Bị khởi tố về “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”: Các đối tượng phải đối mặt khung hình phạt nào?
Pháp luật - Bạn đọc 11/05/2023 10:04
Theo đó, từ năm 2017, các bị can đã chỉ đạo, lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất xây dựng khách sạn Đồng Tâm và khu đất xây dựng Cửa hàng Xăng dầu Tuấn Trung tại thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Những khu đất này là đất dịch vụ thương mại trúng đấu giá thuê 70 năm của Nhà nước, được các bị can chuyển đổi sang đất ở lâu dài cho người thân quen.
Cơ quan chức năng xác định, đây là hành vi trái quy định, bị nghiêm cấm theo Luật Đất đai năm 2013, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hành vi của các đối tượng là chuyển đất dịch vụ thương mại trúng đấu giá thuê của Nhà nước sang đất ở lâu dài trái quy định, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra đối với ông Lê Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La. |
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích lợi dụng chức vụ, quyền hạn của các bị can trong vụ án. Nếu các nghi phạm có nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để làm trái quy định pháp luật, có thể sẽ chuyển tội danh sang tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015, với khung hình phạt nặng hơn.
Đối với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, BLHS năm 2015 quy định, chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn.
Khoản 2 Điều 352 BLHS năm 2015 quy định, người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Lỗi của người phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình, cho người khác hoặc cho một nhóm người nào đó. Động cơ cá nhân khác có thể là củng cố địa vị, uy tín cá nhân hoặc quyền lực cá nhân mà không mưu cầu lợi ích vật chất…
Hành vi khách quan của tội này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. Theo đó, làm trái công vụ là không làm hoặc làm không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao.
Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, cụ thể là hành vi phạm tội phải gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Hậu quả của tội phạm rất đa dạng, có thể là những thiệt hại mang tính vật chất như tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại phi vật chất như uy tín, danh dự, nhân phẩm con người… Khi có hậu quả xảy ra, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ bị coi là tội phạm.
“Khoản 3, Điều 356 BLHS năm 2015 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ gây thiệt hại về tài sản 1 tỉ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 15 năm. Trong vụ án này, sau khi bị khởi tố, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà các đối tượng có thể đối mặt với khung hình phạt nêu trên”, luật sư Nguyễn Văn Đồng nêu quan điểm.