Hoạt động Hội NCT các địa phương
Hoạt động hội địa phương 29/04/2024 09:18
Quang cảnh buổi tặng quà NCT nghèo huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk |
Tỉnh Đắk Lắk. Ngày 28/4, Hội NCT huyện Ea Súp phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các cơ sở tiếp nhận và trao 300 suất quà cho đồng bào nghèo, học sinh nghèo, trong đó có hàng trăm NCT nghèo, hoàn cảnh khó khăn của tiểu khu 249 xã Ea Lê và thị trấn Ea Súp. Mỗi suất quà gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt trị giá 600 nghìn đồng. Được biết, số quà trên do chùa Thạnh Đức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) tài trợ. NCT và người nghèo được nhận quà rất phấn khởi, cảm ơn Hội NCT và các nhà tài trợ.
Tỉnh Sơn La. Ngày 26/4, tại huyện Thuận Châu đã diễn ra Lễ khánh thành Đền thờ Liệt sĩ trong Khu du lịch đèo Pha Đin. Tại buổi lễ, Hội NCT huyện đã trao số tiền 100 triệu đồng ủng hộ xây dựng Đền.
Hội NCT huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La trao tiền do cán bộ, hội viên đóng góp ủng hộ xây dựng Đền thờ Liệt sĩ. |
Đền thờ Liệt sĩ đèo Pha Đin là nơi quy tập, thờ cúng các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện về việc xã hội hóa xây dựng Đền, Hội NCT huyện đã vận động các cơ sở Hội và hội viên NCT trong huyện ủng hộ. Kết quả, NCT đã quyên góp 100 triệu đồng chung tay xây dựng Đền. Đây là nghĩa cử cao đẹp của NCT huyện Thuận Châu góp phần tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công trong những ngày tháng Năm lịch sử; đồng thời giáo dục truyền thống cho con cháu và thế hệ trẻ.
TP Hà Nội. Ban Quản lí Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội kết hợp với Hội Đông y quận Hoàn Kiếm tổ chức tọa đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Chương trình nhằm tạo ra một hoạt động ý nghĩa trong việc giữ gìn và phát triển các nghề truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội, đặc biệt là nghề y học cổ truyền tại phố Lãn Ông. Đồng thời, tạo cơ hội cho các lương y trao đổi kinh nghiệm làm việc và chia sẻ những khó khăn trong quá trình bảo tồn và giữ gìn phát triển nghề Y học cổ truyền.
Tại buổi tọa đàm, những vấn đề về phát triển phố nghề vừa là địa chỉ chữa bệnh uy tín, vừa kết hợp phát triển du lịch nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. GS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam trao đổi về quá trình hình thành và phát triển của nghề Đông y trong bề dày lịch sử; đưa ra thực trạng công tác phát triển Đông y và phố nghề Lãn Ông. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển nghề Đông y gắn với phố nghề Lãn Ông, góp phần thu hút du lịch và bảo tồn di sản văn hóa Đông y.
Quang cảnh tại buổi tọa đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. |
Theo ông Nguyễn Mạnh Thản, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội NCT Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cần tăng cường loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe bởi nó đem lại nhiều ý nghĩa tích cực và phù hợp với giai đoạn hiện nay. Song để làm được điều này, cần nâng cao chất lượng sản phẩm và kĩ năng chuyên môn của các lương y, cùng với đó là sự hỗ trợ sát sao của các cơ quan, bộ ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực Đông y.
Chuỗi hoạt động văn hóa với chủ đề “Giữ nghề xưa trên phố” được tổ chức nhân dịp kỉ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 – 01/5/2024) và hướng đến sự kiện Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024” diễn ra từ ngày 19/4 đến 12/5. Sự kiện góp phần tạo ra không gian văn hóa cho người dân và du khách trải nghiệm, tham quan trong dịp lễ 30/4 và 1/5.