Tỉnh Bến Tre: Bảy lần xét xử một khu đất xéo... vẫn không xong?
Pháp luật - Bạn đọc 13/04/2020 10:54
Một là, cả 2 cấp Toà án sơ và phúc thẩm đều dựa vào “Tờ di chúc” không hợp pháp để làm chứng cứ thụ lí vụ án rồi đưa ra xét xử là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vì chữ viết trong tờ chúc thư ngày 13/7/1988, do chính tay ông Huê (nguyên đơn) viết ra. Ý chí, nguyện vọng để lại tài sản trong tờ chúc thư này liệu có phải chính là ý chí và nguyện vọng của ông Huê? Căn cứ nào để khẳng định bản di chúc đó là ý chí của cụ Nguyễn Thị Hương (mẹ kế ông Huê)? Đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong khi viết, lập di chúc.
Hai là, ông Huê cho rằng, khi cụ Hương nhờ ông viết xong chúc thư, ông có yêu cầu cụ Hương kí vào bản chúc thư và yêu cầu UBND phường 5, TP Bến Tre kí xác nhận chữ kí của cụ Hương. Điều đó hoàn toàn trái sự thật! Bởi lẽ, tại thời điểm 1988, cụ Hương đã ngoài 76 tuổi, ốm đau nằm một chỗ và không còn minh mẫn. Di chúc này có nội dung trái với điểm a, Khoản 1, Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005. Mặt khác, chữ kí của cụ Hương trong bản chúc thư là chữ kí giả. Vì theo bản Kết luận Giám định Khoa học hình sự số 67/2010/GĐTL ngày 20/8/2010 của Phòng Kĩ thuật hình sự, Công an tỉnh Bến Tre và bản Kết luận Giám định Khoa học hình sự của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an số 1710/C54B ngày 23/9/2010, kết luận không đủ căn cứ để kết luận chữ kí của cụ Hương kí trong tờ di chúc. Vậy, 2 cấp toà sơ và phúc thẩm dựa vào căn cứ nào để cho đó là “Tờ di chúc” hợp pháp? Thêm vào đó, người kí xác nhận chữ kí của bà Hương trong tờ di chúc là ông Huỳnh Anh Hùng, Phó chủ tịch UBND phường 5 (thời điểm đó) là họ hàng của ông Huê có bảo đảm khách quan?
Ba là, tại thời điểm lập di chúc, cụ Hương không phải là chủ sở hữu số tài sản nhà và đất này. Nếu cụ Hương lập di chúc là trái với điểm đ, Điều 653, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về di sản để lại và Điều 634, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định di sản phải là tài sản riêng mới có quyền lập di chúc.
Bốn là, tại thời điểm lập di chúc, cụ Hương chưa đứng tên quyền sở hữu tài sản mà chỉ đứng tên đại diện chủ hộ trong gia đình. Đất đai để lại là đất nông nghiệp Nhà nước khoán cho hộ gia đình quản lí sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm đó. Không phải là di sản thừa kế như quy định của pháp luật về đất đai hiện nay.
Khu đất tranh chấp có nhiều ngôi mộ |
Năm là, trước các phiên toà sơ thẩm xét xử công khai. Vị đại diện Viện KSND tỉnh Bến Tre hỏi phía nguyên đơn về đối tượng khởi kiện thì được trả lời việc nguyên đơn khởi kiện là yêu cầu cơ quan Toà án chia di sản thừa kế của cụ Lương Văn Hai và cụ bà Lý Thị Lê chết để lại và chia thừa kế theo di chúc của cụ Nguyễn Thị Hương để lại (bao gồm thửa đất số 01 và thửa số 180). Viện KSND tỉnh Bến Tre trả lời, với các yêu cầu này thì không còn thời hiệu khởi kiện, vì cụ Lê đã chết năm 1948, và cụ Hai chết năm 1961. Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, thời hiệu khời kiện yêu cầu cơ quan Toà án phân chia di sản thừa kế là 10 năm. Theo Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Toà án chia thừa kế là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản cũng đều đã hết thời hiệu. Tuy nhiên, vấn đề này không được 2 cấp toà xem xét.
