Vụ tranh chấp QSDĐ tại quận 7, TP Hồ Chí Minh: Hơn 2 năm TAND Cấp cao vẫn chưa có hồi âm (!?)
Pháp luật - Bạn đọc 19/01/2020 17:41
Giấy xác nhận đã nhận đơn của ông Nguyễn Văn Hồng kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 528/2017/QĐPT ngày 14/6/2017 của TAND TP Hồ Chi Minh
Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh
Trong khi đó, thẩm phán xét xử vụ án lại được chuyển công tác lên vị trí cao hơn, gây nhiều thắc mắc trong dư luận.Vậy, người dân phải mòn mỏi đợi chờ đến bao giờ!?
Trong đơn tố cáo gửi Cục Điều tra VKSNDCC, ông Nguyễn Văn Hồng trình bày: Cha mẹ ông có khai thác, sử dụng phần đất diện tích 1.920m2 tọa lạc tại xã Tân Quy Đông, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, từ năm 1963. Tháng 10/1985, ông Hồng được cấp Giấy phép sử dụng đất 400m2 đất (ngang 20m, dài 20m), tính từ lề đường đất đỏ, chiều rộng khoảng 2,5m, phía sau là ao nuôi cá. Ông Hồng tiến hành đóng cọc phân định ranh giới đất 20m đến bờ ao nuôi cá. Sau đó, ông Hồng làm đơn gửi UBND xã Tân Quy Đông, huyện Nhà Bè, xin cất tạm căn nhà diện tích 24m2 (ngang 4m, dài 6m) để trông giữ lúa. Cấu trúc căn nhà nền đất, vách ván, mái tôn và được chính quyền cho số nhà 440/10A.
Giấy phép sử dụng 400m2 đất (ngang 20m, dài 20m) ngày 30/10/1985, do UBND huyện Nhà Bè cấp cho ông Nguyễn Văn Hồng
Năm 1992, ông Hồng bán 400m2 đất, có căn nhà tạm, bằng giấy tay cho ông Nguyễn Quốc Tuấn. Ông Tuấn đã cắm mốc phân ranh đất. Đến năm 1997, ông Tuấn bán phần đất trên cho ông Đặng Thái Mai. Sau đó, ông Mai, giả danh ông Hồng đi làm hồ sơ nhà đất và UBND xã Tân Quy Đông, UBND huyện Nhà Bè, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 536/QSDĐ ngày 11/6/1994 cho ông Nguyễn Văn Hồng. Hồ sơ này, UBND quận 7 (huyện Nhà Bè cũ) cho biết, không còn lưu trữ và xác định là có dấu hiệu đây là giấy tờ giả, vì ông Hồng bán đất cho ông Nguyễn Quốc Tuấn từ năm 1992, là đất nông nghiệp, thì không thể được cấp giấy tờ nhà đất năm 1994 cho ông Hồng. Và ông Hồng cho rằng, vụ việc này thật vô lý, khi ông Tuấn bán đất cho ông Đặng Thái Mai năm 1997 thì giấy tờ mua bán vẫn là giấy tờ viết tay thì không thể nào có giấy chứng nhận năm 1994. Ông Hồng khẳng định giấy chứng nhận mang tên ông Hồng, diện tích 215m2 đất thổ là giấy tờ giả, nhưng không hiểu vì sao không được Tòa án các cấp xác minh làm rõ, còn thẩm phán trực tiếp xét xử vụ án của TAND quận 7, lại được chuyển công tác ở cấp cao hơn!?
