Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Sự kiện 05/11/2024 17:19
Theo chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
Tại phiêu thảo luận, Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị giao đủ kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương theo vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị giao đủ kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương theo vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025. |
Đại biểu Vương Thị Hương cho biết, kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2025 còn lại chưa giao theo Quyết định số 1535 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tại Văn bản số 822 ngày 8/10/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dự kiến kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025, trong đó thông báo vốn ngân sách địa phương cho tỉnh Hà Giang đã bị giảm 383,5 tỷ đồng.
Đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, Hà Giang là một tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn và với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bị cắt giảm như trên sẽ gây khó khăn cho tỉnh trong việc cân đối bố trí vốn với các dự án đã quyết định đầu tư.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giao đủ kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương theo vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng Quyết định số 1535 của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/9/2021.
Về Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang, đại biểu Vương Thị Hương nêu rõ, Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào dự án trọng điểm quốc gia tại Quyết định số 1166 ngày 10/10/2023 và Dự án được thực hiện trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Giang có chiều dài là 27,48 km.
Tuy nhiên, đại biểu Vương Thị Hương chỉ rõ, hiện nay, nhu cầu về đất san lấp, vật liệu xây dựng trong các dự án, nhất là dự án cao tốc là rất lớn, nhưng nguồn cung không thể đáp ứng do Luật Khoáng sản quy định tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp là khoáng sản. Trong khi đó, trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành còn rườm rà và tốn nhiều thời gian của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân đang sở hữu giấy phép. Các vướng mắc này dẫn đến thiếu hụt nguồn thu đất, gia lấp, ảnh hưởng đến biến độ thi công và giải ngân vốn các của các phương án không giải quy định.
Ngoài ra, việc các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa chỉ từ 1 mét vuông vẫn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường là không cần thiết và gây tăng thêm thủ tục cho các dự án, nhất là đối với dự án giao thông nông thôn. Công tác chuyển đổi đất rừng, quy hoạch sử dụng đất để triển khai thực hiện các dự án cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định từng loại đất.
Vì vậy, đại biểu Vương Thị Hương kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép địa phương được giao làm cơ quan chủ quản dự án thực hiện các nội dung thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật, dự toán.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. |
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho biết, Chính phủ dự kiến thu ngân sách năm 2024 sẽ tăng 10% so với năm 2023. Trong dự toán ngân sách 2025, Chính phủ yêu cầu tăng thu thêm 5% so với năm 2024. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng một số địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3, cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh và góp phần tăng thu ngân sách.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời tập trung khai thác các nguồn thu như sử dụng đất, xổ số kiến thiết, trong đó cần sớm hoàn thiện các chính sách liên quan như bảng giá đất, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai. Hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong quá trình thu ngân sách, giải quyết những khó khăn vướng mắc.
Về tiết kiệm chi thường xuyên và đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho biết, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển. Để thực hiện được điều này, đại biểu đề xuất thực hiện cắt giảm 5% chi thường xuyên ngay từ đầu năm để tạo thuận lợi cho việc bố trí vốn đầu tư công. Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong lập kế hoạch và bố trí nguồn vốn đầu tư công.
Đối với đầu tư công cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực hỗ trợ 13 tỉnh, thành phố trong chuẩn bị các chương trình, dự án đầu tư công. Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị sớm trình Chính phủ hoàn thiện Nghị quyết và phê duyệt các đề xuất đầu tư cho vùng này.
Đại biểu Lê Quân, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại biểu Lê Quân cho biết, qua kinh nghiệm từ Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, các Đại học hàng đầu Trung Quốc, có thể thấy, đại học có nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ thầy cô, nhà khoa học đông đảo, có khối tài sản công rất lớn, chỉ còn thiếu cơ chế để có thể vận hành tự chủ và tạo nguồn thu lớn. Đại biểu kiến nghị pháp luật về sử dụng tài sản công cần cởi mở hơn với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục.
Đại biểu Lê Quân, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị sự nghiệp công lập. |
Theo đại biểu, Luật Thủ đô đã có những quy định ưu việt trong sử dụng tài sản công, tuy nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trên địa bàn Hà Nội nhưng không phải là đối tượng áp dụng của Luật Thủ đô. Đại biểu kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý sử dụng tài sản công theo hướng giúp Đại học được chủ động hơn trong khai thác hiệu quả tài sản công theo quy chế tài chính, có kiểm toán đầy đủ, mang lại các nguồn thu, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đại học. Đại biểu nêu rõ, các nguồn thu ngoài học phí và ngân sách sẽ phải chiếm khoảng 50% cho các khoản chi sau này của Đại học. Vì vậy, nếu phát triển được nguồn lực thì sẽ giảm được gánh nặng học phí và chi ngân sách.
Liên quan đến kinh phí khoa học công nghệ, đại biểu cho biết vấn đề này đã có bước tiến bộ so với năm trước. Tuy nhiên, khi đã xác định giai đoạn sắp tới cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo hướng đến kỷ nguyên vươn mình, cần chú trọng thật sự chú trong tới giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và khoa học công nghệ. Nếu đầu tư tốt cho 3 lĩnh vực này trong thời gian tới thì sẽ tạo ra bứt phá, đem đến kết quả lâu dài cho các giai đoạn sau.
Đại biểu kiến nghị, để quốc gia có bước đột phá về đổi mới sáng tạo, thì đổi mới sáng tạo phải dựa vào các nhà khoa học nhiều hơn. Đối với hiệu quả của nghiên cứu khoa học, chúng ta cần đặt niềm tin trước, các nhà khoa học cần được chọn lọc, đánh giá kỹ, có cam kết về sản phẩm đầu ra, đầu tư theo các hướng nghiên cứu mang tính chất dài hạn và bài bản thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hiện nay, khu vực doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn rất hạn chế, các doanh nghiệp công nghệ còn yếu, nên vấn đề phát triển, đổi mới sáng tạo sẽ cần được chú trọng trong thời gian tới.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần có đổi mới về cơ chế phân bổ kinh phí khoa học công nghệ. Hiện nay, thủ tục thanh quyết toán rất chậm, nhiều rào cản, các định mức còn lạc hậu. Đại biểu đề nghị kinh phí cần đầu tư cho các nhóm nghiên cứu theo các đơn vị khoa học công nghệ, phải đầu tư trọn gói, định mức dài hạn để nâng cao hiệu quả và tạo hiệu quả khi triển khai trong thực tế.
Tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025. Theo như các ĐBQH phản ánh, việc phân bổ ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển phải được đổi mới về hình thức và cách thức. Tuy nhiên, theo luật quy định, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện được. Trong đó việc chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Việc phân bổ chi cho khoa học công nghệ cũng phải có dự toán, định mức được phê duyệt. Giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại...
Về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên thì chủ yếu là tiết kiệm ở các sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, mua sắm rồi chi phí công tác phí, hội nghị tiếp khách, mua sắm nhỏ còn lương và các khoản phụ cấp từ lương thì gần như vậy không tiết kiệm được. Việc chi thường xuyên cho trả tiền lương đã chiếm tới 45%, còn lại 65% là các khoản chi khác.
Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình là cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ chi thường xuyên. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009 – 2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay, việc này được tái khởi động lại, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển. Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Toàn cảnh buổi giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Về vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, còn những bất cập, như: Thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản. Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.
Về vấn đề thu tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, thực tiễn thủ tục này không phức tạp, mà chỉ chậm do việc xác định giá đất tiến hành chậm. Khi chưa có giá đất, cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất. Do đó, khâu xác định giá đất đang là mấu chốt vấn đề. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất của cả nước chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước, đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc. Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ.
Ngoài ra, về tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, có các mức độ tự chủ khác nhau, như: Tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện. Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ.
“Đối với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của nhà nước - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nêu rõ”.