Sáu là, khi đã biết phía nguyên đơn đã hết thời hiệu khởi kiện, Toà sơ thẩm lại vin vào vụ án có “yếu tố nước ngoài”, vì ông Lương Thanh Đăng, con trai chung của cụ Hương và cụ Hai hiện đang định cư ở Mỹ. Tuy nhiên, ông Đăng không có đơn khởi kiện độc lập và cũng không có ý kiến gì trong vụ tranh chấp tài sản thừa kế này. Thế nhưng, tòa sơ thẩm cho rằng, ông Đăng có một số ý kiến, cho đó là “đơn khởi kiện” của ông Đăng(!?) Đây là một hành vi “quy đổi” và “quy nạp” hết sức phi lí của những người “cầm cân nảy mực”. Theo đó mà cả 3 lần xét xử sơ thẩm Hội đồng xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Bến Tre đều xác định theo “cảm tính” rằng, vụ án dân sự này có “yếu tố nước ngoài” tham gia để áp dụng Nghị quyết 1037 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 1/9/2006 quy định: “Thời gian từ 1/7/1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự là nhà ở được xác lập trước ngay 1/7/1991 có người Việt Nam định cư nước ngoài tham gia”. Do đó, các trường hợp tranh chấp về nhà ở có thời điểm mở thừa kế trước ngày 10/9/1990 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì đến ngày 10/11/2010 là đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Ông Đăng định cư ở Mỹ, mãi tới ngày 9/4/2019, mới có “Đơn khởi kiện độc lập” yêu cầu Toà án phân chia di sản là tài sản thừa kế thì thời hạn khởi kiện đã hết từ lâu! Vậy mà Thẩm phán Phạm Văn Ngọt, Chủ toạ phiên toà sơ thẩm của TAND tỉnh Bến Tre lại cho rằng, năm 2008, ông Đăng đã có lời tự khai nên lấy đó làm đơn khởi kiện của ông Đăng. Hành vi này của ông Ngọt có dấu hiệu vi phạm Khoản 1, Điều 146 và Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Bảy là, trong tổng diện tích đất vợ chồng chủ đất là cụ Qưới, cụ Năm bán cho cụ Hai và cụ Lê thể hiện trên giấy tờ là 9.600m2. Nhưng trên thực tế, thời gian trước khi bán đất, cụ Qưới, cụ Năm đã cho cụ Lê Thị Thạnh (hàng xóm) thuê 5.000m2 để trồng rau bán và làm nhà cây ở đậu. Sau khi cụ Thạnh chết, con gái cụ là bà Nguyễn Thị Đồng quản lí sử dụng. Bà Đồng lại chia cho 2 người con trai là: Châu Văn Sanh: 3.000m2 và Châu Văn Bình: 2.000m2. Đến năm 1979, ông Sanh đi định cư ở nước ngoài, 3.000m2 đất ruộng bị bỏ hoang. Thấy vậy, vợ chồng ông Tâm, bà Mai trực tiếp quản lí sử dụng từ 1979 đến nay là 41 năm, không xảy ra tranh chấp với bất kì cá nhân, tổ chức nào. Điều đáng nói là cùng chung trong phần diện tích 5.000m2 đất ruộng cụ Thạnh thuê của cụ Qưới, cụ Năm rồi chia cho 2 người cháu ngoại. Với 2.000m2 ông Châu Văn Bình quản lí sử dụng thì được UBND tỉnh Bến Tre cấp sổ đỏ, với lí do là đất đã được sử dụng ổn định lâu dài. Còn 3.000m2 đất ruộng của ông Sanh đi nước ngoai bỏ hoang, vợ chồng ông Tâm, bà Mai quản lí sử dụng liên tiếp suốt 41 năm nay thì chính quyền địa phương và hai cấp Toà án lại đem nhập chung vào diện tích 4.600m2 đất có căn nhà của gia đình bà Mai, ông Tâm đang ở để chia thừa kế cho cha con ông Huê. Lẽ nào những người chiếm đất như ông Bình thì được cấp sổ đỏ, còn những người ở hàng thừa kế thứ nhất như bà Mai thì lại trắng tay? Vấn đề 3.000m2 đất hoang, ông Tâm, bà Mai cải tạo, quản lí sản xuất đã được Chánh án TAND Tối cao kí kháng nghị Giám đốc thẩm và trong nội dung bản án Giám đốc thẩm đã nhắc nhở toà cấp dưới nhiều lần, nhưng cấp sơ thẩm vẫn không đưa ra xem xét.
Tám là, trong nội dung Kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bến Tre số 03/QĐKNPT-P9 ngày 11/1/2016, khẳng định: “Theo nội dung bản án dân sự sơ thẩm số: 12/2015/DS-ST của TAND tỉnh Bến Tre nhận định thì phần đất tranh chấp có các ngôi nhà của cụ Hai, cụ Hương để lại. Phía nguyên đơn (ông Huê và các con) không yêu cầu chia thừa kế (trang 18 của bản án). Như đã viện dẫn trên thì Nghị quyết 1037 chỉ áp dụng đối với các tranh chấp về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 1/7/1991, có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Nay các nguyên đơn không tranh chấp phần nhà trên đất, tức là không có đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 1037. Vì vậy, Toà sơ thẩm TAND tỉnh Bến Tre đem chia thừa kế toàn bộ phần đất thuộc các thửa 1, 2, 3 và 180 là cố ý làm trái với nội dung Nghị quyết 1037. Mặt khác, trên đất có các ngôi mộ của cụ Hai, cụ Lê, cụ Hương... Toà sơ thẩm giao toàn bộ đất có các ngôi mộ cho các nguyên đơn, nhưng không giải quyết lối ra vào, cũng như quyền thăm viếng, tảo mộ của các bên là không đúng với các quy định của pháp luật, thiếu khách quan, toàn diện”. Tại Kháng nghị này, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bến Tre cũng đề nghị Toà cấp trên nên huỷ bỏ các bản án sơ thẩm và xét xử theo hướng: Đình chỉ giải quyết việc khởi kiện của các nguyên đơn đòi chia thừa kế, vì đã hết thời hiệu khởi kiện.
Với những dấu hiệu sai phạm nêu trên tại các bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bến Tre và nỗi bức xúc của hàng chục con người sống chung trong một đại gia đình (vụ kiện kéo dài 11 năm, hiện bà Mai lâm bệnh đã qua đời, ông Tâm vì quá uất ức, nhiều lần đòi tự tử), Tạp chí Người cao tuổi đề nghị TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao nhanh chóng xem xét kháng nghị Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2019/DS-ST ngày 1/10/2019 của TAND tỉnh Bến Tre và Bản án dân sự phúc thẩm số 55/2020/DS-PT ngày 28/2/2020 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Đồng thời đình chỉ việc khởi kiện phân chia tài sản thừa kế vì thời hiệu đã hết, theo như nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bến Tre.