Tinh gọn bộ máy, giảm biên chế trong chiến lược phát triển đất nước
Xã hội 25/11/2024 08:48
Trong các nhiệm kì gần đây, Đảng đề ra những chủ trương, quyết sách lớn về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Nghị quyết số 39-NQ/TW (Khoá XI) ngày 17/4/2015 về “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 29/11/2014 về chính sách tinh gọn biên chế. Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 39 và Nghị định số 108, tổng biên chế cả nước tăng hơn 11.000 người, số người trong biên chế giảm chủ yếu là về hưu (chiếm 86,25%). Năm 2016, trong khi các cơ quan được giao biên chế 3.725.559 người, nhưng đến cuối năm đó tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong hệ thống chính trị là 3.734.302 người, vượt định mức 8.743 người so với chỉ tiêu được giao. Vì thế cho đến nay, ngân sách Nhà nước vốn hạn hẹp lại phải sử dụng 70% vào chi thường xuyên, chủ yếu trả lương, phụ cấp, chỉ còn 30% cho đầu tư phát triển. Đây là vấn đề “nổi cộm” trong 2 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng Đảng và xây dựng bộ máy trong hệ thống chính trị đất nước.
Ảnh minh họa |
Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW (năm 2017) xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, theo hướng giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Sau 7 năm thực hiện nghị quyết quan trọng này, cả nước đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương, giảm 10 cục, 144 vụ/ban thuộc Bộ, thuộc tổng cục; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc Bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, ngành. Tại một số tỉnh, thành phố giảm được 13 sở, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, giảm 2.572 phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh; đến hết năm 2013 cả nước giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập, hiện còn 46.385 đơn vị loại hình này. Chưa kể sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trong 2 giai đoạn 2019-2021 và 2023-2024 hiện nay.
Với đặc điểm về địa lí, dân số, quy mô nền kinh tế và hội nhập quốc tế, bộ máy hành chính trung ương nước ta hiện nay với 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ và gần một chục đầu mối trực thuộc Chính phủ là nhiều. Đã đến lúc cần giảm đầu mối cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ, đầu mối trực thuộc và trung gian, cấp tỉnh trực thuộc trung ương tới đây cũng cần giảm. Chỉ có tinh gọn bộ máy mới làm cơ sở giảm mạnh biên chế. Chủ trương của Đảng là xây dựng Bộ đa ngành, đa lĩnh lực, hạn chế chồng chéo nhưng trong bộ máy còn nhiều bất cập, một số Bộ vẫn đơn ngành hoặc ít lĩnh vực.
Trong khí đó, các Bộ đều “gánh” công việc của nhau. Nhiều Bộ có học viện, các trường đại học, cao đẳng, đảm nhiệm chức năng của Bộ GD&ĐT; có bệnh viện, cơ sở chế biến dược phẩm gánh việc của Bộ Y tế. Trong bộ máy hành chính, phổ biến là tình trạng “Bộ trong Bộ” như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ. Hầu như các Bộ chuyên ngành đều có tổng cục, cục, vụ, viện, văn phòng, cơ quan thanh tra, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập. Trong Tổng cục lại có cục, vụ, văn phòng, thanh tra; đơn vị trong cục có vụ, văn phòng, chi cục, phòng, ban là đơn vị hành chính có con dấu, tài khoản ngân hàng riêng. Trong 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ có tới 198 đầu mối có tư cách pháp nhân. Nhiều Bộ số tổng cục, cục và văn phòng chiếm 50% so với tổng số vụ và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, có 8 Bộ tỉ lệ này trên 50%. Đó là tình trạng cồng kềnh, quá nhiều đầu mối, dẫn đến thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu. Tình trạng “Bộ trong Bộ” khiến cho nhiệm vụ bị chia cắt, manh mún, cắt khúc, chia phần, nhiều tầng nấc, thiếu tính bao trùm, bao quát khiến bộ máy cồng kênh, nhiều trung gian.
Tình trạng chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ cũng phổ biến. Về ngân sách cho các chương trình đầu tư phát triển liên quan đến Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, thậm chí Văn phòng Chính phủ. Chỉ một nhiệm vụ quản lí An toàn thực phẩm, quản lí thực phẩm chức năng thuộc về 3 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương. Nhiều vụ việc phải giải quyết diễn ra như “ma trận”, rắc rối, thậm chí cách giải quyết trái ngược nhau. Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước có những việc chồng chéo trong lập kế hoạch, xử lí chồng lấn, chia sẻ dữ liệu, trách nhiệm đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra và kiểm toán; quản lí hạ tầng giao thông đô thị và quản lí kết cấu hạ tầng đô thị chồng chéo giữa Bộ Xây dựng và Bộ GTVT. Chỉ riêng lĩnh vực bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc trẻ em liên quan đến nhiệm vụ của nhiều Bộ, ngành như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ VH,TT&DL, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế…
Trên thế giới nhiều nước lớn, quốc gia phát triển thể chế và bộ máy theo mô hình “nhà nước nhỏ - xã hội lớn”. Điển hình như Hoa Kỳ chỉ có 14 Bộ, Nhật Bản chỉ có 11 Bộ, Pháp có 17 Bộ, CHLB Đức có 15 Bộ, Vương quốc Anh có 16 Bộ… Bộ trong Chính phủ các quốc gia này đều gọn, minh bạch chức năng, nhiệm vụ. Bộ trưởng chủ trì hoạch định chính sách và giám sát thực hiện chính sách, còn thực hiện chủ trương, chính sách là các tổ chức, cơ quan hành chính - công vụ đảm nhận. Các cơ quan này độc lập và được coi là cơ quan quyền lực công. Bộ và Bộ trưởng không “ôm” các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực quản lí như ở nước ta.
Từ những vấn đề bất cập, chồng chéo, giao thoa chức năng, nhiệm vụ, thậm chí có tình trạng không rõ ràng nên xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc” là trở lực lớn, rào cản hoạt động của bộ máy, cản trở tiến trình đổi mới sáng tạo, kìm hãm sự phát triển bền vững đất nước. Do đó cần hợp nhất, sáp nhập một số Bộ để có sự phân công, phân định rõ ràng, minh bạch.
Yêu cầu của kỉ nguyên mới, kỉ nguyên vươn mình là đòi hỏi về chất lượng phát triển đất nước nhanh, bền vững theo đường lối của Đảng: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần và bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Để đạt những thành tựu như kì vọng giải pháp là ưu tiên nguồn lực, xây dựng và hoàn thiện thể chế “đột phá của đột phá”, giải quyết các “điểm nghẽn” trong tổ chức bộ máy và cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập không còn phù hợp thực tiễn…