Năm 1997, ông Tuấn nhờ ông Hồng đến UBND huyện Nhà Bè, để ký bán sang tên giúp ông Tuấn, phần đất đã bán cho ông Tuấn. Lúc đó, ông Hồng mới phát hiện Hợp đồng ký bán đất không phải cho ông Tuấn, mà người mua là ông Đặng Thái Mai. Vợ chồng ông Hồng không đồng ý ký tên, nhưng ông Mai đưa bản Hợp đồng ông Mai mua đất của ông Tuấn. Vì ông Mai năn nỉ và thương tình, vợ chồng ông Hồng ký tên vào hồ sơ chuyển nhượng đất, mà không nhận bất kỳ thù lao gì. Ngay trong ngày, ông Mai hoàn tất hợp dồng mua bán đất và làm giấy phép tách thửa, nộp thuế và bán phần đất trên cho 2 người. Tại Hợp đồng mua bán số 4405/HĐMB ngày 28/6/1999, được Phòng Công chứng số 1 chứng nhận một phần nhà số 440A/10, đường số 2, phường Tân Quy, quận 7 (ấp 1, xã Tân Quy Đông, huyện Nhà Bè cũ), người bán là ông Đặng Thái Mai, người mua là Trương Vũ Uyên. Loại nhà: Nhà phố; cấu trúc: Trệt; nền đất, mái tôn, tường vách ván; diện tích khuôn viên: 200m2, diện tích sử dụng 12m2. Nguồn gốc do ông Đặng Thái Mai mua của ông Nguyễn Văn Hồng và bà Trần Thị Lệ. Tại Hợp đồng mua bán số 5708/HĐMB ngày 12/8/1999, Phòng Công chứng số 1 chứng nhận bên bán ông Đặng Thái Mai, bên mua ông Hoàng Thế Huy. Đặc điểm nhà bán: Loại nhà: nhà phố, cấu trúc: Trệt; nền đan bê tông, cột gỗ, mái tôn, tường ván; diện tích khuôn viên 200m2, diện tích sử dung: 12m2; vị trí nhà theo bản vẽ ngày 23/7/1999. Tại Hợp đồng mua bán số 6687/HĐMB ngày 23/8/2001, Phòng Công chứng số 1 chứng nhận bên bán Trần Thị Thanh Loan, Hoàng Thế Huy, bên mua Nguyễn Thị Toàn. Đặc điểm nhà: Loại nhà phố, cấu trúc: Trệt, cột gỗ, mái tôn, vách ván riêng. Diện tích khuôn viên: 200m2. Diện tích xây dựng; 12m2, diện tích sử dụng: 12m2.
Theo ông Hồng, các Hợp đồng mua bán trên có nhiều điểm bất hợp lý, tuy là 1 căn nhà nhưng Phòng Công chứng lại xác nhận là nền đan bê tông, trong khi căn nhà là nền đất. Số nhà 440/10A (số thật), không có giấy chứng nhận số nhà 440A/10. Do đó, bản vẽ, giấy phép và giấy tờ nhà đất do ông Đặng Thái Mai xin cấp mang tên ông Hồng, là thể hiện giấy tờ giả, vì không có tên vợ ông Hồng,là bà Trần Thị Lệ, cùng đứng tên trên đất thổ. UBND quận 7 trả lời không có lưu trữ sổ gốc.
Kết luận giám định thể hiện hồ sơ giấy phép và giấy tờ nhà đất do ông Đặng Thái Mai xin cấp mang tên ông Hồng là giấy tờ giả
Qúa trình sử dụng đất, Nhà nước đã 2 lần quy hoạch làm đường nhánh lộ số 1, trong đó lần 1 vào năm 1998, theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, chiều sâu 2,5m; lần quy hoạch thứ 2 vào năm 2003, chiều sâu 3m. Bà Trương Vũ Uyên và bà Nguyễn Thị Toàn đã nhận tiền đền bù. Như vậy, chiều dài thửa đất bà Uyên còn lại tương đương 15m, phù hợp với bản vẽ của Sở Tài nguyên và Môi trường đo vẽ, số bản đồ 100962/ĐĐBĐ ngày 2/4/2008 và 16/9/2008, thì phần diện tích đất mà bà Uyên đang sử dụng tại vị trí số 1, có chiều dài 15,32m và tại vị trí số 2 có chiều dài 15,31m, nơi bà Uyên có cắm cột trụ xi măng làm ranh giới sử dụng đất, tiếp cận với đất của bà Nguyễn Thị Múi (mẹ ông Hồng).
Phần đất trống phía sau nhà (bên phải) đang có tranh chấp
Với những chứng cứ nêu trên và các nhân chứng thể hiện gia đình ông Hồng không chiếm đất của bà Uyên, bà Toàn. Việc bà Uyên, bà Toàn đòi đất của gia đình ông Hồng là hoàn toàn phi lý, sau đó TANDTC kháng nghị tại Quyết định số 230/2012/KN-DS ngày 19/6/2012, đã chỉ rõ những bất cập, sai sót, chưa thu thập, xác minh làm rõ những tình tiết quan trọng xác định bản chất của vụ án.
Đơn tố cáo gửi Cục Điều tra Viện KSNDTC.
Chúng tôi tiếp tục thông tin về vụ việc.