Phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm và trách nhiệm của các đại biểu
Trong mắt người già 22/10/2019 22:05
Khi được mời nói về hệ thống pháp luật trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), KTS Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội BĐS TP Hồ Chí Minh tỏ ra khá bức xúc. Qua nghiên cứu kĩ ông cho biết nghị định, thông tư và các luật thường “đá” nhau, thậm chí phủ định nhau. Ông Châu cho rằng người ta bắt bẻ từng dấu phẩy, chứ không nói từng câu chữ. Ông Châu nêu ra ba điểm nghẽn của thị trường BĐS cần sớm tháo gỡ là thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó Hiệp Hội BĐS TP Hồ Chí Minh kiên trì phản biện và đã gửi hơn 70 văn bản kiến nghị các cấp có thẩm quyền.
Luật gia Nguyễn Văn Kích cũng cho rằng, khi cho rằng khó giải quyết hết tham nhũng, lợi ích nhóm; chừng nào còn việc “cài cắm” lợi ích nhóm khi soạn thảo văn bản pháp luật, đặc biệt là các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. Theo ông Kích, doanh nghiệp bị biến thành con rối cho các quan chức với một “rừng” văn bản mà muốn áp dụng theo kiểu gì cũng được. Ông Kích đề nghị phải xác định vị trí vai trò của doanh nghiệp trong trong việc xây dựng nội dung văn bản pháp luật. Thực tế ở Việt Nam, cơ quan được giao xây dựng văn bản pháp luật ít chịu lắng nghe tiếng nói người trong cuộc là doanh nghiệp, mà chỉ thường bảo vệ lợi ích của bộ, ngành mình.
Cái gốc, kẻ hở cho tham nhũng có thể nói là các văn bản pháp luật. Có người từng nói rằng khi Chính phủ giao Bộ soạn thảo luật thì Bộ trưởng giao cho Thứ trưởng, Thứ trưởng giao xuống dưới và có khi người chấp bút lại là chuyên viên… Không biết việc “sản xuất” ra luật có đúng như quy trình không, nhưng sản phẩm đầu ra đưa vào thực tế gặp các hạn chế như các phản ánh trên. Tiếc là các đại biểu của ta không hiểu vì nể nang hay chưa có thời giờ “tiêu” hết mà cứ bấm nút cho qua. Nhiều chuyên gia pháp lí chỉ ra rằng, có bộ luật vừa được kì họp trước thông qua thì kì họp sau chỉnh lí bổ sung (!).
Rất mong các đại biểu Quốc hội luôn tỉnh táo để đỡ lãng phí, góp phần hạn chế nạn tham nhũng và lợi ích nhóm .