Đừng lạm dụng từ “lạm dụng”
Đời sống 15/05/2024 11:07
Trước hết, cần hiểu nghĩa của từ “lạm dụng”. Đây là một từ Hán Việt. Trong đó, “lạm” (bộ “thủy”, quy định nét nghĩa liên quan đến nước) nghĩa gốc là “nước tràn ra”, từ đó có nghĩa chuyển là “quá mức” như trong các từ “lạm phát”, “lạm quyền”, “lạm thu”… “Dụng” (chữ cũng là bộ) nghĩa là “dùng” (“dùng” trong tiếng Việt chính là biến âm của “dụng” này), như trong các từ “bổ dụng”, “chuyên dụng”, “dân dụng”, “sử dụng”… “Lạm dụng” có thể hiểu là “sử dụng quá mức”. Cho nên, Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, 1997) giảng “lạm dụng” là “dùng, sử dụng quá mức hoặc quá giới hạn đã được quy định” (tr.521).
Như vậy, nghĩa của “lạm dụng” là hết sức rõ ràng. Tuy nhiên, không ít người, kể cả một số nhà báo lại viết kiểu như “bị truy tố/ kết án vì tội lạm dụng tình dục trẻ em”. Chẳng hạn báo Tuổi Trẻ có bài “Mỹ kết án 11 năm tù người lạm dụng tình dục trẻ em Việt tại TP Hồ Chí Minh”. Báo Thanh Niên có bài “Lạm dụng tình dục trẻ em ở Mỹ bị xử lí thế nào?”... Xin khẳng định, đây là những cách dùng từ sai, thậm chí sai rất… ngô nghê.
Về mặt pháp luật, không có tội danh nào là “lạm dụng tình dục trẻ em”. Về mặt ngôn ngữ, những cách dùng trên sai về logic ngữ nghĩa. Hiểu một cách nôm na, “lạm dụng tình dục trẻ em” là “có hoạt động tình dục đối với trẻ em vượt quá mức quy định”. Từ đó, có tiền giả định là nếu việc “có hoạt động tình dục đối với trẻ em” trong mức hoặc giới hạn cho phép thì hoàn toàn vô tội. Đây là cách hiểu vô cùng nguy hiểm, nếu có. Bởi mọi hành vi quấy rối, xâm phạm tình dục trẻ em đều vi phạm pháp luật và bị xử phạt rất nặng.
Dĩ nhiên, “giới hạn quy định” trong nội hàm của từ “lạm dụng” không phải lúc nào cũng được định lượng cụ thể. Tuy nhiên, với những trường hợp như quấy rối tình dục trẻ em, sử dụng ma túy, việc dùng từ “lạm dụng” với dụng ý thể hiện sự nhiều lần/quá mức là cách dùng hoàn toàn sai và thiếu hiểu biết về pháp luật. Lạm dụng từ ngữ một cách tùy tiện, cẩu thả là một trong những nguyên nhân làm mất đi sự trong sáng, giàu có của tiếng Việt.