Quan điểm của các luật sư về vụ ông Đinh Tiến Sử bị khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Hành vi của ông Sử chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm (Kì
Pháp luật - Bạn đọc 04/03/2020 09:37
Phóng viên: Xin các luật sư phân tích, chứng minh sâu về yếu tố không cấu thành thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của ông Đinh Tiến Sử, đối với MB và các nhà đầu tư thứ cấp?
Luật sư: Ls Đào Thanh Tuấn, Công ty Luật T&D, Đoàn luật sư Khánh Hòa và luật sư Lê Tuấn Khanh, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Cần Thơ: Muốn biết ông Đinh Tiến Sử và chủ đầu tư Bavico Nha Trang, Bavico Đà Lạt có thủ đoạn gian dối, trong việc bán căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp, khi các căn hộ đó đã thế chấp cho Ngân hàng Đầu tư CP Quân đội (MB) hay không, chúng ta phải căn cứ vào khối tài sản mà Công ty Bạch Việt đang có, cùng những tài sản đã được thế chấp cho ngân hàng. Dự án Bavico Nha Trang dựa trên Hợp đồng kinh tế số 1988/HĐKT/2013, về việc hợp tác đầu tư xây dựng, kinh doanh khách sạn Bavico Nha Trang, giữa Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Công ty Bạch Việt. Tương tự, Bavico Đà Lạt cũng dựa trên Hợp đồng nguyên tắc hợp tác đầu tư số 01/2014HĐNT-HTĐT ngày 16/7/2014, giữa Công ty Bạch Việt với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, Quân khu VII. Tài sản thế chấp tại MB cho 2 khoản vay 365 tỉ đồng, theo 2 hợp đồng tín dụng được kí giữa Công ty Bạch Việt và MB, đều được kí vào năm 2014. Với Bavico Nha Trang, được xây dựng trên thửa đất tại số 2 Ngô Quyền, phường Xương Huân, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, có diện tích 3.410m2, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB275427 cấp ngày 7/6/2005; thiết kế khách sạn với 207 phòng lưu trú, tổng diện tích sàn 31.143m2 và Bavico Đà Lạt được xây dựng trên thửa đất có diện tich 7.262m2, tại số 3 Lê Thị Hồng Gấm, phường 1, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2015, Bavico Nha Trang đã có sự thay đổi đáng kể. Công ty Bạch Việt được Tỉnh ủy Khánh Hòa, Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa “chấp thuận thay đổi mục tiêu dự án đầu tư Khách sạn Bavico, có thêm chức năng lưu trú, kinh doanh căn hộ du lịch hoặc cho thuê dài hạn và các dịch vụ phụ trợ”. Với sự chấp thuận này, lúc đầu khách sạn có 207 phòng, nay đã tăng lên 323 phòng; sàn xây dựng từ 31.143m2 lên 35.600m2, tăng 4.457m2. Số phòng, hay còn gọi là căn hộ condotel, cùng với diện tích mặt sàn tăng chính là của các nhà đầu tư thứ cấp. Ở Bavico Đà Lạt cũng tương tự.
Từ đó không thể nói, các căn hộ condotel đã được Công ty Bạch Việt thế chấp cho MB. Việc Công ty Bạch Việt kêu gọi đầu tư căn hộ condotel, được thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, quá trình thực hiện MB cũng biết rõ. Mặt khác, ngày 27/3/2017, khi Bavico Nha Trang và Bavico Đà Lạt đi vào hoạt động, chính MB đã tiến hành lập Biên bản định giá tài sản đảm bảo thế chấp, Hội đồng định giá của MB cũng đã xác định giá trị tài sản của Bavico Nha Trang là gần 396 tỉ đồng, gấp đôi giá trị tiền vay và Bavico Đà Lạt là 309 tỉ 282 triệu đồng, gấp gần hai lần tiền vay, cả của MB và các nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, số tiền mà Bavico được chứng nhận bởi Công ty CP Đầu tư và thẩm định quốc tế Đông Dương, do Bộ Tư lệnh Quân khu V, MB và Công ty Bạch Việt mời, chỉ riêng Bavico Nha Trang đã lên tới 1.041 tỉ 634 triệu đồng.
Như vậy, không thể nói ông Đinh Tiến Sử có hành vi chiếm đoạt tài sản của MB và các nhà đầu tư thứ cấp, để khép ông vào tội lừa đảo, một tội danh hết sức nặng nề cả về hành vi hình sự và đạo đức con người. Chúng tôi thấy, Báo Người cao tuổi đã phản ánh vụ việc một cách chi tiết, khách quan và có căn cứ pháp lí.
