World cúp, giấc mộng và hiện thực
Trong mắt người già 16/08/2019 10:11
Gần đây, nghe nhiều người bàn tán về sân chơi thế giới của đội tuyển quốc gia, mà trước mắt là vòng loại World cup 2022 mà buồn. Chạnh lòng vì lực bất tòng tâm, với bóng đá Việt giấc mộng World cúp như cái áo quá khổ khoác cho người nhỏ thó, tóp teo (!).
Ngó sang mùa chuyển nhượng cầu thủ ở châu Âu đang diễn ra, mới thấy bóng đá Việt nhỏ nhoi, èo uột. Cầu thủ Âu-Mỹ hạng nhất có giá trăm triệu đô, thậm chí hai trăm triệu đô; còn cầu thủ hạng làng nhàng cũng 5-7 chục triệu đô, cầu thủ cỡ vài ba chục triệu nhiều đến nỗi phải mất cả ngày mới liệt kê được; những cầu thủ có giá dăm ba triệu đô đếm không xuể.
Chẳng cần so với cầu thủ Âu, hay Mỹ, so với nhiều nước trong châu lục cũng đã thấy giá trị chuyển nhượng của cầu thủ Việt “bèo bọt” quá trời.
Nhiều cầu thủ Việt được gọi là ngôi sao, được vinh danh quả bóng vàng, bóng bạc nhưng xin thưa họ chỉ là ngôi sao, là bóng vàng của sân cỏ Việt, vùng trũng của bóng đá thế giới. Không bàn đến giá trị của họ trên thị trường chuyển nhượng của châu Á hay thế giới, mà so sánh với một số cầu thủ nước ngoài đang đầu quân cho các đội bóng của ta hiện nay, thấy trình độ, đẳng cấp của những cầu thủ gọi là ngôi sao của ta chưa bằng đẳng cấp của họ. Điển hình như Huỳnh Kesley đang đầu quân cho câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh, hay Đỗ Merlo đang đá cho câu lạc bộ Đà Nẵng. Hai cầu thủ gốc Nam Mỹ này thời đỉnh cao cũng chỉ đủ sức chơi cho các đội bóng hạng hai, hạng ba ở nơi sinh ra họ. Để mưu sinh được bằng nghề “quần đùi áo số”, họ phải vượt nửa vòng trái đất sang đầu quân cho các đội bóng Việt. Và thế là “thằng chột làm vua xứ mù”, những cầu thủ loàng xoàng của xứ tango, samba ngay lập tức “làm mưa làm gió” trên sân cỏ Việt. Thời đỉnh cao phong độ, họ làm mờ nhạt các ngôi sao của bóng đá Việt đi một nhẽ, thế mà nay khi đã về chiều, thậm chí có người đã có ý định giải nghệ, vậy mà khi ra sân, họ vẫn là ngôi sao sáng trên sân cỏ Việt. Nhiều tuyển thủ quốc gia của ta thường phải “hít khói” khi đua tài với họ. Không những thế, có tiền đạo từng khoác áo đội tuyển mùa giải đã qua 20 vòng đấu, nhưng chưa ghi được bàn thắng nào, thường xuyên có mặt trên băng ghế dự bị.
Cũng cần nói thêm rằng, nhiều ngôi sao của ta khi ra sân hùng hục, băm bổ tung ra hết bài vở, nhiệt tình đá như chưa bao giờ được đá, nên dễ bị đối phương “bắt bài”, mà còn phải nhận những chấn thương liên tục, dai dẳng, thậm chí có người lụi tàn sau một hai mùa thăng hoa. Bên cạnh đó là cạm dỗ của hư danh và kim tiền, một số ngôi sao lóa mắt, đánh mất sự nghiệp lúc nào không hay (!?).
Các nhà chuyên môn cũng như giới mộ điệu bóng đá nước nhà có tường tận thực trạng trên? Chắc là họ biết, thậm chí phân biệt rất rõ “con cái, con đực” dù thoáng bay qua. Nhưng họ cứ mơ, bởi không ai đánh thuế giấc mơ; họ cứ tung hô cho thỏa chí tang bồng; được càng vui, không được cũng chẳng sao, không những thế còn tỏ ra mình là người yêu bóng đá, yêu nước, luôn mong đất nước phát triển, rạng danh với 4 biển 5 châu (!)
“Có thực mới vực được đạo”, với thực lực bóng đá, chất lượng cầu thủ như hiện nay, đường đến World cúp của đội tuyển bóng đá nam quốc gia vẫn xanh lắm, còn xa lắm. Mong cơ quan công quyền các cấp, đặc biệt là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hãy vượt qua mơ mộng, đánh giá đúng vị trí của bóng đá nước nhà, có chiến lược phát triển phù hợp, để bóng đá nước nhanh chóng vươn lên tầm châu lục và thế giới. Khi chúng ta có giải bóng đá mạnh, có nhiều cầu thủ đẳng cấp châu lục, đẳng cấp thế giới, thì giấc mơ World cúp sẽ thành hiện thực.