Bình Phước: Tranh chấp 0,5m đất mặt đường, 2 năm giải quyết chưa xong?
Đơn thư bạn đọc 06/12/2020 15:17
Giấy đặt cọc tiền về việc sang nhượng đất, lập ngày 29/10/2015 |
Tự ý phá dỡ ranh giới đất
Theo đơn cầu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan báo chí, bà Tám cho biết: bà Phạm Thị Tám cùng chồng là ông Trịnh Văn Tới, ngụ tại khu phố 6, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước có nhận chuyển nhượng QSDĐ của vợ chồng ông Thượng Văn Ba và bà Bùi Thị Hồng, ngụ tại thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản mảnh đất: Chiều ngang (rộng) 7,5m, chiều dài (sâu) 50m, thuộc thửa đất số 378 tờ bản đồ số 17, ấp 2, xã Tân Khai, huyện Hớn Quản (Theo Giấy đặt cọc tiền về việc sang nhượng đất, lập ngày 29/10/2015).
Ngày 18/01/2016, ông Trịnh Văn Tới, bà Phạm Thị Tám kí Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trên, với vợ chồng ông Thượng Văn Ba, bà Bùi Thị Hồng và chị Thượng Thị Hồng Loan.
Giữa 2 bên đã giao nhận tiền đầy đủ và đã giao nhận đất. Ngày 2/3/2016, vợ chồng ông Tới được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số sổ CB442975, số vào sổ cấp GCN: CS14997. Khi mua đất, do chưa có điều kiện để làm nhà ở nên vợ chồng ông Tới đã chôn trụ bê tông để làm ranh giới đất giữa 2 bên; và có anh Nguyễn Bách Chiến, cán bộ địa chính thị trấn Tân Khai chứng kiến và đứng ra làm chứng.
Tuy nhiên, đến ngày 17/8/2019, vợ chồng ông Tới phát hiện chủ đất liền kề là vợ chồng ông Thượng Văn Ba đập và nhổ hàng rào trụ bê tông ranh giới và tự ý dời vào 0,5 m chiều ngang x 50m chiều dài = 25m2, làm thay đổi hiện trạng đất của vợ chồng ông Tới.
Trao đổi với phóng viên, bà Tám cho biết: “Khi phát hiện sự việc, vợ chồng tôi đã tới nói chuyện với gia đình ông Ba. Thế nhưng, không những không hợp tác vợ ông Ba là bà Bùi Thị Hồng còn cầm dao dí đòi chém chồng tôi. Nhận thấy hành vi của vợ chồng ông Ba là cố ý xem thường pháp luật, do đó chúng tôi đã làm đơn khởi kiện ra tòa”.
Về phía vợ chồng ông Ba, tại bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa sơ thẩm, đều thống nhất trình bày rằng: Năm 2016, gia đình ông bà có chuyển nhượng cho vợ chồng bà Tám miếng đất có diện tích ngang 7,5m, dài 50m (gồm cả con mương thoát nước có chiều rộng 50cm, giáp đất ông Trần Xuân Lợi) cho vợ chồng ông Tới, đã nhận đủ tiền. Việc nêu trên, vợ chồng ông Ba chỉ tính tiền đối với diện tích chiều ngang 7m x 50m dài. Riêng con mương rộng 50cm giáp ranh đất ông Lợi, vợ chồng ông Ba cho thêm vợ chồng ông Tới. Sau khi nhận đất, vợ chồng ông Tới đo đủ chiều rộng 7,5m ngang mặt đường, nhưng khi làm bờ rào thì trừ diện tích mương nước. Do đó vợ chồng ông Ba không đồng ý trả lại 25m2 mà vợ chồng ông Tới yêu cầu.
Nói về vấn đề này vợ chồng ông Tới cho hay: “Điều mà gia đình ông Ba nói là hoàn toàn bịa đặt. Trong giấy đặt cọc tiền có ghi rõ ràng là sang nhượng cho vợ chồng tôi phần đất có diện tích 7,5m chứ không phải 7m như ông Ba nói. Hơn nữa, lúc chúng tôi nhận chuyển nhượng QSDĐ xong, có địa chính xã đến đo đủ 7,5m ngang, dài 50m tính từ bờ tường gạch có sẵn giáp với mương nước về phía Đông và tiến hành cắm mốc giáp ranh 2 bên. Nếu chúng tôi cắm sai mốc vậy tại sao từ lúc tôi sang nhượng QSDĐ đất là năm 2015 đến 2018, gia đình ông Ba không hề có ý kiến gì. Vậy mà đến năm 2019 mới có ý kiến và tự ý phá dỡ cột mốc như vậy là sao? Ông Ba đang có mục đích gì khi mà đất đã sang nhượng QSDĐ, đã có sổ đỏ, chúng tôi sử dụng ổn định 5 năm rồi ông mới lên tiếng?”
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Bách Chiến, cán bộ địa chính thị trấn Tân Khai, là người chứng kiến toàn bộ sự việc. Anh Chiến cho biết: “Lúc làm hợp đồng sang nhượng QSDĐ và chôn trụ trên diện tích sang nhượng QSDĐ đó, có cả hai bên, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đã thống nhất với nhau, hai bên lấy mốc chuẩn từ tường rào có xây bằng gạch bức tường cao và cố định, giáp đường mương thoát nước kéo ngang sang 7,5m về phía Đông và chiều sâu theo bức tường gạch xây cố định có sẵn, giấy đặt cọc viết tay có cả hai bên và tôi là người làm chứng”.
