Quan điểm của các luật sư về vụ ông Đinh Tiến Sử bị khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Hành vi của ông Sử chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm (ki
Pháp luật - Bạn đọc 03/03/2020 09:26
Phóng viên: Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã có quyết định khởi tố ông Đinh Tiến Sử, Giám đốc Công ty Bạch Việt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đối với hành vi bán căn hộ Condotel đã thế chấp cho Ngân hàng Đầu tư CP Quân đội (MB) tại khách sạn Bavico Nha Trang và Bavico Đà Lạt. Đề nghị các luật sư cho biết, sự thật này như thế nào và đưa ra quan điểm của mình về mặt pháp lí?
Luật sư Võ Ngọc Dao, Công ty Luật ATD, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội và luật sư Đào Thanh Tuấn, Công ty Luật T&D, Đoàn Luật sư Khánh Hòa: Phân tích tính pháp lí đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 trong trường hợp này, chúng tôi thấy cần đưa ra một số căn cứ cấu thành tội lừa đảo mà pháp luật qui định. Một là, thủ phạm đã có hành vi gian dối để lừa đảo hay chưa? Hai là, tài sản trước khi chiếm đoạt là gì, của ai? Ba là, hậu quả của hành vi lừa đảo đó để lại như thế nào?
Những năm gần đây, các vụ việc liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo… trong lĩnh vực mua bán căn hộ nghỉ dưỡng, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch condotel… diễn biến phức tạp, trên địa bàn cả nước, trong khi hệ thống pháp luật và khung pháp lí điều chỉnh đối với loại hình kinh doanh mới và đặc thù này, thì chưa đầy đủ và rõ ràng. Kinh doanh mua bán căn hộ lưu trú du lịch condotel là quan hệ dân sự - kinh tế, được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận, kí hợp đồng giữa chủ đầu tư dự án với các cá nhân có nhu cầu, sử dụng đầu tư vào loại hình kinh doanh này. Mặc dù có quy định, điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch… nhưng chưa có quy định đầy đủ, cụ thể và chi tiết đối với loại hình kinh doanh mới và đặc thù này.
Quá trình hợp tác kinh doanh, một số nơi đã xảy ra tranh chấp. Phần lớn các vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp thuộc loại án dân sự. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp được xem xét dưới góc độ hình sự, do vay quá hạn không trả được nợ gốc; hồ sơ thủ tục vay không bảo đảm tính pháp lí, có dấu hiệu tạo dựng để chiếm đoạt tài sản; tài sản thế chấp không thuộc quyền sở hữu của bên vay… Các hành vi này được xếp vào loại “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Thực tế, công tác điều tra, truy tố, xét xử án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, kinh doanh thương mại diễn ra khá nhiều và đạt được một số kết quả khá tốt. Tuy nhiên, do loại án này khá phức tạp về thủ tục pháp lí, nên thường tồn tại một số hạn chế. Số vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại chiếm tỉ lệ tương đối cao, trong đó có việc nhận thức chưa đầy đủ và thống nhất của một số người tiến hành tố tụng, về các yếu tố pháp lí trong cấu thành tội phạm của tội danh “Lừa đảo”, “lạm dụng chiếm đoạt tài sản”; chưa nhất quán, thiếu căn cứ pháp lí, nên nhiều trường hợp phải đình chỉ điều tra vì không buộc được tội. Thực chất đây là các vụ việc thuộc quan hệ dân sự - kinh tế. Các cơ quan chức năng và người tiến hành tố tụng đôi khi còn có quan điểm khác nhau, trong xác định các yếu tố cấu thành tội phạm; đánh giá chứng cứ, định tội danh, đặc biệt là đối với những vụ án mà hành vi của can phạm không thể hiện các yếu tố cấu thành tội phạm một cách đặc trưng, rõ ràng, hoặc đối với những vụ việc mà ranh giới phân biệt giữa dấu hiệu của tội hình sự và quan hệ xã hội có tính chất dân sự - kinh tế rất mờ nhạt, thì nguy cơ hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự hoặc nguy cơ bỏ lọt tội phạm là rất cao.
Luật sư Võ Ngọc Dao |
Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bavico Nha Trang và Bavico Đà Lạt, thuộc nhóm cần xác định giữa dân sự hay hình sự. Ở đây, một số yêu cầu cần được xem xét nghiêm túc: Tình tiết nào được coi là lừa đảo, để buộc tội lừa đảo, nhằm xử lí hành vi lừa đảo? Yêu cầu này đòi hỏi điều tra viên và cơ quan tố tụng phải tập hợp phân tích, chứng minh, đánh giá, ở nhiều yếu tố của vụ án, áp dụng các văn bản pháp luật liên quan một cách thận trọng, công tâm, khách quan, thì mới xác định được có hay không dấu hiệu “lừa đảo” hay “lạm dụng” nhằm chiếm đoạt tài sản. Với vụ ông Đinh Tiến Sử, trên cơ sở các thông tin được Báo Người cao tuổi đăng tải, cùng các tài liệu chúng tôi tiếp cận được, tuy chưa phải là tất cả, nhưng cũng đủ đưa ra quan điểm pháp lí đối với hành vi của ông Sử.
Theo quyết định truy nã của Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, ông Đinh Tiến Sử bán căn hộ condotel cho nhiều người, khi các căn hộ đó đã thế chấp cho MB. Từ đó, đưa ra đánh giá ông Sử đã “lừa đảo” chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thứ cấp, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 2009).
Đặc điểm đặc trưng pháp lí của tội danh này là hành vi lừa dối, nên nổi bật phải là thủ đoạn gian dối của người phạm tội. Tuy nhiên, bên cạnh thủ đoạn gian dối, còn có yếu tố rất quan trọng, nếu thiếu nó thì chưa cấu thành tội phạm, đó là hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu chỉ có thủ đoạn gian dối, nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản, thì chưa phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi gian dối sẽ bị xem xét trách nhiệm về tội danh khác, hoặc chỉ là quan hệ dân sự - kinh tế, chứ chưa đến mức phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự. Bản chất, kinh doanh đầu tư mua bán condotel là mua bán thời gian lưu trú du lịch dài hạn, để hợp tác kinh doanh theo xu hướng kinh doanh ngành nghề dịch vụ, du lịch đang nở rộ và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Kinh doanh mua bán căn hộ lưu trú du lịch condotel, về bản chất là quan hệ dân sự - kinh tế, được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận, kí hợp đồng giữa chủ đầu tư dự án với các cá nhân có nhu cầu sử dụng, đầu tư vào loại hình kinh doanh này, chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch… Do đó, nếu có sự “trục trặc” nào đó trong mối quan hệ giữa chủ đầu tư (Công ty Bạch Việt) và nhà đầu tư thứ cấp (các chủ căn hộ) thì cũng chỉ bị chi phối bởi quan hệ dân sự.
Còn tiếp