TAND Cấp cao tại Hà Nội đang xem xét lại vụ “tranh chấp quyền sử dụng đất” theo quy định
Pháp luật - Bạn đọc 22/03/2023 08:53
Ông Lê Bá Lương cho rằng, về nội dung và đối tượng khởi kiện, các cấp toà ở tỉnh Cao Bằng xác định đây là quan hệ về “tranh chấp đòi lại tài sản QSDĐ khu Háng Quang do bị mua bán, lấn chiếm trái pháp luật” là chưa đúng. Vì đây không phải là tài sản của ông Bế Kim Trung, sinh năm 1947, trú tại số 72, khu 7, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Qua thẩm tra xác minh của chính quyền và các ngành chức năng: Từ năm 1960 về trước thửa đất 350 khu Háng Quang do ông Bế Văn Pảo (Bế Pảo) và bà Nông Thị Kiều (ông bà nội của ông Bế Xuân Anh) quản lí sử dụng. Con cả của ông Bế Pảo là bố đẻ của ông Bế Xuân Anh, mẹ ông Anh mất sớm, bố đi bộ đội lúc ông Anh mới 2 tuổi (năm 1946) rồi lấy vợ ở Tuyên Quang không về quê, ông Anh sống với ông bà nội.
Ông Lê Bá Lương và đại diện các hộ gia đình ở khu đất bị tranh chấp đang trao đổi với Luật sư. |
Đến năm 1960, ông Bế Pảo góp đất vào HTX - thửa đất 350, tờ bản đồ 76 thuộc quyền sử dụng của HTX. Khi HTX giải thể, UBND tỉnh Cao Bằng có Quyết định số: 633/QĐ-UBND ngày 23/12/1986 giao đất này cho Xí nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) Hòa An, thuộc Sở Xây dựng Cao Bằng quản lí; Sau đó, Xí nghiệp VLXD Hòa An giải thể, UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục ban hành Quyết định số: 300/QĐ-UB ngày 5/9/1992 giao đất cho UBND xã Đức Long quản lí. Việc UBND xã Đức Long căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp của địa phương và hoàn cảnh khó khăn của ông Bế Xuân Anh quyết định giao đất nông nghiệp cho ông Anh theo quy định tại Điều 6 - Nghị định 64/1993/NĐ-CP về đối tượng giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài, là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương, người trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng và lo mai táng cho ông nội Bế Pảo mất năm 1966 và bà nội Nông Thị Kiều mất năm 1972… thì ông Bế Xuân Anh sử dụng là đất có nguồn gốc do Nhà nước giao. UBND xã Đức Long không trả lại đất cho ông Bế Pảo. Ông Bế Pảo cũng không có quyền sử dụng thửa đất công này như Khoản 1, Điều 4, Nghị định 181/2004/NĐ-CP quy định - Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15/10/1993.
Theo quy định của pháp luật, đây là đất thuộc quyền sử dụng của ông Bế Xuân Anh và đã được chuyển nhượng cho ông Lê Bá Lương có xác nhận của UBND xã Đức Long. Căn cứ vào hồ sơ đăng kí kê khai đất đai năm 2012, hồ sơ kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của ông Lương cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã và đang sử dụng ổn định; đã kê khai đăng kí QSDĐ, được đăng kí trong sổ mục kê, tờ bản đồ địa chính. Do đó, đất này không thuộc quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt của ông Bế Kim Trung và cũng không phải tài sản của ông Bế Pảo. Đáng chú ý là trong suốt thời gian từ năm 1990 đến năm 1998, khu đất Háng Quang có nhiều biến đổi: Ông Anh đứng ra nhận đất khu Háng Quang để sử dụng; Xí nghiệp VLXD Hòa An làm thủ tục đền bù hoa màu cho gia đình ông Anh; ông Anh chuyển nhượng đất cho ông Lương; xã Đức Long triển khai thủ tục đăng kí kê khai ruộng đất để tiến hành đo đạc bản đồ địa chính, làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình… tất cả đều do ông Anh đứng tên chủ sử dụng và giải quyết. Ông Trung không đứng tên, không đăng kí kê khai đất khu Háng Quang và trong suốt thời gian đó không có ai thắc mắc, khiếu nại gì, kể cả ông Trung. Vậy tại sao lại xảy ra tranh chấp?
