Sách “chức năng”, thực phẩm “tham khảo”
Trong mắt người già 09/06/2022 09:35
Tuy nhiên, khi báo chí xôn xao vụ bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kê đơn thuốc với tiền thuốc chỉ 400 nghìn nhưng tiền thực phẩm chức năng “kèm theo” lại hết 4,8 triệu đồng, tôi chợt nghĩ giữa sách tham khảo cho học sinh và thực phẩm chức năng cho người bệnh có sự tương đồng.
Thị trường sách tham khảo nhiều năm qua nở rộ với vô vàn chủng loại, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông, lớp nào cũng có những cuốn sách tham khảo cho nhiều môn học, trọng tâm là Toán và Tiếng Việt. Dù chỉ là sách tham khảo nhưng nó lại có giá không rẻ và luôn đắt hơn cuốn sách chính thức.
Tuy là sách tham khảo nhưng chỉ cần được giáo viên “gợi ý” hoặc nhà trường cung ứng giúp đại lí thì đa số phụ huynh không thể tiếc tiền vì tương lai con em. Nhiều phụ huynh từng phàn nàn rằng, sách tham khảo mua về cả đống nhưng con em hầu như không đụng đến bởi bài vở thầy cô cho về hằng ngày làm đã đủ, chẳng còn thời gian để… “tham khảo”. Tại kì họp lần thứ 3 đang diễn ra có đại biểu Quốc hội đã cho rằng, sách tham khảo chỉ nên dùng cho giáo viên.
Cũng như vậy, thực phẩm chức năng tuy không có chức năng chữa bệnh nhưng khi được bác sĩ “chỉ định”, kê toa chẳng lẽ người ta lại tiếc tiền vì sức khỏe thân nhân của mình?
Từ lâu dư luận đã xầm xì rằng, các nhà thuốc quanh khu vực bệnh viện đều nắm vững bác sĩ phụ trách các khoa, nếu người bệnh mang đơn thuốc ra mua thì nhà thuốc luôn “biết ơn” người có chữ kí trong đơn với một khoản “hoa hồng”. Không biết thực hư thế nào nhưng tôi từng nhận được một hóa đơn mua thuốc hơn hai triệu đồng khi đưa người thân khám trái tuyến tại một bệnh viện lớn ở quận Ba Đình (Hà Nội). Theo thói quen khi mua thuốc về tôi thường tra trên mạng xem dược chất, tác dụng, hướng dẫn sử dụng… từng loại thuốc, khi đó mới biết là trong đơn 8 loại mua về thì có 2 loại là thuốc bổ và thực phẩm chức năng nhưng giá 2 loại này chiếm hơn ba phần tư số tiền trong hóa đơn. Kể từ đó, mỗi khi đưa người thân đi khám bệnh nếu được kê đơn tôi thường tra cứu trước khi mua thuốc để lược bớt những loại “không phải là thuốc” trong khi điều kiện kinh tế chưa cho phép.
Giáo viên gợi ý mua sách tham khảo hay bác sĩ quan tâm đưa thêm thực phẩm chức năng, thuốc bổ vào đơn thuốc… lẽ thường cũng là muốn tốt cho học sinh, tốt cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu đúng là giáo viên được hưởng phần trăm tiền phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo; bác sĩ được hưởng hoa hồng từ những đơn thuốc thì nó lại là chuyện hoàn toàn khác, đó là vấn đề nhân cách của những người được xã hội tôn trọng gọi là thầy.
Với phụ huynh học sinh có lẽ cũng nên coi sách tham khảo là một loại “sách chức năng” mà chức năng chính có khi chỉ là làm cho đầy đủ giá sách.
Còn với người bệnh cũng cần trở thành những “bệnh nhân thông thái” nhận diện đơn thuốc để biết đâu là “thuốc tham khảo” khi mà điều kiện kinh tế chưa thật khá giả.