Luật sư Đào Thanh Tuấn, Công ty Luật T&D, Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa |
Các luật sư còn phân tích sâu: Theo Từ điển tiếng Việt: “Chiếm đoạt là hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản thuộc sở hữu của người khác thành tài sản của mình”. Các dấu hiệu pháp lí của hành vi chiếm đoạt bao gồm:
- Về mặt khách quan: Hành vi làm cho chủ tài sản (ngân hàng, nhà đầu tư thứ cấp), hoặc người quản lí hợp pháp mất khả năng thực tế thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản; hậu quả là tài sản của ngân hàng, nhà đầu tư thứ cấp bị thất thoát, gây thiệt hại cho ngân hàng, nhà đầu tư thứ cấp. Đối tượng tác động của hành vi chiếm đoạt là tài sản (khoản nợ, vốn đầu tư, lợi nhuận cam kết sau khi đã khấu trừ tài sản thế chấp, góp vốn đầu tư, bán căn hộ condotel). Nếu có hành vi chiếm đoạt của chủ đầu tư, thì hậu quả gây thiệt hại của hành vi đó phải là thiệt hại về tài sản của ngân hàng, nhà đầu tư thứ cấp.
- Về mặt chủ quan: Lỗi của người thực hiện hành vi chiếm đoạt là cố ý, tức là người phạm tội biết hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, nhưng vẫn thực hiện, với động cơ vụ lợi, nhằm mục đích chiếm đoạt được tài sản của ngân hàng, nhà đầu tư thứ cấp. Chủ đầu tư nhận thức và mong muốn sự không trả nợ, không hoàn trả vốn đầu tư, không thanh toán lợi nhuận đã cam kết sẽ xảy ra, muốn biến tài sản của ngân hàng, nhà đầu tư thứ cấp thành tài sản của mình; tước đoạt quyền sở hữu của ngân hàng, nhà đầu tư thứ cấp đối với khoản vay, khoản đầu tư, khoản tiền mua bán căn hộ condotel. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội, bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Vì vậy có thể nói, mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của hành vi cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Mối quan hệ giữa mặt khách quan và mặt chủ quan phải là mối quan hữu cơ, bởi hành vi, hậu quả là biểu hiện ra bên ngoài của ý thức chủ quan bên trong của người đó. Ý thức chủ quan (động cơ, mục đích) thúc đẩy người đó thực hiện hành vi. Vì vậy, hành vi chiếm đoạt phải do động cơ vụ lợi thúc đẩy, nhằm hướng đến mục đích chiếm đoạt được tài sản. Do đó, không thể có hành vi chiếm đoạt, khi không có mục đích chiếm đoạt. Vì thế, không thể kết luận hành vi chiếm đoạt khi không chứng minh được mục đích chiếm đoạt. Và, hành vi chiếm đoạt là phải do lỗi cố ý.
- Thời điểm hoàn thành của hành vi chiếm đoạt là thời điểm chủ đầu tư cố ý không trả nợ cho ngân hàng, không hoàn trả vốn đầu tư, không thanh toán lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp khi đã đến hạn, mà không có đủ tài sản để đảm bảo, không có tài sản để bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp, cố ý biến tài sản của ngân hàng, nhà đầu tư thứ cấp thành tài sản của mình; gây thiệt hại trên thực tế cho ngân hàng và nhà đầu tư thứ cấp.
Việc xây dựng căn hộ condotel của Công ty Bạch Việt là rõ ràng, minh bạch, đúng pháp luật, nên không có chuyện Công ty Bạch Việt và ông Đinh Tiến Sử lấy căn hộ condotel đã thế chấp MB, để bán cho nhiều người khác. Vì thế, xét theo quy định của pháp luật, Tổng giám đốc Công ty Bạch Việt, ông Đinh Tiến Sử không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, như Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng quy kết. Mặt khác, khi giải quyết vụ án dưới góc độ hình sự hay dân sự, phải đưa bên thứ ba là chủ sở hữu tài sản đất đai trở thành một bên liên quan. Đó là Quân khu V và Quân khu VII, bởi khác sạnh Bavico Nha Trang và Bavico Đà Lạt là của Công ty Bạch Việt, nhưng đất đai lại là của quân đội do Quân khu V và Quân khu VII quản lí.
Còn tiếp