Thanh Hóa: Cần xử lý dứt điểm cơ sở nghiền dăm gỗ trái phép trên địa bàn huyện Như Thanh
Pháp luật - Bạn đọc 06/01/2020 14:59
Ngày 2/1/2020, phóng viên (PV) có mặt tại cơ sở này chứng kiến dàn máy nghiền dăm gỗ hoạt động với công suất lớn, khi gỗ được đưa vào máy nghiền thì phần dăm gỗ được trực tiếp chuyển thẳng lên ô tô tải để chuyển đến nơi tiêu thụ.
Trước đó ngày 12/3/2019, UBND xã Xuân Khang, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã có văn bản kiểm tra về việc san lấp đất của hộ gia đình ông Vũ Đăng Bắc Giám đốc Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát. Biên bản kết luận việc san lấp đất để lắp đặt máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh là hoàn toàn sai mục đích, do vậy tổ công tác của UBND xã Xuân Khang yêu cầu ông Vũ Đăng Bắc dừng ngay việc san lấp, trả lại mặt bằng như hiện trạng.
Đến ngày 15/3/2019 UBND xã Xuân Khang đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Vũ Đăng Bắc về hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trái phép được quy định tại Khoản a, Mục 2, Điều 8 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử lý hành chính trong lĩnh vực đất đai và đồng thời ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính một triệu đồng đối với ông Vũ Đăng Bắc. Tuy nhiên, việc lập biên bản và xử lý hành chính có hiệu lực nhưng ông Bắc vẫn không thực hiện, ông Bắc vẫn tiến hành san lấp và đưa máy móc về lắp đặt trên phần đất trái phép này.
Trước tình hình trên, ngày 5/4/2019 tại xã Xuân Khang đã có buổi làm việc thành phần gồm: Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Như Thanh, lãnh đạo xã Xuân Khang và ông Vũ Đăng Bắc Giám đốc Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát. Qua kiểm tra và lập biên bản tại buổi làm việc cho thấy, hiện trạng sử dụng đất của Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát gồm: một khu nhà ở diện tích 100 m2; một khu nhà xưởng chế biến lâm sản lợp tôn 400 m2; một bàn cân điện tử 40 tấn, lắp năm 2016. Do đất của hộ gia đình chưa làm thủ tục chuyển đổi thành đất kinh doanh, doanh nghiệp tự ý lắp dặt trậm điện biến áp, lắp đặt máy móc nghiền dăm gỗ... vì vậy phía phòng, ban và chính quyền sở tại yêu cầu công ty thực hiện hoàn thành các thủ tục pháp lý và yêu cầu hoàn trả hiện trạng đất như ban đầu.
Mặc dù đã có văn bản xử phạt, kiểm tra yêu cầu công ty ngưng hoạt động khi chưa đủ các thủ tục để hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát vẫn không thực hiện. Đến sáng ngày 2/1/2020, theo ghi nhận của PV nhà xưởng vẫn hoạt động bình thường. Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát còn lắp đặt thêm dây chuyển băm dăm gỗ hoạt đông một cách ngang nhiên nhưng về phía chính quyền không có động thái can thiệp tích cực.
Trao đổi vấn đề này, ông Đinh Xuân Hướng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: Hiện nay chúng tôi đang cho các phòng chức năng kiểm tra nếu xét thấy các đơn vị doanh nghiệp có đủ thủ tục thì tạo điều kiện cho họ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên các doanh nghiệp chưa đủ các thủ tục giấy phép hoạt động chui thì sẽ chỉ đạo xử lý, tránh việc tranh mua, tranh bán nguyên liệu gỗ trên địa bàn huyện.
Để quản lý hoạt động sản xuất gỗ dăm đúng pháp luật, ngay từ đầu năm 2015 Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 2775/BNN-CB chỉ đạo rõ là đối với địa phương thuộc các vùng Tây Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, và Đồng Bằng sông Cửu Long phải xem xét thẩm định theo hướng không phê duyệt các dự án mới về xây dựng cơ sở sản xuất dăm gỗ xuất khẩu theo Khoản 1, Mục III, Điều 1 Quyết định số 5115/QĐ-BNN-TCLN ngày 1/12/2014 của Bộ NN&PTNT.
Trên cơ sở đó, từ cuối tháng 1/2016, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 797 yêu cầu Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở TNMT, Sở NN&PTNT, Cục thuế, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh, căn cứ quy định của pháp luật, giấy phép đầu tư, thủ tục đất đai, môi trường, nội dung dự án đầu tư, xử lý nghiêm các cơ sở có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Bộ NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo, đồng thời UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có văn bản yêu cầu các sở và địa phương kiểm tra các hoạt động của các cơ sở nghiền dăm không đủ thủ tục phải có biện pháp xử lý. Trong khi có các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở, Ban ngành cấp tỉnh rất cụ thể thì phía địa phương vẫn để xảy ra tình trạng hoạt động băm dăm trái phép như ở xã Xuân Khang huyện Như Thanh.
Điều đáng quan tâm là các đơn vị doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dăm gỗ được cấp phép hiện nay lại đang bị các cơ sở hoạt động trái phép o ép, kéo bàn cân đi nhiều nơi tranh mua nguyên liệu gỗ làm ảnh hương đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được cấp phép. Các đơn vị hoạt động băm dăm trái phép này không những làm mất cân đối nguyên liệu trong vùng mà còn gây thất thoát nguồn thuế của nhà nước và cũng như việc gây mất trật tự trên địa bàn...
Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa kịp thời chỉ đạo UBND huyện Như Thanh kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng các đơn vị băm dăm gỗ trái phép vẫn đang hoạt động ngang nhiên trên địa bàn.