Ông Nguyễn Thế Công, Phó Bí thư thị trấn Tân Khai và anh Nguyễn Bách Chiến, cán bộ địa chính cùng phóng viên tại vị trí đất tranh chấp. |
2 năm chưa giải quyết dứt điểm!
Trao đổi với phóng viên, bà Tám cho biết: Khi phát hiện sự việc vợ chồng ông Ba tự ý đập phá trụ rào, vợ chồng ông bà có làm đơn trình báo ban ấp, thế nhưng ông Lê Huy Trọng, Trưởng khu phố 2, thị trấn Tân Khai nhận đơn nhưng không hề hẹn ngày giải quyết. Vì vậy vợ chồng bà tiếp tục làm đơn tố cáo gửi lên UBND thị trấn Tân Khai. Bên Phía UBND thị trấn có tổ chức 4 lần hòa giải, tuy nhiên theo bà Tám nói chỉ mang tính “hình thức” mà thôi. Các biên bản hòa giải không đưa những người có mặt ký ngay mà để tận mấy hôm sau mới đưa, còn những người không có mặt anh lại đưa ký. Đặc biệt là anh Nguyễn Bách Chiến, cán bộ thị trấn Tân Khai. Anh là người chứng kiến từ lúc vợ chồng ông bà sang nhượng QSDĐ của ông Ba, cũng chính anh là người đo đạc chỉ ranh giới cắm mốc cho vợ chồng bà Tám, thế nhưng trong buổi hòa giải anh lại nói trong sổ nhà bà Tám chỉ có diện tích 7m2 x 50m2. Tuy nhiên khi bà Tám đưa giấy cọc đất ra thì anh Chiến lại nói rằng: “Vụ việc xảy ra quá, lâu ngày nên anh quên”.
Sau đó, bà Tám có đem hồ sơ lên gặp Ban Tiếp công dân của huyện Hớn Quản. đề nghị xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, Ban Tiếp dân huyện kêu không nhận đơn và kêu vợ chồng bà lên Tòa giải quyết. Vợ chồng bà Tám lại tiếp tục mang hồ sơ đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hớn Quản nhờ giải quyết. Thế nhưng, cũng giống như lần trước câu trả lời vẫn là: “Lên tòa giải quyết”. Không nản chí, vợ chồng bà Tám lại tiếp tục gửi đơn cầu cứu lên Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản, tuy nhiên kết quả cũng không khá hơn là bao. Tòa án xem hồ sơ xong kêu làm không đúng mẫu đòi trả về. Theo bà Tám cán bộ Tòa án nhân dân huyện đặc biệt là thẩm phán Dương Quốc Thành đã cố tình làm khó, hạch sách vợ chồng bà. Từ lúc nhận đơn, cho đến cả quá trình thẩm phán duyệt, đóng án phí… vợ chồng ông bà đã phải đi lại rất nhiều lần, bắt bẻ đủ điều, cố tình gây khó dễ.
Tháng 7/2020, vợ chồng bà đã có đơn tố cáo gửi Tòa án nhân dân huyện về những hành vi sai trái của thẩm phán Dương Quốc Thành trong quá trình giải quyết đơn từ của bà. Theo đó, ông Dương Quốc Thành và thư kí là ông Đỗ Đình Thuyên đã yêu cầu gia đình bà Tám sửa đổi đơn từ rất nhiều lần. Đáng nói là sáng ngày 30/12/2019, ông Thuyên đã gọi cho bà Tám và đưa ra 4 tờ giấy trắng kêu bà ký. Nói là kí để đóng tiền tòa mướn cơ quan đo đạc, còn yêu cầu gia đình bà phải đi photo hồ sơ công chứng gửi cho bị đơn là ông Ba. Không những thế, ông Dương Quốc Thành còn nhiều lần ghi sai tên bị đơn Thượng Văn Ba. Trong giấy thông báo về việc đo đạc diện tích đất thì là Trương Văn Ba, trong quyết định gia hạn thời gian, thời hạn chuẩn bị xét xử ông Ba lại được đổi thành Thương Văn Ba, trong trích đo bản đồ địa chính thì lại ghi là Trương Văn Ba. Vợ chồng bà Tám cũng đã có khiếu nại về vấn đề này, tuy nhiên câu trả lời ông bà nhận được là “do lỗi đánh máy”, đã nghiêm túc “kiểm điểm” và “rút kinh nghiệm” (!)
Ngày 17/8/2020, Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, giữa gia đình bà Tám và ông Ba. Kết quả là đã bác một phần yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Tới về việc yêu cầu ông Thượng Văn Ba trả lại diện tích 25m2 đã lấn chiếm của nhà ông Tới. Không đồng ý với kết quả trên, vợ chồng ông Tới tiếp tục có đơn kháng cáo gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước. “2 năm qua vợ chồng tôi đã bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc cho vụ kiện này. Chúng tôi nhất định sẽ theo đến cùng để lấy lại công bằng cho gia đình mình”, ông Tới chia sẻ.
Đây là vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, không phức tạp, có đầy đủ chứng cứ, thế nhưng do sự tắc trách, thiếu trách nhiệm một số bộ phận cán bộ đã dẫn đến vụ việc đến nay đã 2 năm trôi qua , vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Được biết, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã chấp nhận đơn kháng cáo của vợ chồng bà Tám. Phiên xử phúc thẩm sẽ được diễn ra vào ngày 7/12 tới
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin kết quả của phiên xử phúc thẩm!