Đổi mới hình thức và cách thức phân bổ ngân sách và kế hoạch đầu tư phát triển
Tin tức - Sự kiện 05/11/2024 18:00
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các nội dung nêu trên đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, với 69 ý kiến phát biểu.
Tại phiên thảo luận có 11 ĐB phát biểu ý kiến và 1 ĐB tranh luận về giải pháp để khắc phục các tồn tại và tập trung hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2024. Năm 2025 là năm cuối nhiệm kì kết quả thực hiện ngân sách, do đó các ĐB đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lí ngân sách nhà nước; cải thiện công tác lập kế hoạch dự toán, nhất là dự toán thu; kịp thời phân bổ giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công...
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Giải trình về các ý kiến của các ĐBQH, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Việc phân bổ ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển phải được đổi mới về hình thức và cách thức. Tuy nhiên, theo luật quy định, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện. Trong chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt.
Việc phân bổ chi cho khoa học công nghệ cũng phải có dự toán, định mức được phê duyệt. Giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại...
Về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên, chủ yếu là tiết kiệm ở các sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, chi phí công tác phí, hội nghị tiếp khách, mua sắm nhỏ. Lương và các khoản phụ cấp từ lương thì không thể tiết kiệm. Việc chi thường xuyên cho tiền lương đã chiếm tới 45%, còn lại 55% là các khoản chi khác.
Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình tiết kiệm được khoảng 7.000 tỉ đồng chi thường xuyên. Thường trực Chính phủ chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, năm 2009 - 2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay tái khởi động lại, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển. Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Kì họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV |
Về vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên, hiện nay có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản. Do vậy, cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.
Về thủ tục thu tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng cho biết, thực tiễn thủ tục này không phức tạp, mà chỉ chậm do việc xác định giá đất tiến hành chậm. Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất. Do đó, khâu xác định giá đất đang là mấu chốt vấn đề. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất của cả nước chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước, đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc. Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ.
Về tự chủ tài chính, có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện. Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ. Đối với việc quản lí các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lí sử dụng tài sản công đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của Nhà nước.
Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.../