Bản án phúc thẩm không khách quan, thiếu thuyết phục
Pháp luật - Bạn đọc 15/01/2021 14:54
Như đã phản ánh, bà Hoàng Thị Nhị nộp đơn khởi kiện lên Tòa án, với các yêu cầu: 1- Tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số BT 728120 ngày 14/2/2015, do UBND TP Lạng Sơn cấp cho ông Hoàng Tuấn Kỳ và bà Nông Thị Sáy. 2- Yêu cầu ông Hoàng Tuấn Kỳ, bà Nông Thị Sáy trả lại quyền sử dụng đất cho gia đình bà, để gia đình bà tiếp tục sử dụng. 3- Yêu cầu ông Hoàng Tuấn Kỳ và bà Nông Thị Sáy phải tháo dỡ tài sản là công trình và cây cối, hoa màu trên đất tranh chấp. Rõ ràng, trong nội dung khởi kiện của bà Hoàng Thị Nhị, có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND TP Lạng Sơn, đó chính là yêu cầu hủy sổ đỏ mà UBND TP Lạng Sơn cấp cho ông Hoàng Tuấn Kỳ và bà Nông Thị Sáy.
Khoản 1, Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, về thẩm quyền của Tòa án, đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tố chức quy định: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”. Tại Khoản 4 Điều này ghi rất rõ: “Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt, quy định tại khoản 1 Điều này, được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh”. Điều 32 Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, tại Khoản 4 quy định: “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”. Khoản 1, Điều 41 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2915 quy định: “Vụ việc dân sự đã được thụ lí không thuộc thẩm quyền của tòa đã thụ lí, thì tòa án đó sẽ ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho tòa án có thẩm quyền…”.
Ngôi nhà ông Hoàng Tuấn Kỳ xây dựng trên đất chiếm dụng của gia đình cụ Thông |
Như vậy, rõ ràng vụ việc này có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm thuộc TAND tỉnh Lạng Sơn, do có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND TP Lạng Sơn. Đúng ra, sau khi thụ lí đơn khởi kiện của bà Hoàng Thị Nhị (do chưa hiểu biết pháp luật nên bà Nhị mới gửi đơn đến TAND TP Lạng Sơn), thì TAND TP Lạng Sơn có trách nhiệm chuyển đơn khởi kiện của bà Nhị lên TAND tỉnh Lạng Sơn giải quyết theo thẩm quyền. Thế nhưng, dù bà Nhị cùng luật sư nhiều lần có đơn đến TAND, Chánh án TAND TP Lạng Sơn, yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc lên TAND tỉnh Lạng Sơn, nhưng TAND TP Lạng Sơn, đặc biệt là thẩm phán Nguyễn Minh Huyền, vẫn kiên quyết ôm án để xét xử, ban hành Bản án không khách quan số 04/2020/DS-ST, bác toàn bộ đơn khởi kiện của bà Hoàng Thị Nhị. Việc thẩm phán Nguyễn Minh Huyền ôm án để đưa ra xét xử trong vụ án này, rõ ràng là trái thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, bản án này cần phải bị hủy bỏ.
Vậy mà, tại Bản án phúc thẩm số 64/2020/DS-PT ngày 10/12/2020, do HĐXX gồm: thẩm phán Nguyễn Thị Minh Thúy; các thẩm phán bà Chu Lệ Hường, ông Lê Xuân Sơn xét xử, lại cho rằng “Do không có căn cứ hủy quyết định cá biệt, nên việc TAND TP Lạng Sơn giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm là không vi phạm về thẩm quyền xét xử…”. Từ đó HĐXX không chấp nhận khàng cáo của bà Hoàng Thị Nhị ở nội dung này. Ô hay, pháp luật quy định về thẩm quyền thì phải hiểu là thẩm quyền xem xét, có hay không có căn cứ để hủy quyết định cá biệt. Việc này phải đưa ra xét xử mới vỡ lẽ, có nghĩa phải đưa lên bàn cân mà xem xét các khía cạnh pháp lí, chứ không phải “Do không có căn cứ…” như HĐXX cấp phúc thẩm nhận định. Do đó, việc TAND TP Lạng Sơn ôm án để xét xử, bản chất là đã vi phạm về thẩm quyền xét xử rồi, sao HĐXX cấp phúc thẩm lại nhận định như vậy? Có ý gì đây? Hay cố tình nhận định như vậy để bao che cho Tòa cấp dưới?
Phía sau ngôi nhà hiện vẫn là vườn trống |
Về nội dung: khẳng định Giấy chuyển nhượng đất thổ cư đề ngày 15/7/1987 bị làm giả mạo. Trong quá trình giải quyết vụ án, TAND TP Lạng Sơn 3 lần ra quyết định trưng cầu giám định chữ kí “Thông”, ở phần người chuyển nhượng trong Giấy chuyển nhượng đất thổ cư. Lần một Quyết định trưng cầu giám định số 01/2020/QĐ-TCGD ngày 1/4/2020 gửi Phòng Kĩ thuật hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn. Ngày 8/4/2020, Kết luận số 136/KLGĐ-PC09 ghi: “Chữ kí dạng chữ viết mang tên “Thông” trên tài liệu cần giám định và chữ kí dạng chữ viết của ông Hoàng Văn Thông trên các tài liệu mẫu so sánh kí hiệu M1, M2, M3 là không phải do cùng một người kí ra”.
