Nam Định - Đi đầu cả nước về sắp xếp đơn vị hành chính
Sự kiện 31/10/2024 14:44
Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 26/5/2023 và quyết định thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 141/2023/NQ-HĐND ngày 9/12/2023 quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Trong Nghị quyết có nêu: Ngoài các chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế và các chính sách khác theo quy định của pháp luật, tỉnh Nam Định hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ công tác trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã mở rộng do Tỉnh ủy Nam Định tổ chức |
Với sự vào cuộc quyết liệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, tiến hành bài bản, khoa học, chắc chắn theo trình tự, thủ tục và hướng dẫn của Trung ương. Do đó, việc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định đảm bảo dân chủ, đúng quy định, vượt kế hoạch đề ra trước 45 ngày. Kết quả sau sắp xếp, tỉnh còn 9 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị), 175 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 51 đơn vị). Từ ngày 1/9/2024, tổ chức Đảng, chính quyền tại các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp bắt đầu đi vào hoạt động, đảm bảo tính liên tục, hiệu lực, hiệu quả; không làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Điều đáng mừng, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh với tỷ lệ cao (trên 95% cử tri nhất trí). Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã tạo ra sự cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ tốt hơn doanh nghiệp, người dân, nhất là trong bối cảnh Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố giai đoạn 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh (giảm 42%); kinh nghiệm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao theo phương châm: Dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó, chưa chắc chắn thì tiếp tục tuyên truyền, vận động để khi thực hiện nhất định phải thành công; Với kinh nghiệm đó đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao khi tổ chức thực hiện Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giúp công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn. Các địa phương, đơn vị chủ động hơn trong việc nắm bắt và phản ánh kịp thời tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhất là việc bố trí vị trí việc làm, tinh giản biên chế và việc giải quyết các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp, sáp nhập.
Bên cạnh đó, HĐND, UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 đối với đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Có phương án sử dụng tài sản của các đơn vị sắp xếp hiệu quả, tránh lãng phí, không đúng quy định. Chỉ đạo việc sử dụng, bảo quản tài liệu, sổ sách tài chính, kế toán, hồ sơ lưu trữ đúng quy định, không được làm mất, thất lạc tài liệu khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Các địa phương nhanh chóng ổn định hoạt động tổ chức, chỉ đạo bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp theo đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng trụ sở cấp xã bỏ hoang, bỏ trống. Có biện pháp huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp, đặc biệt là các đơn vị hành chính đô thị. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện các giao dịch với các cơ quan nhà nước, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính khi thay đổi con dấu, giấy tờ nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách ở các địa phương, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh theo quy định của Trung ương và của tỉnh. Kịp thời tuyên truyền, nhân rộng các cách làm hay, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính. Có các hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời có biện pháp xử lý đối với trường hợp vi phạm theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị trao Bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính |
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Đòi hỏi phải xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó việc sắp xếp đơn vị hành chính là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Vẫn biết rằng, sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tư tưởng, tâm lý, vấn đề khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán hình thành từ lâu đời của nhân dân mỗi địa phương...Nhưng với khát vọng và ý chí vươn lên mạnh mẽ, cùng với sự đoàn kết, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, tin rằng Nam Định sẽ thực hiện thành công Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giữ vững và duy trì sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện, bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; sớm hoàn thành mục tiêu là tỉnh phát triển khá của cả nước, là một trong những trung tâm phát triển quan trọng của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.