Phát hiện các tình tiết mới sau loạt bài “Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội: Hành trình hai thế hệ thay nhau đi tìm công lí”
Pháp luật - Bạn đọc 21/07/2019 10:58
Cụ Nguyễn Văn Thược thoát li đi làm cách mạng từ năm 1947 (lúc đó bố mẹ ông đều đã mất cả) và đến tận năm 1987 ông Thược lần đầu về dựng nhà ở và trồng xoan, đào trên mảnh đất của gia đình.
Sống chưa đầy 1 năm tại đó, cụ Thược lại về quê vợ ở Thanh Hóa để phụng dưỡng bố mẹ vợ, cho tới năm 2002 mới quay lại làm nhà trên mảnh đất của bố ông để lại và hiện nay đang xẩy ra tranh chấp. Theo cụ Thược, năm 2001 khi phát hiện đất bị cấp sổ đỏ cho người họ hàng cụ đã có đơn khiếu nại. Ngoài việc cấp sai đối tượng chủ sử dụng thì còn gộp 2 thửa làm một, gồm thửa của nhà cụ Thược và một người họ hàng khác là ông Hoạt, nên huyện Từ Liêm yêu cầu UBND xã Thụy Phương lúc đó giữ lại sổ đỏ không trả cho người có tên được cấp.
Thế nhưng năm 2017, bà Lã Thị Hồng Chiên, cán bộ địa chính của phường Thụy Phương lợi dụng vị trí làm việc của mình đã tự ý “đánh cắp” đưa cho con gái của ông Nguyễn Văn Mai (em họ của cụ Nguyễn Văn Thược, chú họ của ông Nguyễn Vô Tuyến). Sở dĩ gọi đây là hành vi “đánh cắp” vì bà Chiên giao sổ đỏ khi không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, không báo cáo Chủ tịch UBND phường Thụy Phương và giao cho một cá nhân mà không hề có Giấy ủy quyền của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Sau hành vi này, bà Chiên bị khiển trách về mặt Đảng và chính quyền, nhưng vẫn tiếp tục được giao đảm nhiệm vị trí cán bộ địa chính tại phường Thụy Phương với vai trò cán bộ chủ chốt của bộ phận này.
Tờ khai xin cấp giấy năm 2001 ghi rõ nguồn gốc đất là "Cha ông đẻ lại " |
Hiện nay, sổ đỏ này, chưa bị thu hồi, cũng chưa có quyết định nào thay thế, hoặc yêu cầu giữ lại, không giao cho người có tên được cấp, do khiếu kiện đã có trước là có căn cứ để truy cứu trách nhiệm về việc bàn giao bất hợp pháp giấy tờ này.
Khi có được sổ đỏ (bởi được giao trái pháp luật), con gái ông Nguyễn Văn Mai đã khởi kiện gia đình ông Nguyễn Vô Tuyến ra TAND quận Bắc Từ Liêm, nhằm đuổi gia đình ông Tuyến ra khỏi mảnh đất tranh chấp.
Chính trong quá trình thụ lí và thu thập các thông tin đã phát hiện ra nhiều tình tiết mới rất bất ngờ.
Đồng loạt vợ con “tố” chồng và bố “khai lung tung”
Trong quá trình suốt hơn 15 năm tranh chấp về mảnh đất, gia đình cụ Thược và gia đình ông Mai đã có nhiều lần hòa giải được lập thành biên bản. Trong các biên bản này có chữ kí của các người tham gia và đại diện của chính quyền địa phương.
Biên bản hòa giải lần đầu ngày 28/8/2002 ghi nhận con trai ông Mai là Nguyễn Thế Hiên cho rằng, trước đây bố ông (tức ông Mai) đã mua lại phần đất này của cụ Thược. Còn bà Nguyễn Thị Sáu (vợ sau của ông Mai) thừa nhận gia đình ông Mai trước đây không có mảnh đất này do là con thứ. Mảnh đất trên được mua lại. Theo bà Sáu, bà Bé (vợ cả của ông Mai) đã mua lại của nhà ông Hoạt nhưng hoàn toàn không có một bằng chứng nào về việc mua bán. Điều bất hợp lí là năm 1960 đã có tên trong sổ địa chính một mảnh đất là Lê Văn Mai, trong khi đó bố mẹ cụ Thược mất đi từ năm 1946, còn cụ Thược là người thừa kế duy nhất lại đi công tác cho đến năm 1987 mới về quê ở. Vậy, ông Mai đã mua mảnh đất này của cụ Thược như thế nào để được đứng tên trong sổ đỏ năm 2001? Bà Sáu (vợ ông Mai) đã "nói dối" các hộ liền kề rằng: Cụ Thược và ông Hoạt đã thống nhất giao cho ông Mai đứng tên làm sổ đỏ mảnh đất nên các hộ liền kề đã kí xác nhận và bây giờ họ sẵn sàng đứng lên nói rõ sự thật.
Lời khai của ông Hiên và bà Sáu (con trai và vợ hai của ông Mai) thể hiện là hai thửa đất là do gia đình mua lại của cụ Thược và ông Hoạt trong biên bản hòa giải ngày 28/8/2002 |
Chưa cần các hộ này lên tiếng tố cáo, các hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ được thu thập chuẩn bị cho phiên tòa đã chứng minh sự bất nhất trong hồ sơ và lời khai trong biên bản hòa giải.
