Từ lạm phát tới lạm dụng từ ngữ
Trong mắt người già 12/04/2023 09:15
Chỉ với cấp độ này mà đã phải “tri ân” thì thấy cồm cộm nên phải tìm hiểu chữ “tri ân” để suy xét việc đưa tin trên có thấu tình, đạt lí? “Tri ân” là từ ghép gồm 2 chữ “tri” và “ân”. “Tri” có nghĩa là biết, ghi nhớ. “Ân” nghĩa là mang ơn, ân huệ, ân tình. Khi ghép hai từ này với nhau sẽ được từ Hán Việt là “tri ân”, thể hiện sự biết ơn, trân trọng và ghi nhớ. Như vậy, các tập thể và cá nhân phụ nữ trong tin bài nói trên chỉ mới có thành tích như thế, mà cộng đồng đã phải “tri ân” thì thật khiên cưỡng, lạm dụng từ ngữ.
Năm 2022, nhờ ứng phó thành công với đại dịch, tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức cao nhất khu vực, mở ra nhiều cơ hội, triển vọng. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023 có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm, trong số này có không ít lao động nữ. Trong dịp 8/3 bên cạnh mái ấm hạnh phúc thì có bộ phận không nhỏ lao động nữ đang ngồi chơi... vô thời hạn, khi trong nhà còn mấy miệng ăn, tiền trọ nợ chồng lên, con vẫn phải đến trường, mà dắt díu nhau về quê cũng không dễ. Giá như ta thấu truyền thống ”Bầu ơi thương lấy bí cùng”, tằn tiện những lễ lạt linh đình, gom lại hỗ trợ cho những phụ nữ đang hoàn cảnh trong dịp này thì ngày vui sẽ trọn vẹn.
Nhân chuyện chữ “tri ân” của tờ báo trên, mới thấy lâu nay lạm phát ngôn ngữ đang thành cao trào tràn ngập, lạm dụng, không có điểm dừng, gây phản cảm. Thường ngày, cứ nghe ra rả điệp ngữ “cơ chế đặc thù”; “cháy bỏng khát vọng”; “đầu tầu dẫn dắt”, kỉ lục phải là kỉ lục mới, đỉnh cao cũng phải là đỉnh cao mới; tăng cường phải tăng cường hơn nữa; thành công thì phải là “thành công tốt đẹp” rồi “thành công rất tốt đẹp”… trong khi ở cuộc sống thường nhật, hễ làm xong một việc dù nhỏ không bị nhiễu nhương đã là mãn nguyện lắm rồi.
Chúng ta từng nghe những bình luận thái quá về bóng đá. Đá vào một quả để thắng một trận, lên ngôi vô địch thì bốc tận mây xanh. Ngược lại, chỉ để thủng lưới một trái đủ để thua một trận, nhất là trận cuối thì té tát như chan tương đổ mẻ. Điều này có thể cảm thông sự bột phát, không kìm được giây phút cảm xúc bị dồn nén của các bình luận viên hay người hâm mộ. Song phát ngôn chính tắc, định hướng, “khuôn vàng thước ngọc” thì không thể tùy hứng.
Thế mới biết, người xưa đã tùng tiệm thế nào khi dùng đến chữ “Tri ân”: Anh hùng tiếng đã gọi rằng/ Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha/ Huống chi việc cũng việc nhà/ Lựa là thâm tạ mới là tri ân.
-------------------------
(*) Trang nhất, Báo Hà Nội mới ngày 6/3/2023
(**) Truyện Kiều câu 2429 - 2432