Bài 2: Vén màn về các hoạt động "bí ẩn" của cảng Phước Thịnh
Đơn thư bạn đọc 21/08/2021 16:12
Chủ cảng chỉ “hữu danh vô thực”, còn…
Nhắc đến cảng Phước Thịnh (ở vùng biển Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch), người dân Quảng Bình, nhất là những ngư dân miền biển không ai là không biết, bởi những lùm xùm về việc chấp thuận chủ đầu tư và cấp phép xây dựng của tỉnh này.
Nguyên sơ Phước Thịnh là cảng lậu do ông Tưởng Văn Thịnh đổ đất lấn chiếm xây dựng để kinh doanh từ năm 2010, nhiều năm sau đó bị cưỡng chế tháo dỡ. Nhưng chỉ sau thời gian cưỡng chế rất ngắn, ngày 6/9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký Quyết định số 3132 cấp phép xây dựng cảng cá theo phương thức xã hội hóa cho chính ông Tưởng Văn Thịnh, địa điểm cách vị trí vừa cưỡng chế chỉ 100 mét.
Cảng cá Phước Thịnh được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư ngay sau khi bị cưỡng chế "cảng lậu" của ông Tưởng Văn Thịnh |
Cảng có diện tích là 3ha, một nửa là mặt nước biển, vốn đầu tư 45 tỷ đồng, hoàn thành vào cuối năm 2018, thời hạn 50 năm. Công năng bốc xếp hàng hóa 40.000 tấn/năm; đáp ứng tối thiểu cho 197 tàu có công suất dưới 20CV, 50 tàu thuyền không gắn máy và cung cấp đầy đủ nhu cầu dịch vụ hậu cần kèm theo. Mục tiêu của dự án là mua bán thủy sản các loại; chế biến, bảo quản thủy sản và các loại sản phẩm thủy sản; buôn bán nông, lâm sản nguyên liệu và động vật sống; bán lẻ hàng nông, thủy, hải sản; kho bãi và lưu giữ hàng hóa thủy hải sản trong kho đông lạnh, cho thuê bến bãi; kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, bách hóa tổng hợp và kinh doanh xăng, dầu, ngư lưới cụ; sản xuất đá lạnh, sửa chữa tàu thuyền,...
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cảng này mới chỉ xây dựng một số hạng mục như mặt bằng, kè và cầu, còn lại các hạng mục khác của dự án vẫn chưa làm hoặc đang thi công dang dở.
Tìm hiểu được biết, sau khi dự án xây dựng cảng Phước Thịnh được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, thì dự án không còn của riêng ông Thịnh nữa, mà có thêm 2 cổ đông khác cùng đầu tư. Ông Thịnh chỉ còn 20% cổ phần, và chức Giám đốc đã chuyển nhượng lại cho một người tên là Quảng ở Hà Nội, mọi việc hoạt động ở cảng được giao lại cho một đối tượng tên Thành (còn gọi là Thành Sứt) và những người thân thiết của ông Thành quản lý (!?).
Gần 4 năm xây dựng, với số vốn 45 tỷ đồng nhưng đến nay cảng Phước Thịnh vẫn chưa hoàn thành và liên tục hoạt động chui |
Trao đổi với phóng viên, ông Tưởng Văn Thịnh cho biết: "Sau khi được tỉnh chấp thuận và cho phép xây dựng, tháng 10/2018, tôi đã động thổ khởi công xây dựng, nhưng do nhiều yếu tố như ảnh hưởng thời tiết, thay đổi thiết kế… nên đến nay vẫn chưa hoàn thành… Hiện tại dù còn 20% cổ phần trong đó nhưng tôi cũng không có quyền hành gì nữa, chức giám đốc đã chuyển nhượng lại cho ông Hoàng Hồng Quảng, còn mọi việc quản lý, khai thác hàng ngày tại cảng đều do ông Phan Sinh Thành”.
Khi phóng viên hỏi, tại sao được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mà không tập trung xây dựng để đảm bảo kế hoạch, phục vụ kinh doanh mà phải chung chi, kéo dài dự án? Ông Thịnh lắc đầu ái ngại nói: “Nhiều cái nó phức tạp lắm, nói ra khó lắm, áp lực nhiều cái, tôi cũng muốn làm một mình, vì dù sao mình cũng người nơi đây, nếu làm được cảng không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con xã mình và ngư dân nhiều nơi. Nhưng không cho chung là họ phá, họ từng bỏ xăng trước nhà uy hiếp, đe dọa gia đình tôi rồi”.
Cơ quan chức năng "đá" trách nhiệm cho nhau (!)
