Bạn làm ăn “chơi xỏ”, Tòa “bẻ luật”, chuyện đáng lên án ở Tây Ninh
Đơn thư bạn đọc 17/10/2020 10:06
Ông Dân trước TAND huyện Tân Châu. |
Ông Dân trước vườn cao su nay thuộc về người khác |
Nhận tiền đầu tư rồi...bán đất trốn nợ
Từng có quan hệ làm ăn nhiều năm, nên cuối năm 2019, ông Dương Thành Dân ký Hợp đồng (HĐ) mua bán mủ nước và mủ tạp cao su với bà Trần Thị Hữu Phúc, ở Khu phố 1, phường 3, TP. Tây Ninh. Theo HĐ trên, ông Dân sẽ đầu tư 2,5 tỷ đồng vào vườn cao su 35 ha của bà Phúc trên địa bàn huyện Tân Châu, đổi lại ông Dân sẽ được ưu tiên mua lại mủ cao su khai thác được trên khu vườn này. HĐ này có giá trị tới năm 2026.
Trước khi HĐ được ký kết, để có đầu ra chắc chắn cho mủ cao su, ông Dân, bà Phúc còn ký một HĐ 3 bên với Công ty TNHH sản xuất cao su Liên Anh, có trụ sở tại khu phố 4, phường 2, TP. Tây Ninh, do ông Đoàn Văn Lực, Tổng Giám đốc làm đại diện. Theo đó, ông Dân đảm nhận việc bảo lãnh và thực hiện việc giao nhận mua bán mủ cao su giữa Công ty Liên Anh và bà Phúc, cũng từ nguồn cao su 35 ha của bà Phúc tại huyện Tân Châu.
HĐ đã ký, tiền đã “rót” vào vườn cao su, ông Dân chờ ngày “hái quả”. Thế nhưng, quả ngọt chưa thấy mà thấy quả đắng. Đầu tiên, ngày 13/4/2020, bà Phúc tuyên bố ngưng cung cấp mủ cao su cho ông Dân. Tiếp sau, đột ngột hơn, bà Phúc và Công ty Liên Anh (mà đại diện là Phó Tổng giám đốc Đoàn Việt Cường) tiến hành mua bán vườn cao su 35 ha mà ông Dân đã bỏ tiền đầu tư theo HĐ đã ký với bà Phúc.
Đứng trước nguy cơ công việc đầu tư kinh doanh bị đổ bể, nợ nần vì bị 2 đối tác chơi xỏ, ông Dân đâm đơn khởi kiện bà Phúc ra TAND huyện Tân Châu với 2 yêu cầu: Buộc bà Phúc trả nợ hơn 3,8 tỷ đồng bao gồm khoản đầu tư vào vườn cao su và các khoản nợ khác; hủy hợp đồng chuyển nhượng vườn cao su giữa Công ty Liên Anh và bà Phúc, bởi đây là vườn cao su mà ông Dân đã bỏ tiền đầu tư.
Cùng với đó, để đề phòng bà Phúc tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc thu hồi nợ sau này, ông Dân yêu cầu Tòa kê biên tài sản đang tranh chấp. Yêu cầu này được Tòa chấp nhận. Và ngày 23/4/2020, Thẩm phán Cái Thị Minh Tâm, TAND huyện Tân Châu ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) “Kê biên tài sản đang tranh chấp” đối với các thửa đất của 35 ha cao su trên.
Các cấp Tòa của Tây Ninh đã “bẻ luật” như thế nào?
Cũng giống như việc chờ hái quả sau khi ký HĐ mà chúng tôi vừa dẫn kể trên, ông Dân tiếp tục nhận “quả đắng” tiếp theo, mà lần này là từ... Tòa án.
Đầu tiên, bất chấp Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 quy định: “Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT do một Thẩm phán xem xét, quyết định”, TAND huyện Tân Châu đã làm khác. Trong khi Thẩm phán Tâm vẫn đang “đương nhiệm” ở vụ án này và phiên Tòa vẫn chưa được mở, ngày 5/6/2020, tức là mới hơn 1 tháng sau ngày Thẩm phán Tâm ký quyết định ban hành BPKCTT, Thẩm phán Trần Thanh Quốc “nhảy xổ vào” ký Quyết định hủy bỏ BPKCTT mà Thẩm phán Tâm đã ký. Điều đáng nói hơn là quyết định này không nêu ra bất kỳ một lý do nào cả. Để cho các thẩm phán “đá nhau” và “bẻ luật”, cần xem xét trách nhiệm này của thẩm phán giải quyết vụ án trên.
Tiếp sau, có lẽ thấy việc làm của Thẩm phán Quốc không ổn, TAND huyện Tân Châu đã làm một việc còn đáng nói hơn: Quyết định chuyển vụ án đến TAND TP. Tây Ninh, với lý do bà Phúc đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP. Tây Ninh. Quyết định này được ký vào ngày 8/6/2020 và người ký, lúc này lại là Thẩm phán Tâm.
Tại sao TAND huyện Tân Châu lại chuyển vụ án trên và việc chuyển có đúng pháp luật? Để trả lời, chúng tôi xin dẫn quy định của Bộ luật TTDS năm 2015. Điểm g, khoản 1, Điều 40 của Bộ luật này quy định: “Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ HĐ thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi HĐ được thực hiện giải quyết”. Chưa hết, Điểm c, Khoản 1, Điều 39 cũng nói: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Mặc dù ông Dân yêu cầu Tòa buộc bà Phúc trả nợ nhưng khoản nợ này xuất phát từ việc bà Phúc đơn phương phá vỡ HĐ cung cấp mủ cao su (trên địa bàn huyện Tân Châu) mà 2 bên đã ký. Hơn nữa, khoản nợ này liên quan chặt chẽ tới một bất động sản là 35 ha vườn cao su mà ông Dân đã bỏ tiền đầu tư cho bà Phúc. Bởi vậy, vụ án này TAND huyện Tân Châu thụ lý là hoàn toàn hợp pháp. Thế nhưng, bất chấp thực tế này, vứt bỏ “cái gốc bất động sản” của vụ án, Tòa chối bỏ trách nhiệm thụ lý vụ án để chuyển cho Tòa khác.
Còn một thực tế nữa mà chúng tôi không thể không nói tới: Sau khi để cho Thẩm phán Quốc ký Quyết định Hủy bỏ BPKCTT, TAND huyện Tân Châu chắc chắn sẽ không biết ăn nói thế nào với nguyên đơn Dương Thành Dân, nếu vụ án do Tòa này xử. Bởi vậy, đẩy đi, dẫu biết trái luật nhưng họ vẫn làm như đã nói.
Và đây có lẽ là điều đau buồn nhất đối với ông Dân. Ngay sau khi BPKCTT bị hủy bỏ, HĐ sang nhượng liên quan tới 35 ha vườn cao su giữa bà Phúc và Phó Tổng giám đốc Công ty Liên Anh được tiếp tục triển khai nhanh chóng, tiền sang nhượng cũng đã trao tay để bà Phúc tùy nghi sử dụng. Bà ấy đã sử dụng như thế nào?
Như trên đã nói, ngày 8/6/2020, vụ án bị chuyển về TAND TP Tây Ninh. Ngày 9/6/2020, TAND TP Tây Ninh ra thông báo thụ lý vụ án, với những yêu cầu của nguyên đơn Dương Thành Dân không đổi, nghĩa là vẫn yêu cầu bà Phúc trả nợ hơn 3,8 tỷ đồng. Thế nhưng, cũng trong khoảng thời gian vụ án này đang “ngâm cứu” ở đây, từ 15/6/2020 tới 6/8/2020, TAND TP. Tây Ninh đã xử lý 5 vụ án đòi nợ mà bị đơn đều là bà Trần Thị Hữu Phúc. Theo đó, Tòa đã ban hành 5 quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với nội dung bà Phúc đồng ý trả cho 5 người này với số tiền gần 15 tỷ đồng. Chẳng biết thực hư những khoản nợ này như thế nào, nhưng ông Dân cho rằng, với những khoản chi này, liệu bà Phúc có còn gì không cho ông Dân thu nợ?
Để kết thúc bài viết này, xin dẫn một đoạn trong Đơn tố giác của ông Dân gửi cơ quan điều tra: “Tôi khẳng định 5 cá nhân trên là những người đã tiếp tay cho bà Phúc thực hiện thủ đoạn gian dối, hành vi tạo dựng giấy nợ khống, tạo thông tin giả nhằm mục đích tẩu tán tài sản, chiếm đoạt số tiền nợ mà bà Phúc phải có nghĩa vụ trả lại cho tôi”.