Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế
Xã hội 04/12/2023 09:28
Tuy nhiên, việc thực hiện hiếm có giai đoạn nào đạt chỉ tiêu đề ra trong khi hằng năm số cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách cứ tăng và bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh, nhiều nhiệm vụ chồng chéo, đan xen, các đơn vị sự nghiệp gia tăng khiến cho hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế và nhu cầu phát triển đất nước…
Kì I: Tinh giản biên chế còn mang tính cơ học
Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng...”; “Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Hoàn thiện cơ chế lựạ chọn, đánh giá, sàng lọc khách quan để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (Khoá XII) ngày 17/4/2017 của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chinh trị, giai đoạn 2016-2022 có bước chuyển biến tích cực, nhất là các năm 2019 - 2021 sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, giảm được 361 cán bộ cấp huyện, 6.657 cán bộ cấp xã, tiết kiệm được 25.600 tỉ đồng để đưa vào cải cách chính sách tiền lương. Nhờ vậy, năm 2021 lần đầu tiên tinh giản biên chế thực hiện đạt chỉ tiêu giảm 10%. Theo Bộ Nội vụ, tính từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022, các Bộ, ngành, địa phương giảm biên chế được 79.057 người, chiếm tỉ lệ 29,96% so với số cán bộ, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021, trong đó các Bộ, ngành trung ương giảm 5.510 người, các địa phương giảm 73.547 người. Trong đó, số cán bộ, công chức giảm 10,01%, viên chức giảm 11,67%, công chức cấp xã giảm 9% so với năm 2015.
Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế |
Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất của chương trình tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là giảm mang tính cơ học, chưa đạt mục tiêu về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc sử dụng biên chế sự nghiệp (viên chức) để thực hiện nhiệm vụ quản lí Nhà nước tại các cơ quan, tổ chức hành chính còn phổ biến; định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu nhưng chưa được sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục, y tế; chậm đẩy mạnh xã hội hoá, chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương ngân sách. Do giảm mang tính cơ học nên không gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Trung ương tổ chức thí điểm tinh gọn bộ máy ở một số tỉnh (Quảng Ninh, Yên Bái, Đắk Nông,…) để giảm biên chế bằng cách hợp nhất, sáp nhập Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng, Thanh tra với Uỷ ban Kiểm tra đảng, Văn phòng đoàn ĐBQH với HĐND cũng giảm được một số công chức, viên chức, song nhược điểm của sắp xếp đơn vị hành chính và sáp nhập bộ máy tồn tại tình trạng bước đầu nhiều người không “hoà” vào không khí chung, công việc có phần trì trệ, hiệu quả làm việc chưa cao, một số cán bộ dôi dư chậm được giải quyết chính sách...
Theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, giai đoạn 2022 - 2026 tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế 5% cán bộ, công chức và 10% viên chức gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Giai đoạn 2022 - 2026, tổng biên chế của hệ thống chính trị (không bao gồm Quân đội, Công an, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) là 2.234.720 người; trong đó 336.328 biên chế cán bộ, công chức, 1.680.677 viên chức hưởng lương ngân sách (trong số viên chức có 65.980 giáo viên bổ sung cho các địa phương). Ngoài ra, có 686 biên chế các hội quần chúng đặc thù được giao nhiệm vụ ở Trung ương, 205.571 cán bộ, công chức cấp xã, 1.358 biên chế công đoàn tạm giao ở địa phương. Cụ thể: Khối Quốc hội: 1.061 biên chế (787 cán bộ, công chức, 274 viên chức); các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp: 64.226 biên chế (55.945 công chức, 6.959 viên chức). Chính quyền địa phương được giao 1.908.882 biên chế, gồm 140.826 cán bộ, công chức và 1.562.485 viên chức. Khối Chính phủ có 210.830 biên chế (102.614 cán bộ, công chức và 107.530 viên chức); TAND tối cao có 15.237 biên chế; Viện KSNDTC có 15.860 biên chế, Kiểm toán Nhà nước có 2.109 biên chế; Văn phòng Chủ tịch nước có 90 biên chế. Ngoài ra, biên chế dự phòng giai đoạn này là 10.100 biên chế (1.700 công chức, 8.400 viên chức).
Để đạt được kết quả giảm 5% cán bộ, công chức và 10% viên chức, cả hệ thống chính trị phải quyết liệt thực hiện với quyết tâm cao và bằng các giải pháp căn cơ theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế cho các đối tượng như cán bộ, công chức bị kỉ luật, cán bộ, công chức khi sắp xếp 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 12.327 đơn vị hành chính cấp xã, người về hưu trước tuổi, cán bộ dôi dư, giảm cấp phó,…
Trong quá trình tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, điều quan trọng là phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bố trí con người đúng năng lực và vị trí việc làm, trọng dụng người tài, gắn với cải cách chính sách tiền lương, sử dụng hợp lí, hiệu quả nguồn nhân lực trong khu vực công, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc. Thực hiện giải pháp đồng bộ, không giảm một cách cơ học thuần tuý và cào bằng. Ví dụ: TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thu ngân sách chiếm 50% toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng 25% - 30%/năm nhưng biên chế bộ máy cũng chỉ tiêu như các huyện. Do đó, cần bố trí phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ, phù hợp xu hướng và yêu cầu phát triển.
Để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, vấn đề quan trọng là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Công nghệ thông tin đóng vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển các ứng dụng, dịch vụ, sản xuất kinh doanh, quản trị và các giải pháp dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi các hoạt động, quy trình dịch vụ, sản phẩm và thông tin. Chuyển đổi số thúc đẩy ứng dụng công nghệ số để tự động hoá, cải tiến các hoạt động chuyên nghiệp cao, kể cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng năng suất lao động, hiệu quả làm việc, góp phần giảm biên chế... nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở…