Thương binh Hoàng Văn Phong vượt khó làm giàu…
Tuổi cao gương sáng 02/08/2023 17:38
Đó là những chia sẻ gan ruột của thương binh Hoàng Văn Phong, hội viên NCT làm kinh tế giỏi huyện Chi Lăng tại Hội nghị biểu dương NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2018-2023.
Thương binh cao tuổi Hoàng Văn Phong |
Cách đây hơn chục năm, trong chuyến công tác đến huyện Chi Lăng, tôi đã được Hội CCB huyện giới thiệu đi thăm mô hình hội viên CCB mẫu mực, làm kinh tế giỏi của ông Phong. Khi ấy, ông Phong đã vượt lên thương tật và những khó khăn của bản thân, gia đình để vừa nuôi vợ học đại học, vừa thực hiện mô hình trồng na trên núi đá, vốn là sản phẩm đặc sắc của Lạng Sơn. Học tập từ những mô hình thành công ở địa phương và bạn bè, đồng đội, ông đã tranh thủ vùng thung lũng, đưa hệ thống ròng rọc chạy từ đỉnh núi xuống chân núi để vận chuyển phân bón, vật tư sản xuất lên núi và đưa sản phẩm thu được từ trên núi về nhà, giải phóng sức lao động, giảm được bao nhiêu công sức vận chuyển nặng nhọc, vất vả.
Ông Hoàng Văn Phong (giữa) chia sẻ kinh nghiệm làm giàu từ VAC |
Lần này, ông Hoàng Việt Dũng, Trưởng BĐD Hội NCT huyện dẫn tôi vào thăm mô hình mới của vợ chồng ông Phong, ở rất xa nơi ở, song lại rộng mênh mông và phong phú loại hình như trồng keo lấy gỗ, trồng cây ăn quả, nuôi cá lồng trên hồ thủy điện... Để vào được trang trại mênh mông của thương binh mất 31% sức khỏe Hoàng Văn Phong, chúng tôi phải đi xuồng máy, vượt qua hồ Cấm Sơn đến tận vùng giáp ranh tỉnh Bắc Giang…
Ông Phong sinh ra, lớn lên ở xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng, hiện cư trú tại thị trấn huyện; từng tham gia Quân đội và bị thương năm 1979 trong một trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Gia đình có 6 nhân khẩu, trong đó, nhân lực lao động chủ chốt trong nhà là hai vợ chồng ông, mặc dù ông bà đều đã đã nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước.
Mô hình nuôi cá lồng cho thu nhập cao của gia đình ông Hoàng Văn Phong |
Ông Phong tâm sự: Là một công dân, hội viên Hội NCT, bản thân tôi với tâm ý, tinh thần luôn xác định, còn sức khỏe là còn tiếp tục gắng sức, làm những việc có ích cho gia đình và quê hương, thôn làng, khu phố. Vừa là thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình, vừa tạo điểm tựa vững vàng để cho các con, cháu yên tâm học tập, lao động, tham gia công tác xã hội. Lấy ngắn nuôi dài, từ vườn na trên núi đá năm xưa, ông đã chuyển dịch dần vào khu vực rừng và hồ Cấm Sơn, tập trung nguồn lực và công sức, đầu tư mở rộng diện tích, phát triển kinh tế nhằm không ngừng nâng cao nguồn thu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân và gia đình.
Từ năm 2005, gia đình ông được Nhà nước giao cho 15ha rừng với thời hạn sử dụng 50 năm. Từ nguồn đất đó, ông bàn với vợ con tập trung trồng rừng, trồng bạch đàn và các loại cây ăn quả như vải thiều, chuối, bưởi, bơ, mít, dứa... Ông luôn tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi kĩ thuật nuôi trồng thông qua những người hàng xóm, đồng đội, sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao kiến thức hiểu biết về rừng và chăn nuôi, thủy sản. Đồng thời, qua nghiên cứu, tham khảo, học hỏi, nắm chắc thời vụ, thời tiết, khí hậu để gieo trồng, chăm sóc rừng cây, đàn gà, lồng cá hợp lí. Đảm bảo các loại cây, con giống, vật nuôi không bị dịch bệnh, rừng cây không bị gẫy đổ do gió bão, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập…
Vợ chồng ông Hoàng Văn Phong dẫn khách thăm mô hình vườn rừng cho thu nhập cao |
Trải qua hơn 17 năm canh tác, mảnh đất 15ha được quy hoạch, phân chia khoa học thành 4 khu rừng, mỗi khu từ 3ha đến 4ha để chăm sóc, khai thác luân phiên, phù hợp với nhân lực của gia đình, đảm bảo không hụt hẫng nguồn thu nhập. Do vậy, chỉ tính riêng bạch đàn, mỗi năm, ông khai thác, chặt bán từ 3 đến 4ha, thu 400 triệu đồng đến 450 triệu đồng/năm; trừ chi phí đầu tư phân bón, nhân công chăm sóc, tiền lãi hằng năm từ rừng bạch đàn cũng đạt 300 triệu đồng. Đối với 4 lồng cá, nuôi trên khoảng 80m2, hằng năm thu từ 800kg đến một tấn cá bán ra thị trường, thu được 40 triệu đến 50 triệu đồng; trừ chi phí giống vốn, công sức chăm nuôi, còn khoảng 25 triệu đến 30 triệu đồng. Đàn gà nuôi thả trên đồi rừng, gà đẻ trứng, mỗi năm thu nhập cũng chừng hơn chục triệu đồng.
Như vậy, trong một năm, mô hình vườn, ao, chuồng của gia đình ông Phong thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Ngoài sự nỗ lực của các thành viên trong gia đình, vợ chồng ông còn tạo điều kiện cho từ 5 đến 7 người cùng hàng xóm đến chăm sóc, khai thác cây, rừng theo thời vụ, góp phần giúp nhau có thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình, nâng cao đời sống cho mọi người trong cộng đồng. Ngoài ra, tại thị trấn, ông bà còn có cửa hành kinh doanh thuốc tân dược, góp phần tăng thu nhập và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng…
Vợ chồng ông Hoàng Văn Phong dẫn khách thăm mô hình vườn rừng cho thu nhập cao |
Tôi hỏi: Tại sao ông bà lại vào tận sâu trong núi để làm kinh tế? Bà Vi Thị Hằng, 61 tuổi, dân tộc Tày, vợ ông Phong đon đả: Chúng tôi xuất thân từ nông thôn, gắn bó với ruộng vườn, với rừng từ khi còn nhỏ nên rất yêu rừng. Chúng tôi mong muốn từ bàn tay, khối óc của mình, làm giàu thêm cho rừng, cho quê hương, đất nước.
Ông Hoàng Việt Dũng cho biết: Vợ chồng ông Hoàng Văn Phong không chỉ là hội viên hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp ủng hộ các loại quỹ do Hội và địa phương phát động, góp phần cùng Hội NCT huyện và cơ sở làm tốt công tác thiện nguyện, động viên NCT nghèo, cô đơn không nơi nương tựa, NCT hoàn cảnh khó khăn; tạo thêm niềm vui, niềm tin của NCT ở khắp các thôn làng, khu phố...