“Tuổi” của... luật!
Trong mắt người già 25/10/2024 12:36
Cần khẳng định rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam đã được hoàn thiện một bước cơ bản; vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ngày càng rõ và có chuyển biến tích cực. Quốc hội chủ động xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ bảo đảm việc phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại.
Tuy nhiên, luật của ta còn thiếu thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn, vẫn còn tình trạng văn bản luật thiếu quy định cụ thể, hay phải sửa đổi, bổ sung, “tuổi thọ” của luật không cao, dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả khi vào cuộc sống.
Trong 72 luật được thông qua trong nhiệm kì Quốc hội khóa XIV, có hơn 1/3 là luật sửa đổi và bổ sung. Điều đó cho thấy “tuổi thọ” của luật... khá thấp! Như Luật Đầu tư năm 2014, được sửa đổi, bổ sung 5 lần vào các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 và được sửa đổi toàn diện năm 2020. Luật Xây dựng năm 2014 cũng được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 2016, 2018, 2019 và 2020… Điển hình hơn, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 mới ban hành, chưa đưa vào cuộc sống đã phải sửa đổi. Bộ luật này được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kì họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát hiện nhiều sai sót kĩ thuật, một số quy định chưa hợp lí, khó áp dụng...
Hạn chế lớn nhất trong công tác xây dựng pháp luật là luật ban hành không cụ thể; một số quy định trong luật mới chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung, chưa thi hành được ngay mà còn phải ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Thậm chí, có những văn bản luật có hiệu lực thi hành cả năm, thậm chí 2 năm mà Nghị định của Chính phủ hoặc Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành chưa có, hoặc có hướng dẫn nhưng lại bất cập, có nội dung trái luật. Điều đó, vô hình trung thành miếng mồi béo bở cho lợi ích nhóm. Mặt khác, vẫn còn tình trạng “cát cứ quyền lực” trong xây dựng luật. Ví như một dự án bất động sản phải chịu sự tác động của 9 bộ luật, hàng chục thông tư hướng dẫn thi hành, chưa kể nhiều thủ tục do các Bộ ban hành với nhiều nội dung không thống nhất, thậm chí… “đá nhau”.
Tuổi thọ trung bình của người Việt tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023. Nhưng sao tuổi của luật ở ta… thấp thế!