Mặc dù đang trong quá trình thi công và chưa được cấp phép hoạt đông, nhưng hoạt động mua bán ở cảng Phước Thịnh diễn ra rất sôi động và liên tục trong suốt thời gian qua. Đặc biệt nhiều hạng mục chưa có, như chưa có hệ thống phòng cháy chữa cháy, chưa có hệ thống xử lý rác thải, công trình còn nhiều chỗ chỉ đắp đất đá lổn nhổn nhưng tàu thuyền vẫn vào để bán hải sản và mua nước, xăng dầu do đội quân của ông Thành cung cấp. Tình trạng vi phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng hầu như không bị bất cứ một cơ quan nào xử lý, nên rất mất an toàn và ô nhiễm môi trường khu vực.
Đang trong quá trình xây dựng nhưng cảng Phước Thịnh vẫn ngang nhiên hoạt động, xả thải bừa bãi, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường |
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Duật, Phó Ban quản lý khu kinh tế Quảng Bình, kiêm Trưởng đại diện Khu kinh tế Hòn La cho biết: Dự án khởi công xây dựng từ năm 2018, và hiện tại đang trong quá trình hoàn thiện dự án và dự kiến hết quý I năm 2022 là hoàn thành. Trả lời câu hỏi tại sao cảng đang thi công, chưa hoàn thành dự án, đảm bảo các điều kiện, giấy phép… nhưng đã diễn ra hoạt động mua bán trao đổi công khai? Ông Duật bào chữa và cho rằng chủ cảng khai thác thử(!?).
“Mấy đợt vừa rồi giống như là khai thác thử để khi làm cầu xong thì cao trình, cao độ của cầu và tàu vô để có cách điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn như tàu vô để thử cầu xem cao hay thấp”, ông Duật nói.
Hỏi về vấn đề khi phê duyệt thẩm định dự án không theo thiết kế hay sao mà phải thử, và thời gian thửa là bao nhiêu? Ông Duật trả lời vòng vo: “Vì thực tế nhiều lúc hắn không có sự trùng khớp với nhau, khi khảo sát khảo đồ hắn không chính xác. Dự án đó không có thẩm định, không có phê duyệt vì dự án là của nhà đầu tư, không phải của Nhà nước. Đó là nhà đầu tư họ nói như thế chứ chúng tôi không xác nhận việc đó".
Ông Phạm Tiến Duật, Phó Ban quản lý khu kinh tế Quảng Bình cho rằng đây là tàu thuyền và xe do chủ dự án đem vào để "đo" cao trình cầu và trách nhiệm kiểm tra xử lý là của Bộ đội Biên phòng |
Ông Phạm Tiến Duật, Phó Ban quản lý khu kinh tế Quảng Bình còn nói thêm: “Đúng hay không, về tàu thuyền thì anh nên hỏi Biên phòng. Theo Nghị định số 171, về quản lý tàu thuyền và các thứ các xã ven biển, vùng biên giới là trách nhiệm thuộc Bộ đội Biên phòng. Bên chúng tôi chỉ có theo dõi họ xây dựng có đúng hồ sơ hay không, còn cho phép tàu vô hay không là quyền hạn của biên phòng, còn chúng tôi không có chức năng và lực lượng để làm cái đó. Cảng chưa xong thì không bao giờ có chuyện cho tàu thuyền vô. Ban Quản lý luôn luôn họp quán triệt chỉ đạo không được cho tàu thuyền vào. Chúng tôi cũng đề nghị Biên phòng luôn kiểm tra giám sát, và xử lý nghiêm những tàu vào. Chúng tôi kiểm tra và những lúc dân báo có tàu vào thì chúng tôi lập biên bản, còn xử phạt thì chúng tôi không có chức năng xử phạt, chỉ lập biên bản để nhắc nhở răn đe, tuyên truyền vận động, nếu nhà đầu tư họ không chấp hành thì chúng tôi phải yêu cầu lên cấp chính quyền và đơn vị có chức năng xử phạt như Biên phòng. Biên phòng họ có lực lượng, trách nhiệm và có quyền hạn. Chúng tôi thấy doanh nghiệp họ làm chưa đúng thì kiến nghị đề nghị lên cấp có thẩm quyền".
Tuy nhiên về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Roòn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) lại phản ứng gay gắt khi trao đổi với phóng viên về việc quản lý lỏng lẻo, để cảng chưa có phép vẫn hoạt động rầm rộ. Và ông Hải cho rằng, nói như ông Duật là sai và trách nhiệm thuộc Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Bình?.