Ông Nguyễn Thanh Trong, khí phách anh hùng trong kháng chiến, tận tâm hiếu nghĩa trong thời bình
Tuổi cao gương sáng 29/04/2024 10:00
Từ Ba Em đến Nguyễn Thanh Trong
Trong những ngày tháng 4, hòa cùng không khí tưng bừng kỉ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2024), hòa chung nghĩa cử tri ân, chúng tôi tìm về Tân Nhựt để gặp ông, để nghe ông kể về con đường đến với cách mạng, tham gia kháng chiến với những trận đánh cận kề sinh tử, trong năm tháng gian nan, oai hùng. Đó là hành trình của một con người có hai cái tên Nguyễn Văn Em và Nguyễn Thanh Trong.
Sinh năm 1952, khi mới sinh ra, ba mẹ đặt tên cho ông là Nguyễn Văn Em. Chòm xóm, bạn bè thường gọi Ba Em. Nhìn hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bị giặc o ép, xóm làng, quê hương bị tán phá, giết chóc, Ba Em nung nấu căm phẫn rồi sớm tham gia du kích ở địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Trong cần mẫn với công tác Hội. |
Trong Cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, chàng trai trẻ Ba Em tham gia Đại đội 1, Tiểu đoàn 6 đánh vào Sài Gòn đợt 2. Tháng 5/1968, trở lại xã Tân Nhựt, Ba Em tiếp tục cùng với du kích địa phương tham gia chiến đấu. Từ năm 1969 đến tháng 4/1975, trải qua các vai trò Tiểu đội trưởng du kích xã, Chính trị viên, Trưởng an ninh, Xã đội trưởng, Bí thư chi bộ, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, Huyện ủy viên Bình Chánh, ở cương vị nào, Ba Em cũng luôn trực chờ tinh thần chiến đấu không khoan nhượng với quân thù; cùng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn làm nên những trận đánh oanh liệt, khiến quân địch khiếp vía.
Ba Em sáng ý nhặt đạn lép của địch về tháo lấy thuốc nổ chế lại thành vũ khí thô sơ cho mình. Ba Em anh dũng cải trang giả đi mò cua, bắt ốc hay thành phụ nữ đi cày cấy rồi mang theo mìn đột nhập đánh vào lòng địch, tạo nên những trận thắng vang dội, ghi danh. Trận đánh đầu tháng 6/1969, Ba Em dùng cối 81 li gài chặn đầu Lữ đoàn 199 của Mỹ đóng tại đồn Cam Ly đang hành quân. Địch đạp phải cối nổ tung làm chết và bị thương trên 10 tên, khi rút đi, địch bỏ lại hàng nghìn viên đạn các loại và hàng trăm quả lựu đạn. Năm 1970, Ba Em đánh Mỹ ngay trước sân nhà ông Biện Đặng, ở ấp 5, xã Tân Nhựt giết chết 3 tên, bị thương 5 tên lính Mỹ - ngụy.
Cứ như vậy, Ba Em liên tiếp cùng với đồng chí, đồng đội mưu dũng làm nên những trận đánh bất ngờ, táo bạo khiến quân địch căm phẫn, truy lùng tìm diệt. Ông nhớ lại, ngày đó tụi nó gắt gao lắm, năm 1972, từ hành dinh của Mỹ - ngụy phát đi thông báo tìm diệt hoặc bắt sống Nguyễn Văn Em, với mức thưởng 1,2 triệu đồng, tương đương cả ngàn cây vàng khi đó. Khắp vùng Tân Nhựt, bọn chúng viết “cáo thị” lên khắp làng ấp, mái nhà, sân gạch, bờ tường. Nên ngay cả khi vợ sinh con đầu lòng vào năm 1974, Ba Em vẫn phải bấm bụng náu mình, đành nhờ vào bao bọc chở che của gia đình, chòm xóm. May hồi đó cô ba mụ ở chợ Đệm vừa mát tay hộ sinh lại vừa thấu hiểu hoàn cảnh đã sáng ý lập giấy khai sinh để ba mẹ của Nguyễn Văn Em nhận cháu nội là con…
Cũng trong năm 1974, sau thời gian dài quần thảo, tìm kiếm, bất ngờ Mỹ - ngụy cùng xã trưởng Tân Nhựt khống chế cụ Nguyễn Văn Lý, cha của Ba Em rồi ra thông báo Ba Em đã bị bắn chết, bắt cụ Lý kí giấy xác nhận. Bàn thờ Nguyễn Văn Em được gia đình lập ...
