Một trái tim hồng!
Trong mắt người già 10/10/2024 17:11
70 năm qua tuy trải bao thăng trầm, nhưng Hà Nội vẫn nêu cao phẩm giá người Thủ đô, vượt lên, phát triển diệu kì, đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Hà Nội đã làm được những điều ngoài sự mong đợi của người dân. Nhưng người dân cả nước còn kì vọng nhiều hơn thế về Hà Nội, đặc biệt là phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Người Hà Nội xưa vốn thanh lịch, hào hoa, không phô trương, khoe khoang; ăn nói nhẹ nhàng, đối xử với nhau nặng nghĩa, nặng tình. Chất thanh lịch người Hà Nội thể hiện trong từng lời ăn tiếng nói, kính trên nhường dưới.
Nhiều năm qua, nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tuy được thành phố triển khai sâu rộng, rốt ráo, nhưng thực tế cho thấy, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất. Những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng, văn hoá lãnh đạo... đã làm xấu đi nét thanh lịch, hào hoa, làm mai một truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội.
Hà Nội ngày nay là một thành phố rộng lớn, hiện đại, đang vươn mình để trở thành một điểm đến quan trọng trên bản đồ khu vực và thế giới. Vì thế, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiếp tục được đặt ra với đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao. Tuy nhiên, người dân Hà Nội và người dân cả nước mong muốn hệ thống chính trị các cấp ở Hà Nội phải có bước đột phá mạnh mẽ hơn trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, thượng tôn pháp luật. Để làm được điều đó, cần đề cao hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò người đứng đầu cấp ủy và phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, là chủ thể. Theo đó, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng xây dựng môi trường giáo dục, môi trường xã hội lành mạnh; đề cao văn hóa nêu gương, trước hết là trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Nếu làm được như thế, các hoạt động phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mới đạt hiệu quả, tạo sự lan tỏa tích cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của người dân Thủ đô.
Thêm nữa, ngoài việc đưa các quy tắc ứng xử trở thành thước đo trong xã hội, vào nếp sống hằng ngày, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm đánh thức trong mỗi người dân tình yêu Thủ đô, niềm tự hào, tự trọng với danh xưng "Người Hà Nội" để Thủ đô mãi mãi là “trái tim hồng”!.