận quan tâm, mối quan hệ giữa ông Chủ tịch xã Tiến Thành, Tống Duy Mạnh và ông Nguyễn Ngọc Trung như thế nào? Vì sao ông Mạnh đủ niềm tin để đứng bảo lãnh cho ông Trung mượn tiền chạy dự án theo lời như ông kể. Trong khi đó, các dự án phân lô, tách thửa rõ ràng ông Mạnh biết chưa được cấp phép nhưng vẫn “im lặng” để Công ty BĐS Bảo An mặc sức hoành hành?
Báo điện tử Ngày mới tuổi sẽ tiếp tục đưa tin cho số Báo tiếp theo .