Cái tên Nguyễn Văn Em bị khai tử. Nguyễn Thanh Trong ra đời từ đây. Nhưng dù là Nguyến Văn Em hay Nguyễn Thanh Trong thì cốt cách, khí phách dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu vẫn vẹn nguyên trong ông. Không chùn bước, trong những ngày tháng của Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, thực hiện chủ trương “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, ông Trong, lúc đó giữ vai trò Bí thư Chi bộ xã Tân Nhựt đã quyết liệt chỉ đạo phải phá đồn Cam Ly nổi tiếng ác ôn án ngữ Tây Nam Sài Gòn. Ông chỉ đạo công tác binh vận, hù dọa, tuyên truyền ngụy quân nộp súng đầu hàng; đưa dân quân chiếm đồn; chủ động cho người dân tự do khỏi vùng kiểm soát của địch, tiếp tế hậu cần mang lương thực thực phẩm cho quân Giải phóng tiến về Sài Gòn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quân và dân xã Tân Nhựt tự hào đã góp phần làm nên lịch sử.
Mẫu mực, tận tâm trong thời bình
Đất nước hòa bình, thống nhất, Nguyễn Thanh Trong gan dạ, oanh liệt trong kháng chiến, nay lại mẫu mực, bình dị trong đời thường. Ông hoài niệm, khắc ghi những đồng đội, người dân đã sát cánh trong tháng ngày gian khổ, đổ xương máu cho quê hương, đất nước. Ông tìm tới thăm và nom cô ba mụ năm xưa. Ông quây quần, sum vầy, nuôi dưỡng, dạy dỗ con cháu trưởng thành theo năm tháng. Ông tận hiếu chăm sóc cha già 102 tuổi và hòa thuận với gia đình anh chị em, dòng họ và bà con…
Và ông được tín nhiệm giao nhiều trọng trách công việc ở huyện Bình Chánh; Bí thư huyện Đoàn; Hiệu trưởng Trại Giáo dục, Lao động Gò Xoài; Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Tổ chức Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện và sau khi nghỉ hưu là Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Bình Chánh. Ở cương vị, công việc nào ông cũng thể hiện nhiệt huyết, mẫu mực và sự biểu dương.
Những Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; Huy chương Vì sự nghiệp Thanh niên, Kỉ niệm chương của Ủy ban MTTQ Việt Nam... Năm 2023, trong vai trò Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Bình Chánh, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong công tác từ năm 1918 đến năm 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ở tuổi 72, ông Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Bình Chánh vẫn chăm chỉ chạy xe máy hàng chục cây số mỗi ngày để lo công tác Hội, cho hội viên và NCT. Qua đó góp phần đưa Ban Đại diện Hội NCT huyện Bình Chánh liên tiếp được tặng Bằng khen của Trung ương Hội NCT Việt Nam, UBND TP Hồ Chí Minh, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh. Với những thành tích tiêu biểu trong công tác Hội năm 2023, Ban Đại diện Hội NCT huyện Bình Chánh tiếp tục được khen thưởng Tập thể Lao động động xuất sắc.
Cứ như vậy, những phần thưởng, những hành trình chăm lo cho NCT được nối dài mang theo nhiệt huyết, cần mẫn của Nguyễn Văn Em - Nguyễn Thanh Trong, một đảng viên mẫu mực, một người con tiêu biểu của quê hương Bình Chánh, khí phách anh hùng trong kháng chiến, tận tâm, hiếu nghĩa trong thời bình.