Những người cao tuổi đi đầu trong phát triển kinh tế ở Yên Than
Tuổi cao gương sáng 25/09/2024 11:43
Hiện ông Bùi Văn Tuấn đang thử nghiệm nuôi con dúi, bước đầu đã có kết quả tốt. |
Ngày nay, công việc chăn nuôi gà Tiên Yên đã trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện. Năm 2023, tổng đàn gà Tiên Yên có trên 1,2 triệu con, trong đó Yên Than là một trong các xã nuôi nhiều gà. Thực hiện chủ trương của huyện, năm 2016, ông Bùi Văn Tuấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Tâm, xã Yên Than bắt đầu nuôi gà theo hướng phát triển hàng hóa; và là người đầu tiên ở xã Yên Than nuôi gà theo hướng này. Ban đầu, gia đình ông Tuấn được huyện hỗ trợ để phát triển đàn gà theo hướng trang trại. Nhận thấy nuôi gà theo mô hình trên đem lại lợi ích kinh tế cao, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi gà. Đến nay, đàn gà gia đình ông Tuấn thường xuyên có khoảng 2.000 con, hằng năm gia đình ông xuất bán từ 3.000 đến 5.000 con gà.
Nhiều người thấy ông Tuấn ăn nên làm ra từ nuôi gà đã đến học hỏi, ai đến cũng được ông chỉ bảo nhiệt tình. Hiện nay ở thôn Đồng Tâm có 13 hộ nuôi gà theo hướng gia trại, trung bình 3.000 con/hộ. Được ông Tuấn động viên, tận tình chỉ bảo, hướng dẫn, gia đình anh Triệu Tài Tình, dân tộc Dao, hộ nghèo ở thôn Đồng Tâm đã mạnh dạn chăn nuôi gà. Đến nay, gia đình anh Tình thoát nghèo và trở thành hộ khá, hằng năm gia đình anh xuất bán khoảng 4.000 con gà.
Ông Chìu Quay Sồi chăm sóc cây giống. |
Còn ông Chìu Quay Sồi, dân tộc Dao, 67 tuổi, ở thôn Đồng Và, xã Yên Than làm nghề ươm giống cây để cung cấp cho các hộ trồng rừng trên địa bàn. Ông Sồi vẫn có một trang trại hơn 4.000m2 ở thôn Đồng Và, mỗi năm xuất bán khoảng 1 triệu cây giống gồm các giống cây keo, thông mã vĩ, ba kích. Cây giống của ông nhiều, nhưng rất uy tín, bà con mua giống cây của ông về trồng đều cho năng suất cao, vậy là họ bảo nhau cùng mua.
Ông Sồi làm việc không quá đề cao lợi nhuận, mà ông quan tâm đến nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, cho họ vốn, vay cây giống để trồng rừng không tính lãi. Ông cho biết, làm như vậy vì ông muốn có nhiều người tham gia trồng rừng, để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Ông Sồi là người dân tộc thiểu số đầu tiên ở các huyện miền Đông Quảng Ninh làm nghề ươm giống cây. Từ năm 1992, ông Sồi đã đến xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu và xã Hải Sơn, TP Móng Cái, mỗi nơi ông thuê 1.000m2 để ươm giống cây, cung cấp cho các hộ trồng rừng. Thời điểm đó, các xã này đều rất nghèo, nên hầu như ông đều bán chịu cho bà con, trong khi bản thân ông vẫn phải vay vốn ngân hàng. Ông Sồi là người ham học hỏi, tra cứu các tài liệu về kĩ thuật ươm giống cây trồng, phục vụ cho mình và giúp bà con phát triển tốt việc trồng rừng.