Tỏa sáng đạo lí “uống nước nhớ nguồn”
Đời sống 27/07/2021 09:00
Gần 75 năm trước, khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Để phong trào đi vào sâu rộng trong quần chúng Nhân dân, trong toàn xã hội, tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để Nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước.
Thực hiện chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và địa phương đã họp ở xã Phú Minh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bàn bạc, nhất trí đề nghị lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”. Từ đó, ngày 27/7 hằng năm trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” trong cả nước.
Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người đã dành sự trân trọng những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình mong Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”, để họ không chỉ được ổn định cuộc sống lâu dài, không là “gánh nặng” cho xã hội mà còn tiếp tục góp sức cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Thăm, tặng quà và trao tiền phụng dưỡng cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng |
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 74 năm qua, Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ ta đã ban hành hàng nghìn văn bản, hàng trăm sắc lệnh, pháp lệnh, chỉ thị, nghị quyết, thông tư về thương binh, liệt sĩ, người có công với nước.
Đến nay, sau hơn 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đặc biệt là sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới nhiều chính sách về lao động, việc làm, bảo vệ quyền của người lao động, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã được ban hành và triển khai thực hiện sâu, rộng và hiệu quả, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước.
Đến cuối năm 2020, cả nước có trên 1,3 triệu người có công đang được hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong 10 năm (2011-2021), bình quân mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp, đưa trên 580 nghìn lượt người có công đi điều dưỡng định kì; hỗ trợ giáo dục cho khoảng 40 nghìn lượt người. Mức chuẩn trợ cấp liên tục được điều chỉnh tăng (hiện nay là 1.624.000 đồng). 99,7% hộ gia đình người có công với cách mạng có được mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; không còn hộ người có công thuộc diện nghèo...
Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề ra chủ trương: “Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội”.
Năm 2021 này, để thiết thực chào mừng kỉ niệm 74 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, dự kiến, tổng kinh phí để tặng quà cho người có công với cách mạng là hơn 480 tỉ đồng, theo phương án trình chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng, được điều chỉnh tăng 50% so với năm trước. Trong đó mức 600.000 đồng sẽ dành tặng các đối tượng: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và những cá nhân đã có quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trước ngày 28/7/2021 nhưng chưa hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.
Tiếp theo là dành cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.
Mức quà 600.000 đồng cũng được dành cho thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Mức quà 300.000 đồng dành tặng thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động.
Mức quà này cũng dành tặng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đại diện thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ.