Toà án nhân dân Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh: Lạ kì hai bản án phúc thẩm “ngược nhau”!
Đơn thư bạn đọc 06/01/2021 15:15
Bà Nguyễn Thị Dân ký đơn kêu oan cho con gái trên xe lăn |
Bị cáo Phạm Thị Ái Liên và các luật sư bào chữa tại phiên tòa ngày 29/12/2020 |
Bị cáo tự tử tại toà bất thành (!)
Bà Dân trình bày: Phạm Thị Ái Liên có thời gian làm thư ký Tòa án; sau đó xin nghỉ việc để làm luật sư năm 2010. Do chí thú làm ăn và có uy tín nên bạn bè quen biết muốn hùn hạp làm ăn hay nhờ vay tiền dùm. Từ năm 2011, bà Trần Thị Kim Hương, sinh 1963, ngụ Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, TP Cao Lãnh cho Ái Liên vay tiền, lãi suất rất cao nhưng vẫn đóng đầy đủ. Sang năm 2012 - 2013, Liên tiếp tục làm ăn, vay tiền qua lại cùng với bà Hương, ông Trần Văn Phong, sinh 1975, ngụ ấp 3, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, bà Cù Thị Lưu Tiếng, sinh năm 1961, ngụ Lê Lợi, phường 2, TP Cao Lãnh, bà Dương Thúy Loan, sinh 1968, ngụ khóm 2, phường 2, TP Cao Lãnh; bà Nguyễn Thị Phương Nga, sinh 1978, ngụ khóm 1, phường 3, TP Cao Lãnh, …
Việc làm ăn qua lại giữa các bên diễn ra rất bình thường. Trong quá trình làm ăn và hoạt động nghề nghiệp, Liên có chậm trễ đóng lãi cho ông Phong (mức lãi 12%/tháng) cho số tiền vay 2 tỉ đồng. Ông Phong cho Liên cam kết trả nợ nhưng chưa đến thời hạn thì ông này đã làm đơn tố cáo. Tiếp theo đó, các bà Hương, Tiếng, Loan, Nga cùng đồng loạt tố cáo Liên.
Người mẹ già nói trong nước mắt: “Ngày 3/7/2013, Liên bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp ra lệnh bắt giữ, quy kết hành vi lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, rồi ở tù cho đến nay. Vụ án đã trải qua 4 lần xét xử, gồm hai ở cấp sơ thẩm, hai cấp phúc thẩm với những bản án tréo ngoe, lộ rõ oan sai. Tại phiên toà phúc thẩm lần hai, vì quá uất ức, Liên đã quyên sinh tại toà nhưng bất thành. Tôi sợ người đầu bạc tiễn người đầu xanh…”.
Án sơ thẩm lần 1 tuyên 24 năm tù
Tại Bản án hình sự sơ thẩm lần 1 số 25/2016/HS-ST ngày 13/6/2016 của TAND tỉnh Đồng Tháp, phạt Liên 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 12 năm tù “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt bị cáo Liên phải chấp hành là 24 năm tù.
Án sơ thẩm lần 1 quy kết: Quá trình hành nghề luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp, Liên đã lợi dụng mối quan hệ nghề nghiệp làm quen với một số người hoặc là những người từng yêu cầu Liên bảo vệ quyền lợi của họ trong các vụ kiện dân sự để hỏi vay tiền với lãi suất từ 1.000 đến 4.000đồng/1ngày/1triệu đồng (3 đến 12%/tháng). Mục đích vay để đáo nợ ngân hàng cho người thân nhưng sau khi nhận được tiền vay, Liên sử dụng cá nhân, trả nợ cho những người mà Liên đã vay mượn trước đó. Cụ thể:
Ngày 26/3/2013, ông Trần Văn Phong, ngụ số 401, tổ 18, ấp 3, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, quen biết Ái Liên tại một quán cà phê không nhớ tên ở gần TAND TP. Cao Lãnh, do Nguyễn Tấn Việt, ngụ ấp 3, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh (nay đã chết), giới thiệu. Tại đây, Liên nói với Phong đang cần vay tiền đáo hạn ngân hàng. Để tạo lòng tin Liên đưa Hợp đồng tín dụng đứng tên Phạm Thị Thu Điệp (chị ruột của Liên) cho ông Phong xem nên ông này tin tưởng, đồng ý cho vay.
Ngày 27/3/2013, Liên vay ông Phong 1 tỉ đồng, lãi 4.000 đồng/1ngày/1 triệu đồng (12/%/tháng). Khi vay, Liên nói để đưa cho bà Điệp đáo hạn ngân hàng, khoảng 3 đến 4 ngày thì trả lại. Thực chất sau khi nhận được tiền vay, Liên sử dụng trả nợ cho Nguyễn Thanh Triết 844 triệu đồng, còn lại Liên sử dụng cá nhân.
Ngày 9/4/2013, Liên tiếp tục gặp ông Phong nói dối là cần vay thêm số tiền 1,5 tỉ đồng để đưa cho bà Điệp mới đủ để đáo hạn ngân hàng vì Hợp đồng tín dụng 2,5 tỉ đồng. Do tin tưởng, ông Phong tiếp tục cho Liên vay 1 tỉ đồng. Liên sử dụng 800 triệu đồng hùn vốn để đấu giá mua đất, còn lại 200 triệu Liên khai trả tiền bơm cát san lấp phần đất sau nhà của Liên. Do đấu giá mua đất không thành, Liên sử dụng 800 triệu đồng và tiền cá nhân để trả nợ cho Võ Thị Tuyết Mai 500 triệu đồng, Võ Thị Hoa số tiền 200 triệu đồng và Võ Thị Nhị 300 triệu đồng.
Đến hạn trả nợ, ông Phong đòi tiền nhiều lần nhưng Liên không trả nên làm đơn tố cáo lừa đảo. Liên đã đóng lãi được 95 triệu đồng, chiếm đoạt của ông Phong 1,905 tỉ đồng.
Tại thời điểm tháng 5/2013, Liên dùng thủ đoạn vay tiền đáo hạn ngân hàng để vay và chiếm đoạt tiền của bà Cù Thị Lưu Tiếng 200 triệu đồng.
Ngoài ra, năm 2012, Liên có hành vi giả tạo hợp đồng ủy quyền nhận tiền tại Chi cục Thi hành án dân sự TP. Cao Lãnh của bà Dương Thị Loan, nhằm chiếm đoạt số tiền của bà Loan 500 triệu đồng. Bà Loan kịp thời phát hiện, yêu cầu hủy bỏ hợp đồng ủy quyền nên Liên chưa kịp chiếm đoạt được tài sản.
Như vậy, Liên dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt của 3 bị hại tổng số tiền 2,605 tỷ đồng. Trong đó có 500 triệu đồng của bà Loan, Liên chưa chiếm đoạt được là ngoài ý muốn của bị cáo, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Hành vi của Liên đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị phạt 12 năm tù.
Liên quen biết bà Trần Thị Kim Hương qua nhiều lần bà này thuê Liên làm luật sư bảo vệ quyền lợi các vụ kiện dân sự. Năm 2011, Liên nhiều lần vay tiền của bà Hương có viết biên nhận, trả vốn và lãi đúng hạn. Từ ngày cuối năm 2012 đến ngày 8/4/2013, bà Hương cho Liên vay 5 lần với 2,66 tỷ đồng. Liên khai cho Nguyễn Thị Kim Thành vay lại số tiền này, nhưng bà Thành không thừa nhận.
Ngày 20/5/2013, ông Phong làm đơn tố cáo Liên chiếm đoạt 2 tỉ đồng. Liên bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp (PC 44) mời làm việc. Nhằm đối phó với PC 44, khoảng 21 giờ 30 phút ngày 3/6/2013, Liên đến nhà bà Hương nhờ ký tên vào giấy xác nhận do Liên viết sẵn với nội dung“Tôi tên Trần Thị Kim Hương xác nhận: Đến ngày 4/6/2013 Liên không còn nợ vốn và lãi gì với tôi. Các khoản nợ và lãi từ trước đến giờ đã thanh toán xong. Tôi vẫn còn giữ phần hùn của Ái Liên đưa cho tôi 2,2 tỉ đồng, khi nào Liên cần tôi sẽ giao lại như thỏa thuận”. Do quen biết và tin tưởng nên bà Hương đã ký vào giấy xác nhận có nội dung trên giúp cho Liên. Sau khi có giấy xác nhận, Liên không những dùng đối phó với PC 44 mà còn dùng để chiếm đoạt 2,66 tỷ đồng của bà Hương.
Ngoài ra, lợi dụng việc bà Nguyễn Thị Phương Nga tin tưởng ký hợp đồng ủy quyền cho Liên đến Chi cục Thi hành án dân sự TP. Cao Lãnh nhận tiền thi hành án, Liên đã chiếm đoạt của bà Nga 71,5 triệu đồng tiêu xài cá nhân.
Như vậy, lợi dụng lòng tin của bà Hương và bà Nga, Liên đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của hai người này tổng số tiền 2,7315 tỉ đồng. Hành vi của Liên phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, bị xử phạt 12 năm tù.
Án sơ thẩm lần 1 xử “không đúng tội danh của bị cáo”!
Đó là nhận định của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong Bản án hình sự phúc thẩm lần 1 số 649/2018/HS-PT ngày 21/11/2018, xét xử theo kháng cáo kêu oan của bị cáo Liên. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 3 thẩm phán Phan Văn Yên (chủ toạ), Lê Thành Văn và Hoàng Thanh Dũng, nhận định như sau:
Bị cáo Liên hỏi vay của bị hại Phong tổng số tiền 2 tỉ đồng. Trong quá trình vay nợ đã trả được 95 triệu đồng. Đối với bị hại Tiếng thì bị cáo Liên chưa trả vốn, lãi. Điều này thể hiện bị cáo Liên đã nhận tài sản một cách hợp pháp thông qua hợp đồng vay nhưng do bị cáo mất khả năng chi trả nên bị cáo mới nảy sinh ý định chiếm đoạt. Đối với các hành vi trên, cấp sơ thẩm quy kết bị cáo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là chưa đúng với tính chất của vụ án mà phải xác định bị cáo phạm tội “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mới đúng. Bởi lẽ, bị cáo Liên có được tài sản một cách hợp pháp, thông qua hợp đồng vay tiền của bị hại Phong và Tiếng với lãi suất do các bên tự thỏa thuận và bị cáo đã trả lãi cho bị hại.
Mặc dù trong quá trình hỏi vay tiền bị cáo có nói dối nhưng mục đích vay tiền trong vụ án này không phải là yếu tố định tội mà chính hành vi khách quan của bị cáo đã thể hiện bị cáo có được tiền vay của bị hại Phong và Tiếng là do các bên tự thỏa thuận trên cơ sở hợp đồng vay tài sản. Liên đã có được tài sản một cách hợp pháp do các bị hại đưa cho bị cáo và bị cáo đã trả lãi suất như đã thỏa thuận cho bị hại Phong 95 triệu đồng, cho bị hại Tiếng là 6 triệu. Sau đó bị cáo mới thực hiện hành vi chiếm đoạt. Do đó, hành vi của bị cáo chỉ cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Đối với hành vi làm giả hợp đồng ủy quyền của bà Loan: Bị cáo mới thực hiện hành vi gian dối là giả chữ ký của bà Loan trong hợp đồng ủy quyền thì đã bị phát hiện nên chưa nhận được số tiền thi hành án, do đó chưa cấu thành tội “lừa đảo”. Cấp sơ thẩm xác định bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là chưa có căn cứ.
Đối với việc vay tiền giữa bị cáo với bà Hương: bà Hương có cho Liên vay tổng cộng 2,66 tỉ đồng, nhưng theo giấy xác nhận đề ngày 4/6/2013 thì nội dung thể hiện bị cáo Liên đã trả xong số tiền này và còn hùn vốn với bà Hương số tiền 2,2 tỉ đồng. Bà Hương cho rằng chữ ký trong giấy xác nhận là của bà nhưng về nội dung là giả nhằm để giúp bị cáo Liên đối phó với Cơ quan điều tra. Còn bị cáo thì cho rằng giấy xác nhận là thật không còn nợ bà Hương mà ngược lại bà Hương còn giữ vốn của bị cáo số tiền là 2,2 tỉ đồng.
Xét thấy giấy xác nhận ngày 4/6/2013 và lời khai của hai bên mâu thuẫn với nhau chưa được làm rõ, nhưng cấp sơ thẩm lại quy kết bị cáo chiếm đoạt 2,66 tỉ đồng, đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa có căn cứ vững chắc. Đây là mối quan hệ dân sự nếu các bên có tranh chấp thì sẽ được xem xét, giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định rõ: “Tóm lại, trong vụ án này, bị cáo Liên với hành vi chủ yếu là hỏi vay tiền của bị hại Phong, Tiếng và thông qua hợp đồng ủy quyền của Nga để nhận tiền thi hành án sau đó chiếm đoạt không trả lại cho các bị hại đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 140 của Bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Liên về tội Lừa đảo và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là không đúng tội danh của bị cáo”.
Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên: Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Liên, hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 25/2016/HS-ST ngày 13/6/2016 của TAND tỉnh Đồng Tháp. Chuyển hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Đồng Tháp để điều tra, xét xử lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Trang 1 |
Bản án phúc thẩm lần 1 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xác định Ái Liên không phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Trang cuối) |
Án phúc thẩm chỉ để “làm kiểng” (!?)
Bà Dân trình bày trong uất ức: Bản án hình sự phúc thẩm số 649/2018/HSPT ngày 21/11/2018 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã có hiệu lực pháp luật nên phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Thế nhưng, ngày 8/5/2020, TAND tỉnh Đồng Tháp đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần hai, với HĐXX do thẩm phán Nguyễn Tuấn Anh (chủ toạ), tiếp tục quy kết Liên hai tội, tuyên mức án 24 năm tù, giống hệt như án sơ thẩm lần 1.
Bà Dân cho rằng: TAND Cấp cao đã chỉ rõ Bản án sơ thẩm lần 1 đã xử oan con gái bà “Lừa đảo”. Việc Liên vay tiền của ông Phong và bà Tiếng là giao dịch vay tiền ngay thẳng và hợp pháp, có trả lãi suất nên không thể nào là gian dối và phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hơn nữa, trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án kéo dài suốt gần 8 năm, ông Phong chưa bao giờ cung cấp được Hợp đồng tín dụng 2,5 tỉ đồng là vật chứng quan trọng, duy nhất để ông Phong làm căn cứ tố cáo theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Bà Dân trưng bằng chứng: Tại biên bản ghi lời khai ngày 29/12/2014, ông Phong thừa nhận:“Liên có đưa cho tôi một Hợp đồng tín dụng bản photo nhưng thời gian lâu quá tôi không biết để thất lạc ở đâu, để tôi về xem lại nếu có tôi sẽ giao nộp cho Cơ quan điều tra…”. Cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam Liên từ ngày 3/7/2013, nhưng mãi đến ngày 29/12/2014 vẫn không thu thập được vật chứng để chứng minh lời trình bày của ông Phong là có căn cứ. Ông Phong không đưa ra được vật chứng, nên tố cáo của ông Phong là hoàn toàn không trung thực. Giao dịch vay tiền giữa Phong và Liên chỉ đơn thuần là giao dịch dân sự.
Đối với việc vay tiền có liên quan đến bà Hương: Trong quá trình tố tụng, Liên đã xuất trình chứng cứ rất quan trọng phù hợp với lời khai của Liên và bản chất của vụ án nhưng không được cấp toà sơ thẩm xem xét. Ngày 26/8/2012, bà Hương lập biên nhận giữ của Liên 5 lượng vàng 24k để đảm bảo cho khoản vay nợ. Đến ngày 4/6/2013, bà Hương đã giao trả lại toàn bộ số vàng này cho Liên kèm biên nhận trả vàng do bà Hương ký tên thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án. Điều này cho thấy: Liên đã trả hết nợ cho bà Hương nên bà Hương mới trả vàng lại cho Liên. Liên đã trình bày kèm theo chứng cứ có thật để chứng minh lời khai của bà Hương và nhân chứng là không phù hợp.
5 lượng vàng Liên gửi bà Hương ký tên nhận ngày 26/8/2012 và Ái Liên nhận lại ngày 04/6/2013 |
5 lượng vàng Liên gửi bà Hương ký tên nhận ngày 26/8/2012 và Liên nhận lại ngày 4/6/2013 |
Giấy xác nhận của bà Trần Thị Kim Hương khẳng định Liên không còn nợ. |
Quan trọng hơn, Bản án hình sự phúc thẩm số 649/2018/HSPT ngày 21/11/2018 xác định rõ: Quan hệ vay mượn tiền giữa Liên và bà Hương là quan hệ dân sự, không hề có dấu hiệu của tội phạm.
Phiên xử phúc thẩm lần 2, “quay 180 độ ” (!)
Bị cáo Liên tiếp tục kháng cáo, kêu oan. TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần 2 vào ngày 29/12/2020, với Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán Trần Thị Thu Thủy (chủ tọa), Hoàng Minh Thịnh và Trần Xuân Minh.
Trong khi còn nhiều vấn đề mấu chốt của vụ án chưa được làm rõ thì Hội đồng xét xử tuyên án vào sáng 31/12/2020, không chấp nhận kháng cáo, y án sơ thẩm lần thứ 2 của TAND tỉnh Đồng Tháp, xử phạt bị cáo Liên 24 năm tù về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, mỗi tội 12 năm tù.
Điều đáng nói, Trước khi Hội đồng xét xử tuyên án, Liên xin được trình bày vì có chứng cứ mới, nhưng chủ tọa phiên tòa khước từ. Quá bức xúc và bị kích động mạnh, Liên định tự tử tại toà nhưng bất thành do được lực lượng cảnh sát bảo vệ can ngăn kịp thời. Sau đó, vị thẩm phán chủ toạ Trần Thị Thu Thủy mới chịu cho Liên cung cấp thêm chứng cứ mới. Liên nói sẽ dùng tính mạng để chứng minh vô tội.
Cảnh sát bảo vệ phiên tòa phải giữ chặt tay bị cáo Liên, khi bị cáo Liên định quyên sinh bất thành |
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Liên, trong đó luật sư Hà Văn Thượng (nguyên thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh) có chung quan điểm: Liên quan đến tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Bản án phúc thẩm lần 2 vừa mới tuyên trái ngược lại với Bản án số 649/2018/HS-PT của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên trước đó, xác định bị cáo Liên không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Diễn biến tại phiên toà phúc thẩm lần hai cũng cho thấy việc quy kết hành vi lừa đảo đối với bị cáo Liên là là chưa đúng với tính chất của vụ án, như Hội đồng xét xử phúc thẩm lần 1 đã nhận định. Cụ thể:
Tại toà phúc thẩm, ông Phong khai bị cáo Liên đã giao ông bản chính Hợp đồng tín dụng. Lời khi này mâu thuẫn với Biên bản lấy lời khai ngày 29/12/2014, ông Phong thừa nhận:“Liên có đưa cho tôi một Hợp đồng tín dụng bản photo”. Chỉ có một Hợp đồng tín dụng nhưng ông Phong khai bất nhất, lúc bản chính, lúc bản photo nhưng chưa bao giờ xuất trình được hợp đồng này để làm bằng chứng.
Bị cáo Liên không thừa nhận có đưa Hợp đồng tín dụng cho ông Phong. Cơ quan tiến hành tố tụng không thu thập được vật chứng do ông Phong quản lý trong quá trình xác minh tố cáo để chứng minh dấu hiệu gian dối của Liên. Sự việc chỉ có ba người biết, trong đó ông Phong khai Liên có đưa Hợp đồng tín dụng cho ông Phong giữ, Liên và người làm chứng Nguyễn Tấn Việt khẳng định không có việc Liên đưa Hợp đồng tín dụng cho ông Phong xem để tạo dựng lòng tin.