Khu đất đang tranh chấp. |
Trao đổi với phóng viên, ông Lương cho biết: Ông mua thửa đất 350, tờ bản đồ 76 là mua của cả hai vợ chồng ông Anh, không liên quan gì đến ông Trung. Tuy nhiên, khi giải quyết Tòa lại không triệu tập mời bà Sầm Thị Nặt (vợ ông Anh) đến để làm rõ việc chuyển nhượng và có hay không chia thừa kế. Dẫn đến bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ quan trọng có thể làm thay đổi bản chất của vụ án. Hơn nữa, TAND huyện Hòa An và TAND tỉnh Cao Bằng xác định sai đối tượng và nội dung khởi kiện nên đã nhận định: “Năm 1998, ông Bế Kim Trung thực hiện quyền của mình đã đi kê khai cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất 350, tờ bản đồ 76 là trong thời hạn luật định, nên xác định thời hiệu khởi kiện vụ án là còn thời hiệu khởi kiện”. Năm 1998, ông Trung không kê khai đề nghị cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất 350 (tài liệu này hiện đang lưu trữ tại UBND huyện Hòa An). Điều này phù hợp với xác nhận của ông Trung Cao Cần, nguyên cán bộ địa chính xã Đức Long giai đoạn 1992-1999 là: Tổng hợp theo danh sách xóm đưa lên, không có đơn tranh chấp đất của ông Bế Kim Trung. Và cũng trùng với nội dung xác nhận của ông Nguyễn Văn Thuấn, nguyên Trưởng xóm Nà Coóc giai đoạn 1997 - 1999: “Không nhận được đơn thư nào của ông Bế Kim Trung (Phảng) về tranh chấp đất đai”.
Tại Biên bản làm việc ngày 31/10/2016, ông Bế Kim Trung khai: “Tôi có đưa đơn vào xã năm 2000, sau đó xóm hòa giải không thành và chuyển hồ sơ lên huyện giải quyết”. Lời khai này đồng nghĩa với việc năm 1998 - 2000, ông Trung không khởi kiện ra Tòa tranh chấp thừa kế; UBND huyện Hòa An và Cục I, Thanh tra Chính phủ cũng đã xác minh làm rõ; việc ông Trung không khởi kiện còn thể hiện trong các quyết định của UBND tỉnh Cao Bằng ban hành, đều hướng dẫn ông Trung khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền về tranh chấp đất đai.
Như vậy, từ năm 2020 trở đi, ông Trung mới khởi kiện nên mới có 2 Bản án sơ thẩm số 02/2022/DS-ST ngày 21/4/2022 của TAND huyện Hòa An và phúc thẩm số 38/2022/DS-PT ngày 14/9/2022 của TAND tỉnh Cao Bằng.
Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “TAND huyện Hòa An và TAND tỉnh Cao Bằng đã không căn cứ vào chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và quy định của pháp luật cho rằng ông Trung đã khởi kiện ra tòa về chia thừa kế. Vậy tại sao Tòa không đưa ra được bản án ông Trung đã khởi kiện? Và ông Trung khởi kiện ở Tòa án nào, bản án số bao nhiêu? Trên thực tế ngày 18/10/2020, ông Trung mới có đơn khởi kiện “Tranh chấp đòi lại tài sản QSDĐ khu Háng Quang do bị mua bán, lấn chiếm trái pháp luật”, chứ không phải yêu cầu chia thừa kế. Theo Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định tại Điều 36 - Thời hiệu khởi kiện về thừa kế và Nghị quyết 02/1990/NQ-HĐTPTATC của TAND Tối cao hướng dẫn tại Mục 10, điểm b: “Đối với những việc thừa kế đã mở trước ngày 10/9/1990, thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Sau ngày 10/9/2000, đương sự không có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác”. Có thể thấy, tính đến thời điểm khởi kiện từ năm 1990 đến 2020 của ông Trung đã 30 năm, do đó thời hiệu khởi kiện thừa kế của ông Trung đã hết.
Luật sư Tấn đặt câu hỏi: Tại sao Tòa lại căn cứ vào tài liệu “Giấy xác nhận nhượng ruộng đất của bà Nâm ngày 15/04/1994” để ông Trung dựa vào đó cho rằng bà Đê (mẹ ông) chuộc lại đất, trong khi bà Nâm khẳng định “đây không phải chữ kí của bà và bà không biết, không viết giấy này?”. Hơn nữa, Giấy xác nhận ruộng đất được lập ngày 15/4/1994 không phải Biên bản họp chia thừa kế; Nếu chia thừa kế thì không đúng quy định, thiếu thành phần là hàng thừa kế thứ nhất, vì ông Bế Pảo có 8 người con, trong đó có những trường hợp hàng thừa kế thứ nhất đã chết nên phát sinh thừa kế thế vị theo luật định. Nội dung UBND xã Đức Long xác nhận “Đã làm giấy xác nhận ruộng đất tại thôn để làm căn cứ” vào ngày 19/4/1997 (sau 3 năm) thì rõ ràng, UBND xã Đức Long không có mặt chứng kiến và lại càng không thể kí xác nhận chứng thực giấy này theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Tòa án tiếp tục bỏ qua, không triệu tập người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; Không đưa người thừa kế thế vị tham gia phiên tòa? Điều đó có thể dẫn tới nhận định thiếu khách quan, gây khó khăn, thậm chí không thể khắc phục được cho công tác xét xử ở giai đoạn sau.
Được biết, căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, ông Lê Bá Lương đã khiếu nại TAND Cấp cao tại Hà Nội theo thủ tục Giám đốc thẩm. Ngày 14/3/2023, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tiếp nhận đơn của ông Lương để xem xét lại Bản án dân sự phúc thẩm số 38/2022/DS-PT ngày 14/9/2022 của TAND tỉnh Cao Bằng.