Ngày 8/5/2020, ông Hoàng Tuấn Kỳ có đơn đề nghị giám định lại chữ kí “Thông”. Cùng ngày, TAND TP Lạng Sơn có Quyết định trưng cầu giám định lại và bổ sung số 02/2020/QĐ-TCGĐ gửi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Kết luận số 126/C09-P5 ngày 29/5/2020 ghi: “Chữ kí “Thông” dưới mục “Người chuyển nhượng” trên mẫu cần giám định kí hiệu A, so với chữ kí đứng tên Hoàng Văn Thông trên các mẫu so sánh kí hiệu từ M1 đến M3 do cùng một người kí ra”.
Như vậy là đã có sự mâu thuẫn giữa 2 Kết luận giám định. Do đó, ngày 22/6/2020, TAND tỉnh Lạng Sơn có Quyết định trưng cầu giám định lại số 03/2020/QĐ-TCGĐ, cùng Công văn số 2461/CV-TA ngày 17/7/2020 gửi Phòng Giám định kĩ thuật hình sự Bộ Quốc phòng. Kết luận số 154/GĐKTHS-P11 ngày 27/7/2020 ghi: “Chữ kí dạng “Thông” dưới mục “Người chuyển nhượng” trên Giấy chuyển nhượng đất thổ cư đề ngày 15/7/1987 (kí hiệu A), với chữ kí của ông Hoàng Văn Thông trên các tài liệu mẫu kí hiệu từ M1 đến M5, là không phải do cùng một người kí ra”.
Giấy chuyển nhượng đất thổ cư, chữ kí “Thông” bị làm giả mạo |
Theo quy định, văn bản nào ra sau, đương nhiên có giá trị pháp lí hơn văn bản trước. Do đó, Kết luận giám định số 154/GĐKTHS-P11 ngày 27/7/2020 của Phòng Giám định kĩ thuật hình sự Bộ Quốc phòng, phải có giá trị hơn Kết luận giám định số 126/C09-P5 ngày 29/5/2020 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Mặt khác, trong 3 kết luận giám định, thì 2 kết luận cho cùng một kết quả, nên phải tôn trọng kết quả đó. Hơn nữa, từ khi có Kết luận giám định 154/GĐKTHS-P11 ngày 27/7/2020 của Phòng Giám định kĩ thuật hình sự Bộ Quốc phòng, ông Hoàng Tuấn Kỳ không có thắc mắc nào nữa. Vì vậy, nói chữ kí “Thông” trong Giấy chuyển nhượng đất thổ cư bị giả mạo là có căn cứ. Một căn cứ khác, thời điểm năm 1987, khu đất này được xác định là đất mầu đồi, thì việc lập Giấy chuyển nhượng đất thổ cư là trái luật. Mặt khác, thời điểm này pháp luật chưa cho phép các cá nhân được chuyển nhượng đất. Do đó, Giấy chuyển nhượng đất thổ cư này phải coi là vô hiệu.
Mặc dù luật sư Hoàng Văn Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa, viện dẫn nhiều căn cứ để khẳng định, Giấy chuyển nhượng đất thổ cư đề ngày 15/7/1987 là căn cứ quan trọng nhất, để UBND TP Lạng Sơn cấp sổ đỏ cho ông Hoàng Tuấn Kỳ, bà Nông Thị Sáy, trong khi giấy này bị làm giả mạo, nhưng HĐXX phúc thẩm lại nhận định: “Do có 2 kết quả giám định khác nhau, nên không có căn cứ xác định ông Hoàng Tuấn Kỳ giả mạo chữ kí của cụ Hoàng Văn Thông”. Đây là nhận định mang tính chủ quan, không khách quan của HĐXX cấp phúc thẩm. Rõ ràng, 2/3 kết quả giám định cùng một kết luận có nghĩa chữ kí “Thông” trên Giấy chuyển nhượng đất thổ cư bị làm giả mạo, thì kết luận đó phải được tôn trọng, nhưng HĐXX phúc thẩm lại lập luận như vậy và cho rằng: “Mặt khác, trong vụ án này, kết luận giám định không phải là căn cứ duy nhất để xác định người quản lí, sử dụng hợp pháp diện tích đất tranh chấp”. Thật quá thất vọng với HĐXX của một Tòa án cấp tỉnh. Họ cho rằng thế nào là hợp pháp? Không lẽ mạo chữ kí để chiếm đoạt đất mà là hợp pháp sao?
Từ những nhận định chủ quan như vậy, Bản án số 64/2020/DS-PT tuyên: “Không chấp nhận kháng cáo của bà Hoàng Thị Nhị, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2020/DS-ST của TAND TP Lạng Sơn. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hoàng Thị Nhị, đối với việc yêu cầu được quản lí, sử dụng 874,3m2 đất… Đương nhiên bà Nhị sẽ thực hiện việc khiếu nại, yêu cầu kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Hi vọng bà Nhị sẽ tìm được công lí trong vụ án này.
Tỉnh Lạng Sơn: Mượn đất ở nhờ rồi làm giả giấy chuyển nhượng để chiếm đoạt Chuyển công tác về Trường Đảng tỉnh Lạng Sơn (nay là Trường chính trị Hoàng Văn Thụ) nhưng chưa có đất ở. Được người quen ... |