Tại các Bản án sơ thẩm lần 1, 2 và phúc thẩm lần 2 đều nhận định Ái Liên đưa Hợp đồng tín dụng để ông Phong tin tưởng cho vay tiền đáo hạn ngân hàng. Trong khi đó, tại các biên nhận vay tiền ngày 27/3/2013 và ngày 09/4/2013 hoàn toàn không có ghi mục đích sử dụng tiền vay. Lời khai của ông Phong không có cơ sở để chấp nhận và cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa chứng minh được lời khai của ông Phong là có căn cứ. Do đó, việc quy kết Liên có hành vi gian dối bằng cách đưa Hợp đồng tín dụng cho ông Phong xem để tạo niềm tin là không có căn cứ.
Trong phần xét hỏi công khai, HĐXX phúc thẩm đặt câu hỏi đối với bị hại Phong: Bị cáo Liên đã dùng thủ đoạn gian dối nào để chiếm đoạt tiền của bị hại? Ông Phong im lặng. HĐXX phúc thẩm đặt tiếp câu hỏi: Chính bị hại viết giấy có nội dung:“Tôi đồng ý cho Liên đến ngày 30/6/2013 trả số tiền gốc cho tôi”, vậy tại sao ngày 20/5/2013 còn trong hạn trả nợ, ông đã viết đơn tố cáo Liên đến Cơ quan điều tra? Ông Phong cũng “lặng thinh” trước câu hỏi đơn giản này.
Bút tích của ông Phong đồng ý cho Liên đến 30/6/2013 trả 2 tỉ đồng vay nhưng 20/5 thì ông Phong đã viết đơn tố cáo. |
Mặt khác, sau khi vay tiền thì Liên đã trả lãi cho ông Phong nhiều lần tổng cộng là 384 triệu đồng. Đây là chứng cứ mà Ái Liên đã nhiều lần yêu cầu làm rõ nhưng các cấp Tòa không xem xét. Phía ông Phong xác định chỉ nhận được 95 triệu đồng của Liên. Điều này càng thể hiện rõ đây là giao dịch dân sự đơn thuần về việc vay tiền giữa các bên.
Một điểm mấu chốt khác cũng được bà Dân và các luật sư chỉ ra: Liên thực hiện hành vi tại thời điểm Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 đang có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng, Kết luận Điều tra số 571/KLĐT-PC01 ngày 5/9/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp và Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Tháp lại căn cứ vào Điều 174 và 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 để truy tố Liên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về hiệu lực theo thời gian của Bộ luật hình sự, gây bất lợi cho bị cáo. Vì theo Bộ luật Hình sự năm 2015 được mở rộng hơn là “dấu hiệu cấu thành tội phạm” được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Bản án của Tòa án đã dẫn giải quy định của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội “Về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành giam giữ, tạm giam năm 2015” để truy tố, xét xử bị cáo Liên.
Trong khi đó, tại điểm c Điều 2 của Nghị quyết 41 quy định việc áp dụng của Bộ luật Hình sự năm 2015 “....Các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; các điều luật quy định hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018...”. Đây là điểm quan trọng nhất mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã “lờ” đi để truy tố và xét xử đối với Liên
Bà Dân khẳng định: “Nếu căn cứ vào Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung vào năm 2009 thì phải thỏa mãn hai dấu hiệu “bỏ trốn” và “sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp”. Như vậy, việc truy tố, xét xử Liên tội danh nói trên là thiếu cơ sở pháp lý vì không thỏa mãn cả hai dấu hiệu bắt buộc”.
Liên quan đến phần lượng hình: Bản án sơ thẩm lần 1 khi kết Liên tội “Lừa đảo” với mức án 12 năm tù, trong đó có 500 triệu đồng của bà Dương Thị Loan, Toà đã quy kết bị cáo chiếm đoạt. Viện Kiểm sát đã rút một phần cáo trạng đối với số tiền 500 triệu này. Vậy mà Bản án sơ thẩm lần 2 vẫn tuyên phạt bị cáo Liên 12 năm tù. HĐXX phúc thẩm lần 2 cũng không xem xét mà y án sơ thẩm.
Bà Dân bức xúc: “Phạm Thị Ái Liên bị kết án 24 năm tù là oan cho nó quá. Do đó, tôi buộc phải gửi đơn kêu oan này đến quý Lãnh đạo, quý cơ quan có thẩm quyền có ý kiến và xem xét lại việc kết án đối với con gái tôi!”.