Thanh toán không dùng tiền mặt
Trong mắt người già 21/01/2022 11:28
Một nền kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững rất hạn chế dùng tiền mặt trong thanh toán, tạo thành thói quen của người dân. Muốn vậy, Nhà nước phải có quyết sách để tạo động lực, ngành ngân hàng phải là nòng cốt, quyết liệt triển khai. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”, hi vọng sẽ có sự chuyển biến trong lĩnh vực này.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt |
Mục tiêu là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân, trước hết ở khu vực đô thị, tiếp đến ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa là giải pháp quan trọng giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Theo chủ trương của Chính phủ, đến năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 25%, từ 80% người dân 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán, tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm để bảo đảm tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thánh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm, qua kênh Internet 35-40%/năm…
Để đạt mục tiêu đó, Nhà nước phải hoàn thiện hành lang pháp lí và cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm thuận tiện cho mọi tổ chức, cá nhân không dùng tiền mặt trong mọi giao dịch thanh toán.