Trong đơn xin đăng kí quyền sử dụng đất năm 2001, do ông Mai đứng tên khai ghi rõ nguồn gốc sử dụng đất là đất “Cha ông để lại”.
Trước sự thật bẽ bàng này, đồng loạt trong năm 2019, vợ và con của ông Nguyễn Thế Hiên làm đơn trình bày “tố” rằng: Khi đó ông Hiên (bố và chồng của mình) chưa nắm được sự việc nên khai lung tung, không chính xác. Lời “tố “ này cũng gián tiếp phủ nhận lời khai của bà Sáu (vợ hai của ông Nguyễn Văn Mai) là bà nội và mẹ chồng của mình.
Li kì và giàu trí tưởng tượng hơn, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, sinh năm 1963, con gái út của ông Mai và bà Sáu, đồng thời là người đứng ra khởi kiện đã kể trong bản tự khai rằng: “Vào những năm cải cách ruộng đất, do cụ Mai sinh sống trực tiếp tại địa phương nên thửa đất số 8, tờ bản đồ số 6 được Nhà nước giao cho ông Mai quản lí và sử dụng”. thế nhưng, ông Mai lại khai rằng đây là đất “cha ông để lại”. Hơn nữa, năm 1960 thì thửa đất mà bà Hương khai gồm hai thửa và có tên 2 chủ sử dụng là Lê Văn Mai và Nguyễn Văn Cương.
Quả là kì lạ, ngược đời ở một gia đình mà kẻ hậu sinh lại tự cho mình là biết chuyện xa xưa hơn bậc tiền bối sinh thành ra mình, hay là vật chất đã làm mờ đôi mắt lương tâm của những kẻ đã chót “ném lao thì phải theo lao”?
Dấu hiệu giả mạo chữ viết, chữ kí và bỏ qua xác minh việc sai khác tên chủ sử dụng khi cấp sổ đỏ
Trong hồ sơ xin cấp sổ đỏ năm 2001 có đơn xin đăng kí quyền sử dụng đất và biên bản xác định ranh giới thửa theo hiện trạng đang tồn tại hai kiểu chữ viết và chữ kí, không phải do một người viết và kí ra. Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ rất dễ nhận thấy sự sai khác bằng mắt thường cũng nhận ra được. Sự sai khác tên các chủ sử dụng đất qua các thời kì từ năm 1960 đến năm 1994, cũng bị cả Hội đồng xét duyệt đất đai xã Thụy Phương và các bộ phận chuyên môn của huyện Từ Liêm "phớt lờ", rồi đề xuất cấp giấy chứng nhận cho chủ sử dụng là Nguyễn Văn Mai, trong khi bản đồ năm 1994 thì chủ sử dụng ghi là Lê Văn Mai và trước đó thì còn có tên của nhiều chủ sử dụng khác.
Ngày 9/6/2017, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bắc Từ Liêm mới có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Miền, là cán bộ địa chính trước đây của xã Thụy Phương. Tại buổi làm việc này, ông Miền cho biết: Ông Nguyễn Văn Mai và ông Lê Văn Mai (ghi trong sổ mục kê) là một người. Do ông Mai mồ côi từ nhỏ và đi làm con nuôi Tổng chi họ Lê, vì vậy trong sổ mục kê các thời kì đều ghi người sử dụng đất là Lê Văn Mai.
Thật không thể hiểu nổi, quy định nào pháp luật cho phép một cá nhân như ông Miền có thẩm quyền xác định hai người là một chứ không phải là cơ quan có thẩm quyền(!?). Đây chỉ là một kiểu "vụng chèo" rồi lại "vụng cả chống" của cơ quan chuyên môn huyện Từ Liêm (quận Bắc Từ Liêm) nhằm che đậy cho cái sai rất lớn trong quá khứ?. Thông tin của ông Miền cung cấp cũng sai vì thực tế bố của ông Mai là cụ Nguyễn Văn Đào đã đi làm con nuôi cho Tổng chi họ Lê. Cụ Đào làm con nuôi của bố còn ông Mai sau đó làm con nuôi của con. Liên tục hai bố con Đào và Mai làm con nuôi của hai bố con Cụ Lê Đình Chi và Lê Đình Tú. Cả bố và con là Nguyên Văn Đào và Nguyễn Văn Mai đều sống trên đất họ Lê nên ông Nguyễn Văn Mai chưa một ngày nào sống trên mảnh đất tranh chấp.
Từ chuỗi những hành vi sai phạm, tắc trách hoặc cố ý của các đối tượng liên quan đến quá trình cấp sổ đỏ đất, gia đình ông Nguyễn Vô Tuyến có đầy đủ bằng chứng cho rằng, có dấu hiệu các đối tượng thuộc xã Thụy Phương và huyện Từ Liêm đã câu kết với gia đình ông Nguyễn Văn Mai, cố tình tạo dựng hồ sơ, có dấu hiệu giả mạo chữ ký, làm khống hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Mai, là trái quy định của pháp luật, nhằm chiếm đoạt thửa đất của gia đình ông Tuyến nên đã có văn bản gửi tới các cơ quan bảo vệ pháp luật về những hành vi có dấu hiệu hình sự kể trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin về nội dung này trong các bài báo tới.